Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu qua biên giới- Bài 1: Lãi cao là có buôn lậu

Nhóm phóng viên 19/05/2017 07:25

Để tránh cơ quan chức năng, gần đây các đối tượng buôn lậu thuốc lá, đường, mỹ phẩm, hàng điện tử… tại khu vực biên giới Tây Nam chuyển sang vận chuyển nhỏ lẻ, chia ra nhiều múi giờ khác nhau. Các đối tượng buôn lậu nguỵ trang, cất giấu tinh vi, hoạt động cả đường bộ lẫn đường thủy. Xem chừng việc dẹp nạn buôn lậu qua biên giới như “bắt cóc bỏ đĩa”!

Hàng lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Vào điểm nóng

Chúng tôi đến thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) nơi có đường biên giới với Campuchia. Trên QL30, hướng từ Thanh Bình đi Hồng Ngự là tuyến chính để các “nài” (người chở hàng lậu) chạy thành từng tốp 5-7 chiếc Honda với tốc độ cao. Các tuyến tỉnh lộ 841, tuyến sông Sở Thượng và các tuyến đường liên xã Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B cũng là những cung đường chở hàng lậu.

Phương tiện vận chuyển hàng lậu đường bộ chủ yếu là xe máy. Tuyến đường sông chủ yếu là các vỏ lãi gắn máy để dễ bề cơ động khi gặp lực lượng chức năng. Các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng lậu công khai đa số là dân địa phương, không có ruộng vườn, không nghề nghiệp ổn định.

Do đặc điểm biên giới hai nước có khi cách nhau con sông, có khi là con rạch cạn, có cầu bắc qua nên buôn lậu hàng hóa dễ dàng. Bên này là xã Thường Thới Hậu B vẫn bình yên còn kia biên giới, là xã Cách Cô, huyện Piên Chô, tỉnh Pray Veng, Campuchia, việc tập kết hàng hóa diễn ra hết sức nhộn nhịp.

Các ghe hàng đầy ắp đường Thái Lan, thuốc lá lậu, bột ngọt, hàng điện tử, nhu yếu phẩm,…mua bán cặp bờ dòng sông Sở Thượng. Những kho hàng này do các chủ người Việt có hộ khẩu tại Hồng Ngự hoặc là người Campuchia như: bà Phượng, ông Sỹ, bà Thu người Việt lấy chồng Campuchia, kho của ông Vương- người Campuchia.

Nhiều năm nay, Thường Thới Hậu B được xem là điểm nóng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm của huyện Hồng Ngự. Hàng lậu từ đây được vận chuyển bằng xe máy về tập kết tại các kho hàng ở thị xã Hồng Ngự chỉ chừng khoảng 10km hoặc đi Cao Lãnh, các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long.

Mỗi ngày, hàng chục người vận chuyển hàng lậu bằng các xuồng nhỏ dập dìu qua sông cả ngày lẫn đêm. Bất cứ mặt hàng gì mà thị trường có nhu cầu và bán lãi cao là có buôn lậu. Các chủ hàng lậu chỉ cần mang tiền sang mua và vận chuyển qua sông, sau đó các “nài” đưa vào nội địa giao theo địa chỉ định sẵn.

Dù có sự chốt chặn của lực lượng chức năng huyện Hồng Ngự nhưng chủ hàng và “nài” hàng lậu luôn tìm cách vượt trạm, đưa hàng về thị xã Hồng Ngự hoặc đi Cao Lãnh và các tỉnh, thành nằm sâu trong nội địa.

Khi nào chủ hàng bên Việt Nam cần, hàng lậu được các nài chạy xe máy chờ sẵn nhận hàng, chạy với tốc độ cao về tập kết tại các điểm thuộc thị xã Hồng Ngự hoặc đi Tam Nông, Thanh Bình hoặc Cao Lãnh…sau đó giao tiếp cho khách hàng ở các tỉnh.

Chở hàng lậu, chạy bất kể sống chết

Ở các tỉnh biên giới Tây Nam như An Giang, Đồng Tháp, Long An,... hoạt động buôn lậu nhiều nhất là thuốc lá và đường. Tại các đường mòn thuộc các điểm nóng về buôn lậu thuốc lá ở Đồng Tháp, chúng tôi chứng kiến thuốc lá lậu được vận chuyển bằng xe máy thành từng tốp, chạy vùn vụt với tốc độ cao cả ngày lẫn đêm.

Tại các luồng kênh, rạch giáp biên, các phương tiện thủy lúc ẩn lúc hiện tuồn hàng lậu về không ngớt. Theo một cán bộ chống buôn lậu, xã Thường Thới Hậu B được xem là điểm nóng về buôn lậu nên lập chốt để ngăn chặn.

Để né chốt này, các chủ hàng đã thuê người vác hàng là thanh niên địa phương băng qua ruộng để né chốt. Mỗi lần đai vác khoảng 50 cây thuốc lá được trả 20.000 đồng đến 40.000 đồng cho chặng đường dài khoảng vài trăm mét. Mỗi đêm, có người vác khoảng 15 đến 20 người đai. Sau khi né được chốt kiểm tra liên ngành, hàng lậu được các “nài” chở trên tuyến đường khoảng hơn 10km về thị xã Hồng Ngự, Cao Lãnh…

Mỗi chuyến, trên mỗi xe máy vận chuyển từ 2 đến 4 cục thuốc lá và được chủ thuê trả từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng đến 200.000 đồng, tùy theo chặng đường dài hay ngắn. Giữa chủ hàng và “nài” có qui ước nếu gặp lực lượng chức năng thì bằng mọi cách phải thoát được. Trong trường hợp không thể thoát được, bị bắt thì “nài” bỏ hàng, thoát thân.

Cùng với Đồng Tháp, trên địa bàn An Giang, Kiên Giang, Long An có nhiều huyện chung đường biên giới với Campuchia. Thời gian gần đây còn nổi lên tình trạng vận chuyển trái phép tiền, vàng, ngoại tệ từ biên giới qua Việt Nam.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang quý I-2017, các lực lượng chức năng tỉnh kiểm tra, phát hiện vi phạm 528 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, trong đó bắt giữ thuốc lá nhập lậu trên 300.000 gói tăng 35% so cùng kỳ. Tháng 4/2017 lực lượng chức năng tỉnh An Giang bắt giữ trên 77.000 gói thuốc lá lậu, tăng 66% so cùng kỳ.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang: Tình hình buôn lậu, vận chuyển thuốc lá vẫn còn diễn khá phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm dù Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực.

Nguyên nhân là do nhu cầu của người tiêu dùng khá cao và lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn lậu thuốc lá khá lớn, đặc biệt là những vướng mắc trong quá trình khởi tố hình sự khi Luật Đầu tư có hiệu lực.

Ông Lê Văn Nưng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết: Thuốc lá sau khi tuồn qua biên giới được chuyển vào nội địa bằng xe máy rất cơ động. Họ chạy với tốc độ cao (có người chạy trước dẫn đường). Nếu có lực lượng chức năng thì báo để những người chạy phía sau né hoặc chạy vòng đường khác.

Việc giao, nhận hàng thường tại những khu vực vắng người, có nhiều đường để tẩu thoát. Các địa điểm này cũng thường xuyên thay đổi. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các nài cũng như chủ hàng nhanh chóng chạy thoát thân bỏ lại hàng hóa, phương tiện.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu qua biên giới- Bài 1: Lãi cao là có buôn lậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO