'Cửa' nào cho bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Khanh Lê 16/09/2016 09:55

Một trong những mục tiêu mà Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, hướng tới là mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Song dù cơ chế đã mở, nhưng BHXHTN vẫn rất khó tìm chỗ đứng cho mình. Làm thế nào để thu hút người dân tham gia BHXHTN-đang là vấn đề không chỉ của riêng một Bộ, ngành.

'Cửa' nào cho bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Mục tiêu đạt 50% số lao động tham gia BHXH vào năm 2020 là thách thức rất lớn.

Khó khăn chồng chất

Có thể nói chính sách BHXHTN ra đời và áp dụng thưc hiện từ ngày 1/1/2007 là chính sách ưu việc và đầy tính nhân văn cho lao động tự do làm việc ở khu vực phi chính thức được tham gia và hưởng chế độ lương hưu khi hết tuổi lao động.

Đặc biệt nhằm nâng cao hơn nữa tính nhân văn của chính sách này cũng như tháo gỡ, tiếp sức và chung tay với người lao động, Luật BHXH số 58/QH13 do Quốc Hội XIII thông qua ngày 20/11/2014 đã thể chế và hoàn thiện các quy định về chính sách BHXH theo hướng mở rộng và nâng cao quyền tham gia và thụ hưởng chế độ chính sách cho đông đảo nhân dân lao động vì mục tiêu an sinh cho mọi người lao động khi về già.

Theo đó, Chính sách BHXH tự nguyện đã mở rộng về đối tượng tham gia, phương thức đóng, mức đóng và chế độ hưởng. Tuy nhiên theo BHXH Việt Nam, cả nước mới có 12,3 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, gần 191.000 người tham gia BHXH tự nguyện.

Về mục tiêu đạt 50% người lao động tham gia BHXH vào năm 2020 đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, số lao động thuộc khu vực chính thức (có quan hệ lao động, tiền lương) mới chiếm 41%, còn 59% lao động vẫn nằm trong khu vực phi chính thức.

Trong khi đó, mỗi năm chỉ có khoảng 2% lao động gia nhập thị trường lao động chính thức. Với tốc độ phát triển như vậy, đến năm 2020, số lao động trong khu vực chính thức (khối có tiền lương) vẫn chưa đạt đủ tỷ lệ 50%.

Trong khi đó, số lao động hưởng chế độ BHXH một lần, tức rút khỏi hệ thống BHXH cũng rất lớn. “Ghi nhận 6 tháng đầu năm có gần 40.000 người hưởng chế độ một lần.

Bài 2: Làng tỷ phú thờ ơ với lương hưu

Điều này cho thấy số người tham gia mới không bù đắp số người rút ra. Bên cạnh đó, theo báo cáo một số tỉnh thành phố có tỷ lệ bao phủ BHXH đạt dưới 10%, vì vậy đến mục tiêu đạt 50% số lao động tham gia BHXH vào năm 2020 là thách thức rất lớn” - đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội cho biết.

Cần nhiều quyết tâm

Đánh giá con số 194.000 người tham gia BHXH tự nguyện là rất thấp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, Chính phủ nên có các chính sách riêng biệt cho từng nhóm đối tượng để phát triển BHXH tự nguyện.

Trên thực tế, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXHTN (có hiệu lực từ 15/2/2016) đã quy định nhiều hình thức khuyến khích lao động tự do tham gia BHXH như đưa mức đóng thấp nhất dựa trên mức chuẩn nghèo nông thôn.

Chính phủ cũng quy định mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXHTN dựa trên mức đóng này (người tham gia BHXH TN thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30% số tiền phải đóng, người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% và các đối tượng khác được hỗ trợ 10%). Tuy nhiên, mức hỗ trợ này đến năm 2018 mới có hiệu lực.

Do đó, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cần có chính sách tạo nguồn tài chính cho nhóm đối tượng đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH đóng tiếp BHXHTN để đủ điều kiện hưởng lương hưu, mà phần “thế chấp” chính là khoản lương hưu mà họ sẽ nhận được?

Ở góc độ khác đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, qua giám sát chuyên đề về BHXH, nhiều tỉnh nghèo miền núi thậm chỉ có 6% người lao động tham gia BHXH.

Do đó, để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương đưa chỉ tiêu người dân tham gia BHXH vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội song song với chỉ tiêu về BHYT”.

Trên thực tế qua các đợt khảo sát do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ LĐTBXH và Tổng Liên đoàn Lao động mấy năm qua thấy rằng do không giao chỉ tiêu cụ thể nên lãnh đạo một số địa phương “lơ là” trong thực hiện chỉ tiêu này.

Chưa đến 25% lực lượng lao động tham gia BHXH là một kết quả đáng lo ngại. Người lao động sau mấy chục năm đi làm, về già phải có lương hưu để sống nếu không sẽ trở thành gánh nặng xã hội.

Do đó có thể thấy rằng, những ưu việt từ chính sách BHXH đem lại không thể phủ nhận thế nhưng dường như để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống xem ra là cả một chặng đường gian khó. Nhất là khi nếu ngành chức năng cũng như địa phương vẫn chỉ hô hào mà không có những hành động cụ thể.

Chính vì vậy đã đến lúc ngành chức năng cùng địa phương cần phải có sự triển khai đồng bộ có hiệu quả trong việc đưa chính sách này đến tận tay người lao động tự do bằng nhiều hình thức khác nhau như: tuyên truyền, vận động, thuyết phục, khuyến khích và hỗ trợ để đông đảo người lao động tự do trong khu vực phi chính thức nhận thấy chính sách BHXH tự nguyện là chỗ dựa vững chắc khi họ không may gặp phải những rủi ro trong cuộc sống hay hết tuổi lao động. Từ đó có thể làm cho họ chuyển biến nhận thức .

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Cửa' nào cho bảo hiểm xã hội tự nguyện?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO