Công chức làm việc tại nhà: Vẫn còn xa lắm...

Nguyên Khánh 26/11/2017 06:30

Tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức, viên chức ở một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan, bởi theo ông Hiểu đến cơ quan chưa chắc làm việc đã hiệu quả hơn ở nhà. Đề xuất này lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận.

Đề xuất công chức làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ với riêng cán bộ công chức. Rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về đề xuất này. Người thì cho rằng tư duy của đại biểu đi trước thời đại, đây là sáng kiến mang tính đột phá. Bởi, nếu làm việc tại nhà mà vẫn hiệu quả thì vừa đỡ tốn tiền điện, nước của cơ quan lại giúp giảm bớt nạn ùn tắc giao thông. Trong khi đó, đến cơ quan chỉ đánh trống điểm danh rồi lại ngồi tán ngẫu, buôn điện thoại, uống nước chè hoặc tìm bao việc vô bổ để tiêu đi 8h vàng ngọc ở cơ quan thì đề xuất cán bộ công chức được làm việc ở nhà mà chất lượng công việc vẫn tốt, bộ máy vẫn trơn tru quả là ý tưởng không xoàng.

Lý giải vì sao lại có ý tưởng đề xuất thí điểm cho cán bộ công chức làm việc tại nhà, ông Ngọ Duy Hiểu phân tích: Người lao động khi ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí điện nước… “Khuynh hướng của thời đại công nghệ thông tin là có thể làm việc ở nhà thay vì đến cơ quan. Vì vậy, chúng ta đến cơ quan chưa chắc làm việc đã hiệu quả bằng ở nhà”. Nếu áp dụng hình thức quản lý lao động theo cách này, có thể giảm chi phí điện nước, điện thoại, sử dụng thiết bị văn phòng, diện tích phòng làm việc của nhiều cơ quan. Người lao động cũng giảm được chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian, hiệu quả công việc có thể cao hơn nhờ tập trung hơn.

Cho phép công chức làm việc tại nhà hiện nhiều quốc gia đã áp dụng cho môt số vị trí nhất định. Theo Phòng Thương mại TP Toronto - Canada, thiệt hại do ùn tắc giao thông gây ra đối với khu đô thị Greater Toronto ước 6 tỉ USD/năm và việc nhiều công chức ở TP này làm việc tại nhà đã giúp giảm bớt chi phí. Các cơ quan tư pháp của Canada cũng đã có những động thái chính thức và hợp pháp để thúc đẩy cách làm việc linh động này. Tại Mỹ, năm 2010, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật tăng cường làm việc tại nhà, yêu cầu lãnh đạo các cơ quan chính phủ đề ra chính sách cho nhân viên làm việc tại nhà, xác định đối tượng đủ tiêu chuẩn và thông báo về chính sách. Tại Thụy Điển, Cơ quan Quản lý người sử dụng lao động của chính phủ (SAGE) đã lập ra khuôn khổ về thương lượng giờ làm việc tại địa phương và các điều khoản linh động thời gian cho chính quyền các thành phố - nơi có số lượng công chức chiếm khoảng 1/4 lực lượng lao động cả nước.

Nhận định về hình thức làm việc tại nhà có ảnh hưởng đến năng suất công việc hay không, văn phòng tổng thanh tra của chương trình thí điểm làm việc từ xa thuộc Cơ quan An sinh xã hội Mỹ cho rằng, điều đó phụ thuộc nhiều yếu tố. Chương trình thí điểm từ cuối năm 2013 và kết quả cho thấy năng suất giảm dựa trên tính chất công việc nhất định, như công chức làm việc qua điện thoại làm việc từ xa hiệu quả hơn tại công sở nhưng thụ động trước các cuộc họp khẩn, khó bảo mật thông tin cá nhân, cơ quan khó ngăn nhân viên tuồn tài liệu nội bộ ra ngoài... Vì thế, Cơ quan An sinh xã hội Mỹ đã thực hiện các cuộc họp trực tuyến định kỳ với nhân viên, lập mạng nội bộ cung cấp tài liệu ở địa điểm cụ thể; phát triển kế hoạch giám sát năng suất làm việc tại nhà của nhân viên và liên tục điều chỉnh hoạt động cho phù hợp.

Vẫn biết trên thế giới, một số nước như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Singapore... đã áp dụng hình thức này, cho phép công chức một số lĩnh vực làm việc từ xa, nhưng thực tế ở Việt Nam có nhiều điểm khác biệt, nếu không cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng sẽ dễ làm cho công chức trốn tránh công việc, trách nhiệm, tha hóa đạo đức, tham nhũng...

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết- nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cơ quan công quyền chính là cơ quan trực tiếp giao tiếp với dân, trực tiếp phục vụ, giải quyết công việc của người dân, nếu công chức mà ngồi ở nhà thì người dân đến biết làm việc với ai? Trên thực tế, rất nhiều công việc ở cơ quan hành chính cần tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp để hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì thế, nếu để công chức làm việc ở nhà thì giải quyết công việc sẽ rất khó.
Việc thí điểm công chức một số lĩnh vực làm việc tại nhà cần phải nghiên cứu kỹ, chỉ nên triển khai trong điều kiện khi tính tự giác thực thi công vụ, nhiệm vụ của đa số công chức thật sự hiệu quả, đồng thời công chức phải thành thạo, giỏi về công nghệ thông tin để có thể xử lý công việc một cách nhanh, hiệu quả nhất.


ĐBQH Ngọ Duy Hiểu.

Có thể thí điểm
Theo ĐBQH Ngọ Duy Hiểu, về việc này có thể chọn một số lĩnh vực, vị trí nhất định làm thí điểm.
Nếu không đến cơ quan, người lao động có thể làm việc ở nhà, hoặc có thể ở nơi khác như quán cà phê, để họ có thể bàn ra những sáng kiến rất hay, thay vì đến cơ quan với vẫn chỉ những đồng nghiệp cũ. Tuy nhiên, không phải vị trí nào cũng được phép làm việc tại nhà. Phải chọn lĩnh vực, chọn ngành nghề, nhất là lĩnh vực khoa học công nghệ, quản trị phần mềm, ngay cả lĩnh vực kinh doanh.

Vụ taxi công nghệ là ví dụ cụ thể của quản lý. Như quản lý taxi truyền thống thì quản lái xe bằng rất nhiều cách, nhưng nhìn lại thì hiệu quả không bằng Uber, Grab. Taxi công nghệ họ chỉ quản lý đầu vào, sau đó họ người lao động hoàn toàn chủ động, nhưng doanh số, quản lý của họ lại rất chặt. Chúng ta đừng nghĩ đến cơ quan là quản lý được họ về công việc. Những ngành nghề có thể thí điểm không cần đến cơ quan, như công chức viên chức làm ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, quản trị phần mềm, xây dựng chương trình dự án, chính sách.

Không đến cơ quan làm việc sẽ đỡ được nhiều chi phí, như điện, nước, giấy tờ tài liệu, làm cho đội ngũ lãnh đạo vận hành theo cơ chế thông minh. Đặc biệt giảm được họp hành, trong khi họp hành làm mất rất nhiều thời gian. Khi có không gian làm việc mới mẻ, nhiều ý tưởng hơn thì chắc chắn là kết quả công việc sẽ tốt hơn.

Trên thế giới, một số nước như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Singapore... đã áp dụng hình thức này, cho phép công chức một số lĩnh vực làm việc từ xa. Nhưng thực tế ở Việt Nam có nhiều điểm khác biệt, nếu không cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng sẽ dễ làm cho công chức trốn tránh công việc, trách nhiệm, tha hóa đạo đức, tham nhũng...


TS Đinh Duy Hòa.

Khó khả thi
Còn TS Đinh Duy Hòa- nguyên vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) thì cho rằng, để công chức làm việc tại nhà là điều khó khả thi. Theo ông Hòa, tại Việt Nam mà cho công chức ngồi ở nhà làm việc để nâng cao hiệu quả thì khó khả thi ở hiện tại. Thứ nhất là tính tự giác thực thi công vụ, nhiệm vụ một cách nghiêm túc của nhiều công chức còn kém. Để có thể làm được việc ở nhà thì cán bộ phải thực sự kỷ luật, khép mình vào công việc.

Bên cạnh đó, cách tổ chức hệ thống hành chính của Việt Nam vẫn chưa có sự độc lập hoàn toàn của một công chức để tự mình xử lý và chịu trách nhiệm đối với công việc để có thể làm việc tại nhà. Sự ràng buộc với đồng nghiệp, đặc biệt là với các chỉ đạo của cấp trên vẫn còn rất lớn. Vì vậy, tôi không cho rằng biện pháp này giúp ích gì lớn vào việc cải thiện hiệu quả của bộ máy hành chính hiện nay. Nếu sau này có triển khai cũng chỉ nên thí điểm ở một số nghề hoạt động độc lập, nghiên cứu khoa học, giáo dục... chứ không thể áp dụng đại trà.


Ông Thang Văn Phúc.

Vẫn còn rất xa
Với nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc thì nếu vẫn là nền công vụ kiểu cũ không thể áp dụng ngay cái mới. Trong khi thế giới trình độ công nghệ thông tin đã tiến tới 4.0, xu hướng cải cách hành chính của thế giới là không có văn phòng lớn với đông người, họ làm việc qua mạng thì Việt Nam mới ở mức 2.0. Hiện nay, mô hình chúng ta đang làm là nền công vụ kiểu cũ, nền công vụ dựa dẫm, người nọ đẩy việc cho người kia. Có những vấn đề đơn giản nhưng phải có chữ ký tổ trưởng, vụ trưởng, thứ trưởng mới giải quyết xong. Thay vì người lãnh đạo ngồi nghĩ ra chiến lược, kế hoạch thì lại sa vào giải quyết những công việc cụ thể, vụn vặt”. Thế nên để công chức làm ở nhà khó khả thi trong giai đoạn hiện tại.

Trong một số trường hợp, không thể phủ nhận về năng suất khi làm việc ở nhà, do có thể thoải mái hơn về tinh thần, hạn chế tác động từ môi trường. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả cao như mong muốn, bởi tuy không chịu áp lực trực tiếp từ cấp trên, đồng nghiệp… nhưng sẽ bị tác động từ phía gia đình và các quan hệ xã hội khác, ảnh hưởng đáng kể đến năng suất làm việc.

Ý tưởng cho công chức làm việc tại nhà đáng được nghiên cứu xem xét, song đó là câu chuyện của tương lai, khi hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phát triển đồng bộ, con người được đào tạo đạt chuẩn, nền hành chính hiện đại hóa, chính phủ điện tử được hình thành và thành phố thông minh được triển khai. Việc thí điểm công chức làm việc tại nhà cần có sự đồng bộ từ hệ thống công nghệ thông tin, phương tiện cho đến con người. Với Việt Nam, từ đề xuất đến khả thi vẫn còn xa lắm, nếu có thí điểm cũng phải đến 10 năm nữa hãy tính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công chức làm việc tại nhà: Vẫn còn xa lắm...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO