Hàng nghìn gốc tiêu của dân bị phá bỏ

Tuấn Anh 26/12/2015 12:57

Không tổ chức họp dân, không thỏa thuận đền bù, thế nhưng UBND xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) đã thành lập đoàn cưỡng chế san phẳng hàng nghìn gốc tiêu của nhiều hộ dân thôn 5. Những việc làm không quan tâm đến quyền lợi người dân đã gây bức xúc dư luận nơi đây.

Hơn 2 tháng nay, một số hộ ở thôn 5, xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) như ông Phan Bình Phú, bà Lê Thị Hồng, ông Lã Hữu Linh, bà Quách Thị Hòa, ông Phạm Văn Thắng chưa hết bàng hoàng khi ngày 13-10-2015, hàng nghìn gốc tiêu trên diện tích hơn 3ha mà họ bỏ bao công sức, tiền của chăm sóc đã bị UBND xã Quảng Tâm tổ chức đoàn cưỡng chế phá nát. Các hộ đã làm đơn khiếu kiện khắp nơi nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được các cơ quan chức năng huyện Tuy Đức và tỉnh Đắk Nông xem xét giải quyết dứt điểm.

Theo lý giải của ông Nguyễn Thành Trí, Chủ tịch UBND xã, diện tích tiêu nói trên là do người dân lấn chiếm đất rừng, lén lút trồng cây ban đêm và ngày lễ, chủ nhật, chính quyền không biết nên xác định đó là vườn cây “vô chủ”! Xã phải giải tỏa để lấy đất làm thao trường huấn luyện dân quân theo quy hoạch; và vì vườn vô chủ nên xã không cần phải thương lượng với ai.

Qua tìm hiểu được biết, xã Quảng Tâm thành lập năm 2007. Nguyên trước đây khu vực này thuộc Lâm trường Tuy Đức quản lý. Đồng bào dân tộc tại chỗ ở đây tận dụng những vùng đất trống đồi trọc phát rẫy theo kiểu da báo để trồng mì và sau đó sang nhượng (bằng giấy tay) cho một số hộ người Kinh, trong đó có ông Phú, bà Hồng. Người dân đã trồng bắp, mì, một phần đã được trồng cây cao su. Chính vườn tiêu của bà Hồng nguyên trước đây là vườn cao su bà mua lại, sau bán cho một cán bộ huyện.

Khi vị cán bộ này chuyển về tỉnh thì bà đã mua lại và năm 2014-2015 chuyển sang trồng tiêu vì cao su không hiệu quả. Ông Hoàng Xuân Hợp, Thôn trưởng thôn 5 cho biết: Diện tích đất mà xã giải tỏa thu hồi, người dân canh tác từ lâu nay; trước đây khi ông Diễn còn làm chủ tịch xã đã xuống nhờ ông Phú, bà Hồng mượn làm thao trường cho dân quân xã tập luyện.

Còn việc gia đình ông Phú, bà Hồng tổ chức trồng tiêu, làm cao su thì cả thôn này ai cũng biết; nhiều hộ trong thôn đi làm cho ông Phú, bà Hồng công khai chứ không làm lén lút; bởi chỗ rẫy đó sát ngay đường nhựa, cách UBND xã chỉ vài trăm mét. Cũng theo ông Hợp, nếu xã quy hoạch vào mục đích công cộng thì cần cắm thông báo bằng pa-nô rõ ràng để người dân biết không canh tác. Còn khi đã canh tác rồi thì xã chỉ cần báo cho thôn xác minh chủ sử dụng đất, thôn sẽ thống kê đầy đủ.

Lô đất của các hộ dân bị UBND xã dựng cột bao lưới thép gai lấy mất.

Theo hồ sơ vụ việc, trước khi thực hiện cưỡng chế, xã Quảng Tâm đã có báo cáo Huyện ủy và UBND huyện Tuy Đức xin ý kiến chỉ đạo. Tại thông báo số 103 ngày 31/8/2015, Văn phòng UBND huyện thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Huân, tại cuộc họp ngày 25/8/2015.

Theo đó phần chỉ đạo UBND xã Quảng Tâm có nội dung: xã tổ chức họp thôn (mời Chi bộ thôn) và mời các hộ dân để tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân về chủ trương của Đảng và Nhà nước để các hộ dân chấp hành tự giác giao trả lại diện tích đã lấn chiếm. Tuy nhiên xã Quảng Tâm không thực hiện tổ chức họp thôn theo chỉ đạo này (mà chỉ tổ chức họp quân dân chính và tuyên truyền trên loa truyền thanh…). Nếu tổ chức họp thôn, người dân sẽ có cơ hội đối thoại với chính quyền và Ban tự quản thôn sẽ thông tin đầy đủ về các hộ đang canh tác (chứ không phải là vô chủ), trên cơ sở đó xác định nguồn gốc đất, phân loại từng trường hợp cụ thể để xử lý tài sản trên đất theo quy định (chứ không phải giải tỏa trắng đồng loạt theo kiểu đối với vườn “vô chủ” như xã Quảng Tâm đã làm).

Đặc biệt, ngày 13/10/2015 Văn phòng Huyện ủy Tuy Đức mới có thông báo kết luận của Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vũ Minh Khôi, tại cuộc họp ngày 9-10 với Đảng ủy xã Quảng Tâm về việc giải tỏa khu đất quy hoạch thao trường, trong đó nhấn mạnh việc tuyên truyền để người tự tháo dỡ, di dời tài sản trên đất. Thế nhưng, ngày 12/10/2015 UBND xã Quảng Tâm đã lên kế hoạch cưỡng chế vào ngày 13/10/2015! Và chỉ trong buổi sáng hôm đó hơn 1.450 trụ tiêu của người dân đã bị đoàn cưỡng chế nhổ bỏ. Sau đó xã cho chôn cột gỗ mua dây thép gai về vây lại để giữ đất.

Điều đáng nói là quy hoạch thao trường huấn luyện cho dân quân xã có diện tích là 12.190m2, nhưng số diện tích mà UBND xã dùng dây thép gai vây lại gần 30.000m2! Ngoài ra, cùng với việc 5 hộ dân tố cáo đoàn cưỡng chế phá hoại tài sản, ông Phạm Văn Thắng (1 trong 5 hộ nêu trên) còn tố cáo ông Nguyễn Thành Trí, Chủ tịch UBND xã, Trưởng đoàn cưỡng chế đã cho người đưa ông lên UBND xã và đánh vào mặt khiến ông phải đi nhập viện. Ông Trí chối bỏ việc đánh ông Thắng nhưng xác nhận đã có “la mắng”! Vụ việc đang gây hoang mang cho người dân bởi cách làm tùy tiện, coi thường người dân cũng như tài sản, công sức của họ.

Được biết, ngày 7/12/2015, UBND huyện Tuy Đức đã ra quyết định thụ lý giải quyết tố cáo đối với ông Nguyễn Thành Trí, Chủ tịch UBND xã Quảng Tâm và thành lập đoàn xác minh tố cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng nghìn gốc tiêu của dân bị phá bỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO