Đắk Lắk: Cần sớm có kết luận về chất gây cháy hồ tiêu

Nguyễn Tuấn Anh 13/10/2017 08:35

Đã hơn 2 tháng trôi qua, kể từ khi hộ ông Ma Văn Phú và vợ là Trương Thị Xê (thôn 2 Bình Hòa, xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) khiếu nại và đòi bồi thường cho vườn hồ tiêu gần 1.000 trụ của gia đình sau khi bón phân phức hợp hữu cơ vi sinh Fito-Humic của Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic-Quảng Ngãi xảy ra hiện tượng cháy lá. Mặc dù Ban Chỉ đạo 389 Đắk Lắk đã công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu phân bón thế nhưng nguyên nhân gây ra hiện tượng cháy lá vẫn chưa được làm sáng tỏ.


Vườn tiêu của gia đình ông Phú sau khi bón phân Humic 2 tuần.

Cụ thể, sau khi xảy ra sự việc, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành lấy mẫu gửi về Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm về 3 chỉ tiêu phân tích chất lượng và định danh chất gây cháy. Đến nay, Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP Hồ Chí Minh mới có kết quả kiểm nghiệm về 2 chỉ tiêu: Chất hữu cơ là 28,5%, trong khi đó trên bao bì ghi 15% (tức cao hơn so với công bố ghi trên bao bì); đạm 3,47%, trên bao bì ghi 4%, (tức thấp hơn 0,53% so với công bố ghi trên bao bì) và Định danh thành phần có hàm lượng: N-NH3 = 2,96. Riêng việc gây cháy lá hồ tiêu, đến thời điểm này vẫn chưa xác định được nguyên nhân.

Đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đắk Lắk cho biết: Theo quy định của pháp luật, đối với hành vi hàm lượng dinh dưỡng không đúng như đã công bố ghi trên bao bì thì sẽ bị xử phạt hành chính. Để xác định nguyên nhân gây cháy lá hồ tiêu, theo Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP Hồ Chí Minh thì phải làm thực nghiệm tại vườn hồ tiêu, Đoàn liên ngành tỉnh Đắk Lắk đang kiến nghị lên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Lắk cho phép thực nghiệm tại vườn cây và cung cấp kinh phí để thực hiện.

Tuy nhiên đến nay sự việc vẫn chưa được thực hiện và điều này đang làm khó cho phía doanh nghiệp và người dân. Bởi sau khi có thông tin phân phức hợp hữu cơ vi sinh Fito-Humic của Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic-Quảng Ngãi gây cháy lá, chết hồ tiêu, nhiều người dân tỏ ra lo ngại và ngưng sử dụng loại phân bón này khiến cho lượng hàng cung ứng ra thị trường của Công ty này sụt giảm mạnh.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Ma Văn Phú thừa nhận trước khi bón phân hữu cơ Humic-Quảng Ngãi, cách đó hơn 1 tháng, gia đình ông có sử dụng hóa chất dùng nhúng màn chống muỗi sốt rét để phun cho vườn tiêu.

Mới đây, ngày 28/9, chúng tôi có đến gia đình ông Ma Văn Phú và bà Trương Thị Xê với mong muốn vào lại vườn tiêu để kiểm tra lại thực tế sau hơn 2 tháng xảy ra hiện tượng cháy lá khi bón phân hữu cơ Humic-Quảng Ngãi thì ông Phú báo bận và không thể về đưa chúng tôi đi. Trao đổi qua điện thoại, bà Trương Thị Xê (vợ ông Phú) khẳng định từ sau khi bón phân Humic và vườn tiêu xảy ra hiện tượng cháy lá đến nay thì chưa có cây tiêu nào chết và trái ra rất nhiều. Bà Xê lo lắng với hiện tượng trái nhiều nhưng lá tiêu ít sau khi bị rụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của vườn tiêu vụ mùa năm sau.

Trong biên bản họp ngày 28/8 tại Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk sau khi công bố kết quả kiểm nghiệm, ông Hoàng Thái Dương-Chánh thanh tra Sở NN-PTNT Đắk Lắk có ý kiến, qua kết quả phân tích thì chỉ tiêu chất hữu cơ là đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên đối với hàm lượng N thì bị hụt so với công bố trên bao bì. Do đó, Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic-Quảng Ngãi có quyền gửi mẫu đi kiểm nghiệm lại. Đối với hộ ông Phú, cần xem lại hàm lượng phân bón, cách thức bón, thời điểm bón để đánh giá chính xác hơn các yếu tố ảnh hưởng, gây hiện tượng bất thường. Ông Dương yêu cầu về công tác bồi thường thiệt hại thì bồi thường thiệt hại cho hộ gia đình theo giá trị hàm lượng bị hụt so với chỉ tiêu công bố, còn để đánh giá là phân bón không đạt toàn bộ thì cần tham khảo các chuyên gia và các nhà khoa học.

Tại buổi công bố kết quả kiểm nghiệm, nhiều hộ sử dụng phân phức hợp hữu cơ vi sinh Fito-Humic của Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic-Quảng Ngãi nhiều năm qua khẳng định khi sử dụng loại phân bón này cho vườn hồ tiêu của gia đình họ không xảy ra hiện tượng cháy lá như gia đình ông Phú. Ông Nguyễn Văn Thu ở xã Bình Thuận cho biết, gia đình ông và nhiều hộ trong chi hội đã sử dụng phân bón này 5 năm nay và không xảy ra vấn đề gì, bản thân ông cũng mua 2 tấn phân trong lô bán cho gia đình ông Phú và đã tiến hành bón cho vườn tiêu nhà mình và không thấy có hiện tượng bất thường cháy lá trên cây tiêu như nhà ông Phú.

Qua kết quả làm việc bước đầu, Công ty Humic Quảng Ngãi thống nhất với kết quả trên và đề nghị kiểm nghiệm lại mẫu phân bón lần 2 (theo quy định cho phép) và muốn hỗ trợ 70 triệu đồng bồi thường thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, phía hộ ông Phú đề nghị mức bồi thường thiệt hại là 600 triệu đồng, hoặc đồng ý với mức 70 triệu đồng kèm theo điều kiện Công ty Humic Quảng Ngãi phải chăm sóc vườn cây trong vòng 3 năm, nếu cây hồ tiêu nào chết thì Công ty phải chịu trách nhiệm. Trong quá trình thương thảo hai bên không thống nhất được với nhau, vì vậy ông Phú đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ nguyên nhân. Hiện Công ty đang yêu cầu kiểm nghiệm lần 2 theo quy định.

Trước sự việc này, UBND tỉnh vừa có ý kiến đồng ý chủ trương mời Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm tại TP. Hồ Chí Minh thực nghiệm tại vườn cây để tìm ra nguyên nhân gây cháy lá cây hồ tiêu của ông Ma Văn Phú sau khi bón phân của Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic Quảng Ngãi. Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở NN-PTNT, các ngành liên quan thụ lý vụ việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk: Cần sớm có kết luận về chất gây cháy hồ tiêu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO