Đóng cửa bãi rác Khánh Sơn, Đà Nẵng: Rác sẽ đổ về đâu?

Dương Thanh Tùng 06/11/2015 09:56

Đây là câu hỏi đầy trăn trở, được ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu nêu ra ngay dưới chân núi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) - đang là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. 

Đóng cửa bãi rác Khánh Sơn, Đà Nẵng: Rác sẽ đổ về đâu?

Bãi rác Khánh Sơn sau gần 25 năm tồn tại đã thành núi rác.

Bãi rác mới Khánh Sơn có từ đầu những năm 2000. Sau gần 25 năm tồn tại, bãi rác đã thành núi rác khổng lồ, nằm cạnh núi Phước Tường cùng với ô nhiễm nghiêm trọng tại các khu vực dân cư quận Liên Chiểu và một phần quận Cẩm Lệ. Gánh chịu ô nhiễm nặng nề nhất là dân cư của phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.

Tại buổi đối thoại với đại diện lãnh đạo UBND thành phố vào ngày 31/10, người dân rơi nước mắt nói rằng họ chỉ cần xin một hơi thở mà sao quá khó khăn! 24 năm từ khi có bãi rác, dân cư Hòa Khánh Nam (đặc biệt là dân cư gần bãi rác) ăn không ngon, ngủ không yên vì ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước. Kèm theo đó, những căn bệnh về đường tiêu hóa, đường hô hấp trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên đối với các hộ dân nghèo.

Lãnh đạo UBND phường Hòa Khánh Nam và UBND quận Liên Chiểu biết và thấu hiểu nỗi khổ của dân nhưng chưa thể tìm ra giải pháp giúp cải thiện tình hình, trong khi đó thì ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí ngày càng lan rộng, trầm trọng thêm, buộc dân cư phải chọn giải pháp kéo ra đường chặn các xe rác, không cho chở rác vào các bãi rác này vào các ngày 20 và 21/10.

Sự việc căng thẳng buộc lãnh đạo TP phải vào cuộc bằng chuyến thị sát của Bí thư Thành ủy vào ngày 23/10 và cuộc đối thoại của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng với cộng đồng dân cư gánh chịu ô nhiễm vào ngày 31/10.

Tuy nhiên, cuộc đối thoại vào sáng 31/10 giữa đại diện lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng là ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Phó Chủ tịch UBND TP), lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu cùng Sở - ngành liên quan với hàng trăm người dân các tổ dân phố từ 129 đến 161 của phường Hòa Khánh Nam đang phải “gồng mình nín thở mở khẩu trang cho cơm vào mồm trong các bữa ăn”; vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng nào.

Ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng chỉ đề cập đến nội dung mang tính chỉ đạo rằng, đã lập đoàn kiểm tra xác định nguyên nhân ô nhiễm là do các công ty môi trường xử lý chưa tốt, chưa triệt để, gây hôi thối!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bãi rác Khánh Sơn hiện đang có 4 doanh nghiệp đảm nhận thu gom, xử lý rác bằng chôn lấp và lò đốt. Ngoài rác, chất thải từ bể phốt sinh hoạt của TP cũng được đưa về đây. Ngày 23/10, khi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đến kiểm tra, chúng tôi gặp các bể chứa chất thải hầm cầu không nắp đậy, chỉ cần cơn mưa lớn là sẽ tràn ra ngoài, theo nguồn nước ảnh hưởng đến khu vực dân cư.

Tại cuộc đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn một mặt yêu cầu Sở Tài nguyên & Môi trường phố hợp với dân thành lập tổ giám sát để giám sát các doanh nghiệp môi trường đang hoạt động tại đây.

Theo ông Tuấn, sau khi xảy ra vụ việc người dân bức xúc kéo ra chặn xe rác vào ngày 21/10, UBND.TP đã liên tục có 3 văn bản, yêu cầu các công ty môi trường, xử lý rác thải tại bãi rác làm đúng quy trình xử lý ô nhiễm. Nếu không khắc phục dứt điểm, bãi rác này có thể sẽ phải đóng cửa trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2020. Ông Tuấn cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên& Môi trường Đà Nẵng nghiên cứu, tìm địa điểm quy hoạch bãi rác mới.

Đóng cửa bãi rác Khánh Sơn thì rác của cả TP sẽ đổ về đâu? Dân cư nơi khác liệu có phải gánh chịu ô nhiễm như dân cư của quận Liên Chiểu hay không? Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu đã nêu câu hỏi đầy trăn trở với chúng tôi như thế ngay dưới chân núi rác Khánh Sơn đang tỏa mùi hôi thối.

Cùng quan điểm với ông Dương Thành Thị, ông Trần Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng cho rằng, với hình thức xử lý rác như hiện nay ở bãi rác Khánh Sơn thì nếu đóng cửa dời đến địa điểm mới, về lâu dài vẫn tiếp tục gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vấn đề cốt lõi là TP cần cân nhắc lựa chọn nơi tập kết rác phù hợp xa dân cư, xa nguồn nước và đặc biệt là phải đầu tư hoặc tìm nhà đầu tư có công nghệ xử lý rác tiên tiến, triệt tiêu được ô nhiễm.

Ngày 5/11, chúng tôi trở lại bãi rác Khánh Sơn chứng kiến người dân Hòa Khánh Nam lo âu mỏi mệt nhìn trời mưa. Mưa tạnh cũng là lúc ô nhiễm không khí và nguồn nước tăng lên với mức độ kinh hoàng trong khi đó thì số phận bãi rác gắn liền với số phận hàng ngàn hộ dân vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng từ những người có trách nhiệm.

Học kinh nghiệm xử lý rác thải từ Thụy Điển

Ngày 5/11, UBND TP Đà Nẵng và TP. Boras (Thụy Điển) đã tổ chức hội thảo quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và Boras hướng tới phát triển đô thị bền vững. Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, từ năm 2013, Đà Nẵng và Boras hai thành phố đã thực hiện dự án hợp tác trong lĩnh vực môi trường với giá trị 2,4 triệu SEK (tương đương 7,55 tỉ đồng).

Dự án bao gồm các hoạt động: Nâng cao năng lực về quản lý rác thải; xây dựng quy hoạch quản lý chất thải rắn; hỗ trợ dự án phân loại rác thải tại nguồn thí điểm ở quận Hải Châu và hợp tác nghiên cứu khả năng xây dựng nhà máy sản xuất biogas. Hiện dự án đã mở rộng ra đến đối tượng là các trường đại học trên địa bàn, mở ra cơ hội trao đổi sinh viên, giáo viên và các chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường.

Ông Ulf Olsson - Thị trưởng TP. Boras cho biết, tại Boras, tỉ lệ chôn lấp rác thải chỉ dưới 1%, 99% rác thải còn lại được tái chế thành nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể sử dụng được.

Bình Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đóng cửa bãi rác Khánh Sơn, Đà Nẵng: Rác sẽ đổ về đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO