Ì ạch nhà máy nước sạch, dân phải dùng nước ô nhiễm

Đức Sơn 04/05/2016 09:10

Hàng chục năm qua, người dân ở các xã ven sông Nhuệ thuộc huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) phải “nhắm mắt” uống nước nhiễm Asen độc hại, từ đó nhiều người sinh bệnh. Trong khi đó, Dự án nhà máy cung cấp nước sạch với số vốn đầu tư lên tới 187 tỷ đồng thi công đã hơn 5 năm mà vẫn chưa xong.

Ì ạch nhà máy nước sạch, dân phải dùng nước ô nhiễm

Nhà máy nước trăm tỷ được xây dựng khẩn cấp nhưng lại chậm tiến độ nhiều năm.

Thực trạng báo động

Từ lâu, làng Yên Lão, xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng được người dân địa phương gọi là “làng tử thần” bởi số người mắc bệnh nhiều, trong đó có cả ung thư. Bao đời nay, nước sông Nhuệ là nguồn nước sinh hoạt chính của làng Yên Lão và của cả xã Hoàng Tây.

Khoảng chục năm trở lại đây, lượng nước thải ô nhiễm độc hại ở đầu nguồn thải ra sông Nhuệ quá nhiều nên nước sông Nhuệ cứ đen dần, bốc mùi hôi thối và biến thành dòng sông chết. Nguồn nước ô nhiễm của sông Nhuệ cứ ngấm dần vào đồng ruộng, vào nguồn nước ngầm khiến nước ngầm cũng bị nhiễm Asen nặng.

Không còn cách nào khác, người dân phải xây dựng các bể chứa nước mưa để sinh hoạt. Mùa mưa thì tạm đủ nước ăn uống còn nước giếng chỉ sử dụng để tắm giặt và chăn nuôi. Còn mùa khô thì thiếu nước trầm trọng. Người có tiền thì mua nước sạch về dùng, còn người nghèo thì nhắm mắt dùng liều nguồn nước giếng không đảm bảo.

“Mặc dù khoan sâu vào lòng đất nhưng nước giếng khoan mùi rất hôi tanh và màu vàng khè. Pha chè thì chè biến thành màu đen kịt, nổi váng vàng khè, thậm chí còn sủi cả bọt trắng. Nước mưa giờ cũng bị ảnh hưởng. Nhiều người mắc bệnh ung thư. Còn các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa, thì hầu như ai cũng bị…”- anh Hòa, người dân thôn Yên Lão lo lắng. Theo thống kê, mỗi năm tại thôn Yên Lão có từ 3 đến 5 người chết vì bệnh ung thư và độ tuổi mắc bệnh ung thư ngày càng trẻ hóa. Kết quả xét nghiệm của ngành chức năng cho thấy nguồn nước ngầm ở khu vực ven sông Nhuệ bị nhiễm Asen nặng không đủ tiêu chuẩn để sử dụng.

Không riêng gì thôn Yên Lão, tại 7 xã ven sông Nhuệ thuộc huyện Kim Bảng gồm Kim Bình, Văn Xá, Đồng Hóa, Nhật Tân, Nhật Tựu, Hoàng Tây, Đại Cương, người dân cũng ta thán về tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Hàng chục km sông chạy qua địa bàn các xã của huyện Kim Bảng có màu nước đen, bốc mùi hóa chất. Dưới lòng sông cỏ, bèo tây cũng bị chết héo.

“Dài cổ” chờ nhà máy nước sạch

Tháng 10-2010 UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Dự án xây dựng khẩn cấp công trình cung cấp nước sạch tập trung thay thế nguồn nước ngầm ô nhiễm Asen, nước mặt ô nhiễm bởi sông Nhuệ thuộc các xã ven sông Nhuệ. Dự án do UBND huyện Kim Bảng làm chủ đầu tư với tổng kinh phí thực hiện dự án lên tới 187 tỷ 915 triệu đồng.

Theo phê duyệt, Dự án sẽ xây dựng hai nhà máy cung cấp nước sạch tập trung trên diện tích 62.940 m2 với tổng công suất 16.000 m3/ ngày đêm. Hai nhà máy nước sạch xây dựng hiện đại đồng bộ, dự kiến sẽ cung cấp nước sạch cho 127.610 người với tiêu chuẩn 80 lít/người/ngày đêm. Theo đó, thời gian thực hiện từ năm 2010 đến năm 2014 hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Mặc dù bắt đầu khởi công từ năm 2010 thế nhưng không hiểu lý do gì mà đến tháng cuối năm 2014 mới giải phóng xong hết mặt bằng. Đã vậy, khi nhà thầu lại thi công công trình một cách ì ạch không đảm bảo tiến độ. Trước tình hình trên, ngày 20/01/2014, UBND tỉnh Hà Nam cho phép gia hạn hợp đồng lần 1 thời gian hoàn thành là 31/12/2014.

Ngày 19/12/2014, UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục cho phép gia hạn hợp đồng lần 2 thời gian hoàn thành là 31/12/2015. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn thi công như “rùa bò” công trình dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Một lần nữa, UBND tỉnh Hà Nam buộc phải ra hạn lần 3 đến 31/12/2016 phải hoàn thành Dự án.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hải- Phó trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Kim Bảng thừa nhận, công trình thi công chậm tiến độ hơn 2 năm so với hợp đồng ký kết. Hiện nay còn một số hạng mục công trình chưa thi công. Khối lượng đã thanh toán cho các đơn vị tính đến hết năm 2015 là 90 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hải, nguyên nhân một phần do công tác giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư và nguồn vốn đầu tư của Nhà nước hạn chế. Nhưng nguyên nhân chính do nhà thầu thi công chưa tập trung tài chính, nhân lực vào thi công xây dựng công trình. Về vấn đề này, bà Trần Thị Hiền- Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và PTHT kỹ thuật Hà Nam (nhà thầu thi công) cho rằng, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước rất hạn hẹp.

Nhà nước mới cấp cho 90 tỷ đồng trong tổng số 120 tỷ đồng. “Về luật, thi công xong 90 tỷ đồng công ty mình có quyền dừng lại. Cái khó của Dự án là thiếu 1 hoặc 2 tỷ đã đành nhưng thiếu hẳn 30 tỷ, đâu phải chuyện nhỏ. Nếu như mình nợ ứng, hoặc đang có tiền mà mình không thi công thì đấy mới là lỗi thuộc về mình”- bà Hiền nói. Cũng theo bà Hiền lý giải, hiện tại công ty bà vẫn đang bỏ tiền túi của mình ra để thi công.

Đến 30/6/2016 nhà thầu sẽ cố gắng hoàn thành đấu nối đến 3 xã gồm: Hoàng Tây, Văn Xá, Kim Bình.

Dù nói gì thì nói, hiện nay Dự án nhà máy nước sạch này vẫn đang là công trình xây dựng ngổn ngang.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ì ạch nhà máy nước sạch, dân phải dùng nước ô nhiễm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO