Góc khuất chủ trương xã hội hóa thiết bị y tế

Đức Trân 04/06/2017 08:05

Câu chuyện sai phạm trong mua sắm liên quan hay không liên quan đến những cái chết đau thương vẫn phải chờ cơ quan quản lý kết luận. Thế nhưng, nhìn lại thực tế xã hội hóa thiết bị y tế, nhiều người không khỏi giật mình. Phần tối của một chủ trương tốt ngày càng lớn.

Dựa vào chủ trương xã hội hóa, doanh nghiệp hợp tác với bệnh viện về trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, trong đó có không ít máy móc cũ, kém chất lượng.

Thanh tra Sở Y tế tỉnh Hòa Bình từng phát hiện nhiều sai phạm về liên doanh, liên kết đầu tư trang thiết bị y tế tại bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh này. Tại đây, cũng vừa xảy ra sự cố y khoa hy hữu đáng tiếc khi có 7 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận.

Câu chuyện sai phạm trong mua sắm liên quan hay không liên quan đến những cái chết đau thương vẫn phải chờ cơ quan quản lý kết luận. Thế nhưng, nhìn lại thực tế xã hội hóa thiết bị y tế, nhiều người không khỏi giật mình. Phần tối của một chủ trương tốt ngày càng lớn.

Mảnh đất màu mỡ

Trở lại với sự cố y khoa tại BVĐK Hòa Bình, nhìn lại quá trình mua sắm trang thiết bị tại nơi đây cho thấy, từ những năm 2014, BVĐK Hòa Bình đã thuê máy, trang thiết bị y tế của các doanh nghiệp (DN). Để trang trải các khoản phí thuê máy móc, trang thiết bị, BVĐK Hòa Bình mua các hóa chất, vật tư tiêu hao, chất chuẩn đi theo máy do chính các DN cung cấp.

Trong đó, đáng chú ý có 8 máy chạy thận nhân tạo của Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn. Kết luận thanh tra nêu rõ việc thuê máy và trả chi phí cho DN bằng cách mua hóa chất, vật tư tiêu hao, chất chuẩn đi theo máy do chính DN cung cấp là chưa đúng theo hướng dẫn tại Thông tư 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế.

Thời gian qua, nhiều điểm bất cập trong việc mua sắm thiết bị y tế ngày càng lộ nhiều hơn. Một sự vụ liên quan đến thiết bị y tế từng tốn nhiều bút mực, đó là việc BVĐK Hoài Đức (Hà Nội) được một DN “cho mượn” 3 máy xét nghiệm miễn phí rồi mua hóa chất xét nghiệm của DN này với giá cao.

Do nhiều bệnh viện thiếu vốn đầu tư nên việc xã hội hóa, liên kết với các DN để mua máy móc cung cấp dịch vụ cho người bệnh sẽ giúp người bệnh được hưởng dịch vụ đầy đủ. Mục tiêu tốt là vậy song kết quả thực hiện lại gần như trái ngược.

Đánh giá hoạt động của ngành, chính Bộ Y tế cũng thừa nhận rằng sau vài năm thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, bên cạnh mặt tích cực thì những hạn chế đang rõ nét. Các DN tham gia vào lĩnh vực y tế lại đua nhau đầu tư máy móc xã hội hóa vào các chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm nhằm nhanh chóng thu lợi nhuận.

Mới đây nhất, vào tuần cuối tháng 5, Kiểm toán Nhà nước đã có đề cập đến vấn đề đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT) năm 2015. Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Y tế cũng như hầu hết các địa phương được kiểm toán chưa xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn về đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế để làm căn cứ xác định nhu cầu mua sắm trang thiết bị hàng năm.

Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập khi chưa phân nhóm phù hợp với loại dịch vụ y tế. Việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất. Phải nói rằng việc mua sắm đầu tư trang thiết bị y tế là một trong những vấn đề chưa bao giờ hết nóng.

Bệnh nhân ốm thêm vì... tiền

BV Bạch Mai cũng từng bị cho là có đến 9 máy siêu âm, xét nghiệm được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa của DN. Vì xã hội hóa nên gần như toàn bộ 20 dịch vụ chụp, chiếu, soi, siêu âm… tại BV này, giá tiền đều cao hơn giá bảo hiểm y tế thanh toán. Do xã hội hóa nên khoản tiền chênh lệch đó người bệnh đương nhiên phải đóng góp để thực hiện dịch vụ, khiến chi phí điều trị bệnh càng thêm nặng gánh…

Kết quả kiểm tra từ cơ quan quản lý cũng chỉ ra nhiều trường hợp các bệnh viện gia tăng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật đối với các máy móc được đầu tư theo mô hình liên kết, xã hội hóa. BVĐK Hòa Bình, đối với thiết bị được xã hội hóa, bệnh viện này đã chỉ định cho cả những trường hợp chụp cắt lớp vi tính ổ bụng - tiểu khung thường quy, chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ, cắt lớp vi tính nội soi ảo cây phế quản… không phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hay như Bệnh viện Nội tiết Nghệ An triển khai xét nghiệm C-Peptid trong máu trên hệ thống máy sinh hóa miễn dịch tự động liên doanh liên kết (tháng 7/2015) cho tất cả bệnh nhân tiểu đường đến khám và điều trị, đạt số lần chỉ định là 5.465 lượt, số tiền 1,7 tỷ đồng…

Xã hội hóa y tế xuất phát từ chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt Chính phủ ban hành nghị định 43 (năm 2006) về quyền tự chủ của đơn vị thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy và tài chính và đơn vị được phép xã hội hoá các hoạt động y tế, trong đó có mảng về trang thiết bị y tế.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện 59 tỉnh, thành đã thực hiện lắp đặt 3.422 máy xã hội hóa. Các cơ sở khám chữa bệnh lắp đặt máy móc, thiết bị xã hội hóa dưới nhiều hình thức như theo Thông tư 15 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập.

Bên cạnh đó là hình thức máy do công ty trúng thầu hóa chất, vật tư y tế cho mượn hay theo hình thức máy cho, tặng hoặc do cán bộ nhân viên góp vốn đầu tư…

Phát biểu với báo chí, TS BS Võ Xuân Sơn cho biết, nhiều năm trước đây, trước thực tế hàng loạt nhu cầu đầu tư mới hoặc đầu tư thêm trang thiết bị cho các bệnh viện công không được đáp ứng do không có nguồn vốn, chủ trương xã hội hóa y tế ra đời. Ban đầu, các gói kích cầu được Nhà nước đưa ra nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần những nhu cầu đó.

Do vậy, các hình thức xã hội hóa y tế khác, như liên kết với các cá nhân hoặc các DN ngoài quốc doanh, đã được áp dụng để giải quyết vốn cho trang thiết bị y tế, và gần đây là cho cả xây dựng cơ bản trong y tế. Trong tình hình kinh tế - xã hội và đặc điểm hoạt động ngành y ở thời điểm đó, xã hội hóa y tế đã giúp triển khai nhiều kỹ thuật mới.

BS Võ Xuân Sơn cũng cho rằng, xã hội hóa y tế công dẫn đến nhiều mặt trái, như việc áp dụng nhiều chuẩn mực chuyên môn cho người bệnh trong cùng một môi trường, và thật đáng tiếc, tiêu chuẩn để áp dụng các chuẩn mực lại là tiền.

Nhiều khi 2 người bệnh nằm kề nhau, cùng bị một loại bệnh như nhau, mà chỉ vì khả năng chi trả, mỗi người được chữa trị theo một cách khác nhau, với sự khác biệt rất lớn về nguy cơ tai biến hoặc hiệu quả. Xã hội hóa y tế công bắt buộc phải thu hồi vốn và có lời, do vậy, nó chỉ có thể mang lại lợi ích cho những người bệnh có khả năng chi trả.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện 59 tỉnh, thành đã thực hiện lắp đặt 3.422 máy xã hội hóa. Các cơ sở khám chữa bệnh lắp đặt máy móc, thiết bị xã hội hóa dưới nhiều hình thức, trong đó có việc máy do công ty trúng thầu hóa chất, vật tư y tế cho mượn hay theo hình thức máy cho, tặng hoặc do cán bộ nhân viên góp vốn đầu tư…

Theo Kiểm toán Nhà nước, công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập khi chưa phân nhóm phù hợp với loại dịch vụ y tế.

Việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góc khuất chủ trương xã hội hóa thiết bị y tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO