Giông bão cuộc đời của một người vợ lính đảo - Kỳ 1: Tận cùng nỗi đau

Lê Hữu Chính     (Còn nữa) 24/05/2017 08:35

Báo Đại Đoàn Kết nhận được đơn kêu cứu của cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế, trú ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)- nguyên Phó Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học số 2 Liên Thủy, huyện Lệ Thủy. Cô Huế cho rằng mình bị hiệu trưởng, chính quyền xã Liên Thủy và huyện Lệ Thủy trù dập, dẫn đến mất chức hiệu phó, buộc phải chuyển trường vào ngày 21/3/2017, vì đã phản đối những việc làm tiêu cực trong nhà trường. Đơn của cô Huế đề cập đến 2 lần bị chuyển trường trước

Cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế.

Không gục ngã

Trong 21 năm công tác, thì 19 năm cô Huế được Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy tặng danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; 3 năm hoàn thành nhiệm vì nghỉ sinh con; 13 năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện; Đoàn viên Công đoàn xuất sắc; Đoàn viên Công đoàn giỏi việc nước, đảm việc nhà…

Gặp phóng viên Báo Đại Đoàn Kết trong ngôi nhà của mình tại xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế (45 tuổi) và chồng là cựu lính đảo Ngô Duy Hóa (53 tuổi) nghẹn ngào không nói nên lời.

Hơn 30 năm làm nhiệm vụ trong lực lượng Hải quân thì gần 20 năm anh Hóa đóng quân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Mọi công việc gia đình, trách nhiệm người chồng, người cha, anh đều giao phó cho vợ. Về hưu năm 2015 với quân hàm Trung tá, những tưởng sẽ bù đắp phần nào thiệt thòi cho vợ con, không ngờ, anh lại phải chứng kiến nỗi oan ức của người vợ hiền. Cuộc đời người lính đảo dạn dày sương gió là vậy, bao nhiêu nguy hiểm giữa biển khơi đều vượt qua được, nhưng anh Hóa đã gục ngã trước hoàn cảnh trớ trêu của gia đình, của vợ mình. Tháng 10/2016, anh nhập viện Trung ương Huế. Anh bị ung thư tuyến giáp, cần phẫu thuật mới giữ lại mạng sống.

Quê anh Hóa ở xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Trong một lần nghỉ phép, anh vào thăm chị gái lấy chồng ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, quen và cưới cô giáo Huế vào năm 1996. Cưới vợ được mấy ngày, anh Hóa lên đường ra đảo làm nhiệm vụ. Hè năm 1997, cô Huế ra đảo thăm chồng 3 tháng và mang bầu đứa con đầu lòng. Chuyến trở về đất liền của cô giáo Huế gặp sóng to, gió lớn, cô bị sẩy thai và băng huyết, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. May mắn, các bác sỹ quân y ở đất liền (Cam Ranh, Khánh Hòa) đã kịp thời cấp cứu, giữ lại mạng sống cho cô.

Năm 1999, trong một lần anh Hóa về thăm nhà, cô giáo Huế mang bầu và sinh con trai, đặt tên Ngô Duy Nam Khánh. Một mình vò võ nuôi con, nhưng cô đã chịu khó vươn lên, nâng cao trình độ và thi đậu vào trường cao đẳng. Năm 2003, cô lại có bầu, trong hoàn cảnh học tiếp lên đại học, cô đành dứt ruột, nuốt nước mắt, nhờ chị gái chồng dẫn đi “kế hoạch”.

Lần mang bầu sau, năm 2005, mặc dù vào thời điểm nước rút để tốt nghiệp đại học, nhưng cô giáo Huế vẫn quyết định sinh con. Tuy nhiên, vì đi lại nhiều, học hành quá căng thẳng, cô giáo Huế lại sẩy thai và băng huyết khi thai chưa đầy 7 tháng tuổi. Các bác sỹ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đã nỗ lực hết mình, nhưng tình trạng mẹ con cô giáo Huế rất nguy kịch. Họ hàng hai bên nội ngoại đã buông tay, về quê chuẩn bị hậu sự cho hai mẹ con.

“Lúc đó, mọi người bàn là rút ống thở để đưa về quê kẻo bị chết đường, chết sá. Nhưng các bác sỹ khuyên, còn nước còn tát và họ đã cố gắng cứu sống hai mẹ con tôi. Khi rời bệnh viện, tôi chỉ còn lại da bọc xương, còn con gái tôi chỉ được 1,2 kg. Hai mẹ con may mắn sống sót, tôi quyết định đặt tên cháu là Ngô Thị Thảo May. Mặc dù chết đi sống lại, nhưng sợ ảnh hưởng đến nhiệm vụ của anh Hóa, mà tôi phải cắn răng chịu đựng không báo cho anh ấy biết chuyện. Đến khi con gái lên ba tuổi, anh ấy về thăm nhà, cha con mới nhìn thấy mặt nhau”- cô giáo Huế kể.

3 lần chuyển trường vì làm “mất đoàn kết nội bộ”

Sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm, năm 1996, cô giáo Đỗ Thị Hồng Huế được nhận vào dạy tiểu học ở Trường Tiểu học Hưng Thủy. Chỉ sau 4 năm, với nhiều thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh, cô được cử làm Tổ trưởng chuyên môn. Năm 2009, cô Huế được chuyển sang Trường Tiểu học Dương Thủy và tiếp tục giữ vị trí Tổ trưởng chuyên môn. Tại đây, cô Huế tiếp tục phát huy khả năng của mình và được ghi nhận bằng nhiều giải học sinh giỏi, học sinh năng khiếu cấp huyện, cấp tỉnh. Bản thân cô Huế đạt giáo viên dạy giỏi, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

Sóng gió cuộc đời bắt đầu vào năm 2009, khi cô được làm Phó Hiệu trưởng, Phó Bí thư chi bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Văn Thủy. Cô Huế cho biết: Tại đây, chứng kiến việc nhập nhằng trong thu chi tài chính của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lợi, cô đã không đồng tình và tham mưu cho Hiệu trưởng trả lại tiền thu thừa 108.000 đồng/1 học sinh từ khối 3,4,5 môn Tin học và Anh văn.

Từ đó bà Lợi bực tức, với lợi thế người địa phương và có chồng làm cán bộ xã, bà Lợi lôi kéo đa số giáo viên vu khống cô Huế làm mất đoàn kết nhà trường. Sự việc “mất đoàn kết” được Hiệu trưởng báo lên xã, lên Phòng Giáo dục và UBND huyện Lệ Thủy. Sau đó, UBND huyện cử đoàn về xác minh nhưng không tìm thấy dấu hiệu cô Huế làm mất đoàn kết nội bộ.

Trường Tiểu học Văn Thủy được công nhận Đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Lĩnh vực cô Huế phụ trách gặt hái nhiều thành tích cao như: Học sinh đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh, Công đoàn vững mạnh xuất sắc, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Thay vì bà Lợi là người vi phạm phải chuyển đi, thì cô Huế bất ngờ nhận được quyết định chuyển về Trường Tiểu học Tân Thủy.

4 năm công tác tại Trường Tiểu học Tân Thủy (2010-2014), cô Huế luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được huyện Lệ Thủy và tỉnh Quảng Bình tặng danh hiệu Lao động tiên tiến, Đoàn viên Công đoàn xuất sắc; tặng giấy khen công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đạt cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia; trường được công nhận Chuẩn Quốc gia mức độ 1…
Bước vào năm thứ 3 ở trường này, cô Huế phát hiện Hiệu trưởng Lê Thuận Sự sửa nâng điểm khảo sát định kỳ môn Toán lớp 4A của ông Lê Thuận Hiệp, là chú ruột của ông Sự. Ông Sự đã sửa điểm của lớp này từ tỉ lệ đạt 47% lên 98% nhằm cứu ông Hiệp trong công tác thi đua cuối năm. Với cương vị Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cô Huế không đồng tình và tham mưu cho ông Sự để ông Hiệp dạy lại môn Toán, sau đó lập Hội đồng chuyên môn kiểm tra lại, nhưng ông Sự không nghe theo.

Sau sự việc này và thêm một số việc liên quan đến chuyên môn trong nhà trường bị cô Huế phản đối, ông Sự liên kết với lãnh đạo xã, yêu cầu UBND huyện Lệ Thủy chuyển cô Huế đi trường khác, vì “làm mất đoàn kết nội bộ”. UBND huyện Lệ Thủy cử đoàn về xác minh, một lần nữa không tìm thấy cơ sở cô Huế làm mất đoàn kết nội bộ. Sau đó, ông Sự bị chuyển đi trường khác, còn cô Huế chuyển về Trường Tiểu học Liên Thủy sau đó 1 năm.

Năm 2014, cô Huế được chuyển về Trường Tiểu học số 2 Liên Thủy. Mâu thuẫn với Hiệu trưởng Hoàng Thị Tươi xảy ra ngay trong năm đầu tiên. Theo cô Huế, máy tính xách tay do nhà trường trang cấp cho cô chỉ bị lỗi phần mềm, Hiệu trưởng gọi thợ đến khôi phục mà không thay thế linh kiện nào cả. Tuy nhiên, bà Tươi đã làm một phiếu chi 5,8 triệu đồng, nhưng cô Huế không ký vào đó.

Ngay sau đó, bà Tươi làm tờ trình lên Phòng Giáo dục huyện yêu cầu chuyển cô Huế đi nơi khác vì làm mất đoàn kết nội bộ. Lần nữa huyện về giải quyết, bà Tươi nhận sai và xin giữ cô Huế ở lại. Cô Huế ở lại trường và từ đây bà Tươi âm thầm lôi kéo các giáo viên trong trường và lãnh đạo xã Liên Thủy nhằm làm hại cô. Ngày 31/3/2017, cô Huế bị miễn nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng, chuyển về Trường Tiểu học Dương Thủy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giông bão cuộc đời của một người vợ lính đảo - Kỳ 1: Tận cùng nỗi đau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO