Giải quyết tồn đọng hồ sơ người có công: Không để kéo dài

Minh Long 18/02/2017 10:00

Mặc dù, thời gian qua, Bộ LĐTB&XH cùng với các tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng tập trung xem xét, giải quyết tồn đọng hồ sơ người có công (NCC) nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế. Đặc biệt, qua mỗi đợt vận dụng để giải quyết lại xuất hiện tình trạng hồ sơ giả. Không ít trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi để trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Đây là những vấn đề được các đại biểu chỉ ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ và giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 17/2 tại Hải Phòng.

Những con số của sự quyết tâm

Trước khối lượng lớn hồ sơ NCC tồn đọng, việc tiến hành thí điểm xem xét, xác nhận NCC với cách mạng (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) đã được triển khai theo một quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ, phát huy đúng mức trách nhiệm của các cấp, các ngành. 05 tỉnh, thành phố được chọn làm điểm là: Lai Châu, Bắc Cạn, Thái Bình, Đà Nẵng và Long An.

Đến cuối tháng 11/2016, việc thí điểm kết thúc, kết quả tại các tỉnh, thành phố triển khai trong đợt thí điểm, Ban chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ công tác Trung ương đã thống nhất đề nghị xác nhận 86 trường hợp người có công với cách mạng; bao gồm, 75 liệt sĩ (trong đó có 57 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp, 18 liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thời kỳ chống Mỹ.

Theo Bộ LĐTB&XH nhiều hồ sơ tồn đọng khá lâu, tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn, nên các địa phương đã phải tích cực khai thác tối đa thông tin từ các nguồn khác nhau.

Những trường hợp hồ sơ còn có những điểm mâu thuẫn hoặc chưa rõ, hoặc thiếu cơ sở vững chắc… đều được các địa phương tổ chức xác minh làm rõ và có kết luận cụ thể. Do vậy, đến cuối tháng 11/2016, nhìn chung các tỉnh, thành phố được chọn làm thí điểm việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, việc nắm bắt tình hình, theo dõi hồ sơ không chặt chẽ nên có nơi báo cáo số liệu hồ sơ tồn đọng không chính xác; hồ sơ hiện chưa giải quyết lẽ ra phải được xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định hiện hành nhưng lại xếp vào hồ sơ tồn đọng. Việc xác lập hồ sơ ở các địa phương vẫn còn có trường hợp chưa chặt chẽ, cơ sở chưa vững chắc, thiếu chuẩn xác, chất lượng hồ sơ chưa bảo đảm.

Quyết tâm thôi chưa đủ

86 trường hợp vẫn là con số khá khiêm tốn so với con số 3.000 hồ sơ còn tồn đọng trong cả nước, song có thể thấy quyết tâm rất mạnh mẽ. Quyết tâm này một lần nữa được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Trong năm 2017, Bộ LĐTB&XH sẽ vào cuộc quyết liệt giải quyết cơ bản hơn 3.000 hồ sơ người có công còn tồn đọng; đặc biệt xử lý nghiêm minh và thích đáng mọi trường hợp làm giả hồ sơ người có công.

Là một trong những địa phương được triển khai thí điểm, ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình cho biết, quá trình rà soát phải minh bạch, công khai, thậm chí phải nghiên cứu cả lịch sử Đảng bộ địa phương để có thêm tài liệu chứng cứ giải quyết chính sách NCC. Đặc biệt còn tiến hành xác minh lý lịch, quá trình công tác của người làm chứng để bản thân họ nếu cảm thấy không chắc chắn thì xin rút, đảm bảo thông tin xây dựng hồ sơ chính xác.

Còn ông Huỳnh Văn Tí, Tổ trưởng Tổ công tác xác nhận hồ sơ NCC tồn đọng của Trung ương cho rằng, lòng dân là hồ sơ gốc. Quá trình xét duyệt phải nghiên cứu từng hồ sơ, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, thậm chí lắng nghe ý kiến từng người dân đối với các hồ sơ.

Năm 2017 là năm kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ và có lẽ sẽ không có gì ý nghĩa hơn để kỷ niệm dấu mốc này bằng việc đền đáp những NCC. Hy vọng với nỗ lực và quyết tâm trên những hồ sơ NCC còn tồn đọng, sẽ sớm được giải quyết để gia đình NCC niềm động viên lớn sau bao năm mong mỏi, đợi chờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải quyết tồn đọng hồ sơ người có công: Không để kéo dài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO