Gỗ lậu tập kết gần Trạm quản lý bảo vệ rừng?

Nghiã Sơn 05/10/2015 01:43

Vụ phá rừng lớn xảy ra tại giáp ranh tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 11 đối tượng. Chi cục kiểm lâm TP Đà Nẵng cũng đã đình chỉ công tác 10 cán bộ ngành lâm nghiệp. Sự việc chưa lắng xuống thì mới đây lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Nam lại phát hiện một lượng gỗ lậu khủng. Điều đáng nói, một trong số các điểm tập kết gỗ lậu nằm cách Trạm quản lý bảo vệ rừng thuộc BQL rừng phòng hộ Sông Tranh không xa.

Gỗ lậu tập kết gần Trạm quản lý bảo vệ rừng?

Số lượng gỗ lậu nằm la liệt ven đường gần Trạm tuần tra bảo vệ rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, chỉ trong vòng 3 ngày cuối tháng 9, lần theo dấu vết của lâm tặc, lực lượng này đã phát hiện bãi tập kết gỗ đã cưa thành phách với hơn 26m3.

Vụ việc bắt đầu khi Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh), phát hiện một ô tô tải vận chuyển gỗ lậu chạy từ hướng Trà Bui ra thôn 2 thuộc xã Trà Đốc, Bắc Trà My. Khi bị phát hiện, các đối tượng nhanh chóng đổ gỗ xuống đường rồi tẩu thoát.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 10m3 gỗ các loại. Tiếp tục mở rộng điều tra, những ngày qua, Đội Kiểm lâm Cơ động số 1 đã phát hiện 2 điểm tập kết gỗ với quy mô hàng chục khối nằm cách đường liên xã Trà Bui – Trà Đốc không xa.

Trong đó có một điểm nằm gần một Trạm quản lý bảo vệ rừng (thôn 2, xã Trà Bui). Qua thống kê, có đến 124 phách gỗ gồm giổi, chò, xoan đào,… với khối lượng hơn 26m3.

Ở một mũi tuần tra khác, kiểm lâm còn tịch thu 40 phách gỗ nằm rải rác khu vực giáp ranh giữa xã Trà Bui và xã Phước Hiệp thuộc Phước Sơn. Theo điều tra ban đầu, nguồn gốc gỗ bị đốn hạ tại rừng phòng hộ Sông Tranh đoạn qua xã Trà Bui và một phần rừng ở xã Phước Hiệp.

“Số gỗ này chưa thể xác định được nguồn gốc. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, các đối tượng hoạt động rất chuyên nghiệp, có tổ chức chặt chẽ!”- một cán bộ Kiểm lâm có mặt tại hiện trường cho biết.

Sau khi đo đếm, đánh dấu số lượng gỗ trên, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã thuê xe tải vận chuyển số gỗ ra khỏi rừng. Một cán bộ kiểm lâm cho biết, qua xác định ban đầu, số gỗ trên được đốn hạ tại các cánh rừng của xã Trà Bui và một phần rừng ở xã Phước Hiệp, hiện cơ quan chức năng vẫn tiếp tục làm rõ vụ việc.

Gỗ lậu tập kết gần Trạm quản lý bảo vệ rừng? - 1

Gỗ muốn về xuôi phải đi qua các Trạm Quản lý bảo vệ rừng.

Điều đáng nói, khu vực phát hiện số gỗ lậu có khối lượng lớn nói trên nằm trong sự quản lý của nhiều đơn vị, như: BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh, Hạt Kiểm lâm Rừng phòng hộ Sông Tranh và Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My. Một người dân địa phương bức xúc khẳng định: “Với số lượng gỗ khủng được phát hiện vừa rồi thì rõ ràng phải có số lượng lớn người khai thác và hơn nữa muốn đưa số lượng gỗ trên từ rừng Trà Bui ra thị trấn Bắc Trà My chỉ có một con đường độc đạo là đường liên xã Trà Bui – Trà Đốc. Nếu không có sự bảo kê thì không thể vận chuyển dễ dàng. Vì muốn đi trên con đường này phải qua nhiều trạm gác bảo vệ rừng”.

Ông Đoàn Tất Chẩn – Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Tranh cho biết: “Ngoài 26 khối gỗ mà phía Chi cục Kiểm lâm phát hiện, từ đầu năm đến nay, BQL rừng chúng tôi cũng đã phát hiện thu giữ 96 mét khối gỗ các loại. Tuy nhiên chưa bắt giữ, xử lý được đối tượng nào. Còn để bảo vệ rừng, các ngành chức năng đã liên tục tuần tra, đẩy đuổi. Song lâm tặc rất manh động, khi các cán bộ kiểm lâm ra khỏi trạm thì lâm tặc đã biết rồi”. Còn ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sau khi được báo cáo sự vụ, Sở đã cử Chi cục Kiểm lâm lên làm rõ vụ việc và sẽ xử lý nghiêm minh”.

Thời gian qua, Đại Đoàn Kết đã liên tục phản ánh các vụ tàn phá rừng ở Quảng Nam, có điều tình trạng phá rừng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong dư luận. Một câu hỏi lớn đặt ra với tình trạng phá rừng như vừa qua: Có hay không việc các đơn vị chức năng bảo kê cho lâm tặc và bao giờ mới tìm ra những đối tượng phá rừng để xử lý nghiêm minh theo pháp luật?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỗ lậu tập kết gần Trạm quản lý bảo vệ rừng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO