Đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh: Giảm thời gian và chi phí cho người bệnh

Lê Anh Đức 14/06/2016 09:04

Lâu nay khi nhắc đến dịch vụ y tế và thái độ khám chữa bệnh của các y, bác sĩ, đa số người dân đều lắc đầu ngán ngẩm. Song, mới đây Bộ Y tế đã chủ động trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến khám, chữa bệnh. Theo đó nhiều thủ tục rườm rà, phiền nhiễu sẽ bị bãi bỏ.

Giảm thủ tục phiền hà

Tại phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục, quy định liên quan đến khám, chữa bệnh cho người dân thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế (ban hành kèm theo Quyết định số 824/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đã đưa ra được nhiều giải pháp hữu hiệu để giảm tối đa các thủ tục phiền hà cho bệnh nhân.

Cụ thể, bãi bỏ quy định cung cấp “các giấy tờ xác nhận tình trạng bệnh lý” trong hồ sơ thanh toán với tổ chức BHXH trong trường hợp người có thẻ BHYT khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT.

Đây là quy định phục vụ cho việc thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh có BHYT mà việc thanh toán được thực hiện thông qua giám định của cơ quan BHYT.

Song, để thực hiện thủ tục này, bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn do đây không phải là cơ sở đã ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT và tốn nhiều thời gian chờ đợi để được xác nhận. “Mỗi lần thanh toán được nhiều thì còn bõ công chạy vạy các giấy tờ cần thiết, chứ nếu được ít thì thà bỏ cho xong...” - chị Nguyễn Thị Huyền (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự.

Cũng theo quy định mới thì việc quy định giấy chuyển tuyến chỉ có giá trị sử dụng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký sẽ bị bãi bỏ. Bởi theo khảo sát của Bộ Y tế, trên thực tế nhiều trường hợp đã có giấy chuyển tuyến nhưng vì nhiều lý khác nhau như phải sắp xếp thời gian công tác hoặc phải tìm nguồn tiền để chi trả nên sau 10 ngày làm việc mới có thể đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ghi trên giấy chuyển tuyến làm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh.

“Việc quy định thời hạn của giấy chuyển tuyến dẫn đến việc chúng tôi phải quay trở lại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã chuyển đi để xin cấp lại giấy chuyển tuyến với hàng loạt thủ tục rườm rà phiền toái, vừa tốn thêm tiền, vừa mất rất nhiều thời gian...” - anh Hoàng Hưng (ở quận Hoàng Mai) tâm sự.

Giảm chi phí cho người bệnh

Nếu như trước đây, khi khám chữa bệnh tại cơ sở không đăng ký BHYT, dù đã trình đủ thẻ BHYT và các giấy tờ tùy thân phù hợp thì người bệnh vẫn phải thanh toán tiền trực tiếp rồi sau đó mới làm thủ tục đề nghị thanh toán tại cơ quan BHXH cấp quận, huyện.

Song, Chính phủ đã cho phép bổ sung các quy định cho phép người bệnh được hưởng chế độ BHYT kể từ thời điểm xuất trình đủ thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân phù hợp, đồng thời cho phép người đó được thanh toán trực tiếp ngay tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang điều trị.

Quy định này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đỡ mất công đi lại nhiều lần, đến nhiều cơ quan khác nhau, mà còn giảm thiểu chi phí phát sinh ngoài mong muốn.

Cụ thể, theo quy định hiện hành thì quyền lợi của người có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, do bác sỹ không biết đây là đối tượng BHYT nên có thể chỉ định các dịch vụ, thuốc chữa bệnh ngoài phạm vi thanh toán của bảo hiểm. Vì thế, người bệnh không chỉ bị phát sinh thêm chi phí do phải mang hồ sơ đề nghị thanh toán về cơ quan BHXH cấp huyện, đồng thời còn phát sinh chi phí để chi trả cho các dịch vụ, thuốc không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.

Không cần phải mang thẻ BHYT

Điểm nổi bật nhất trong phương án đơn giản TTHC trong khám chữa bệnh của Bộ Y tế, chính là việc hiện đại hóa khâu giải quyết TTHC bằng cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo đó, khi cơ sở dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh chỉ cần cung cấp mã số định danh cá nhân thay vì xuất trình thẻ BHYT cho cơ sở y tế.

“Trong số định danh cá nhân đã có các thông tin về người bệnh. Mặt khác để giảm thời gian chờ đợi của người đi khám bệnh và giúp cho người có thẻ BHYT khi đi khám bệnh không cần mang theo thẻ bảo hiểm cũng như giấy tờ tùy thân khác...” - Bộ Y tế lý giải.

Còn nữa, quy định phải xuất trình thẻ BHYT khi chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh cũng sẽ bị bãi bỏ vì không cần thiết, gây phiền hà cho người bệnh bởi trong giấy chuyển tuyến đã có số thẻ BHYT của người được chuyển tuyến. “Với quy định mới này, tôi hoàn toàn yên tâm mỗi khi chuyển tuyến,...” - ông Đinh Xuân Thu (ở quận Long Biên) chia sẻ.

Tin rằng, với những nỗ lực này, trong thời gian tới, số lượng người tin tưởng tham gia BHYT ngày càng đông đảo hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh: Giảm thời gian và chi phí cho người bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO