Nghệ An: Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cao tốc

Điền Bắc 20/04/2020 08:00

Tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài gần 88km. Thời gian qua, Nghệ An đã quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, do vẫn còn nhiều vướng mắc, nên công tác GPMB chậm, chưa được như mong đợi.

Nghệ An: Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cao tốc

Công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An còn chậm, do nhiều vướng mắc khâu đền bù đất nông nghiệp.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tuyến cao tốc qua Nghệ An gồm hai dự án thành phần là đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt. Trong đó chiều dài đi qua đất nông nghiệp hơn 79km, qua khu dân cư 8,5km. Số hộ cần tái định cư là hơn 600 hộ với hơn 2,6 ngàn tỷ đồng chi cho công tác GPMB (hiện đã có gần 1,9 ngàn tỷ đồng được cấp). Tính đến ngày 14/4, tỉnh Nghệ An đã GPMB được 66,58/87,84km, đạt 75,8% kế hoạch. Để đảm bảo tiến độ đề ra, Nghệ An đặt ra kế hoạch đến ngày 20/4 giải phóng mặt bằng xong toàn bộ đất nông nghiệp, đến ngày 10/5 giải phóng xong toàn bộ đất ở, đất vườn nhưng không thuộc diện tái định cư. Đến ngày 30/8 giải phóng mặt bằng xong 100%. Và để triển khai được kế hoạch trên, cần phải tháo gỡ những vướng mắc mang tính quyết định.

Đơn cử tại huyện Yên Thành, hiện có 17 hộ gia đình làm nhà trên đất 64, đất công ích xã cho thuê làm trang trại, gia trại; xây dựng nhà trên đất nông nghiệp. Trong đó, có 16 hộ xây dựng từ trước ngày 1/7/2004, có 1 hộ xây dựng sau ngày 1/7/2004, xây dựng nhà tạm 4 hộ, xây dựng nhà bán kiên cố 8 hộ, xây dựng nhà kiên cố 5 hộ. Các hộ này được UBND xã cho thuê làm trang trại, gia trại trên đất xa, xấu. Theo báo cáo của UBND xã Đô Thành, trong số 17 hộ này có 8 hộ không có đất ở, nhà ở nơi khác trên địa bàn xã và đang vướng vấn đề đền bù, hiện những vướng mắc này huyện Yên Thành đang trình tỉnh Nghệ An xử lý. Ngoài ra, địa phương này cũng đang vướng đền bù đối với 8 hộ gia đình xây dựng trái phép trên kênh Vách Bắc, trong đó 4 hộ gia đình đã xây dựng nhà ở kiên cố và 4 hộ chưa xây dựng nhà ở.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Liên quan đến việc các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở trên kênh Vách Bắc (xã Đô Thành), nguồn gốc đất do UBND xã Đô Thành bán trái thẩm quyền năm 1993, 1994 chưa được cấp GCN QSD đất, UBND tỉnh Nghệ An đã có Kết luận số 641/KL-UBND ngày 2/11/2017 về việc kết luận công tác kiểm tra quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trên kênh thủy lợi Vách Bắc. Tuy nhiện, hiện nay bước vào đền bù giải phóng cao tốc Bắc - Nam cũng không dễ dàng.

Còn tại huyện Diễn Châu, hiện có 78 hộ dân có tài sản trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị ảnh hưởng bởi cao tốc Bắc - Nam. Do việc sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp không hiệu quả, nên nhiều hộ gia đình tự ý xây dựng nhà và công trình khác trên đất theo mô hình kinh tế gia trại, trang trại, các loại tài sản trên chủ yếu được triển khai xây dựng sau ngày 1/7/2004, sau thời điểm dồn điền, đổi thửa theo Chỉ thị 08. Căn cứ vào các quyết định số 58/2015/UBND tỉnh Nghệ An thì các loại tài sản trên không thuộc đối tượng đền bù hỗ trợ nên công tác GPMB cũng khó khăn.

Ngoài ra, còn có cái khó nữa là sau khi cắm mốc chỉ giới hành lang ATGT đối với cao tốc Bắc - Nam, nhiều hộ gia đình có đất ở nằm trong phạm vi hành lang ATGT đường bộ cao tốc không được đền bù hỗ trợ theo quy định, bị hạn chế hoặc khó khăn khi xây dựng công trình, hoặc thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Hữu An, Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết, theo thống kê thì tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn sẽ có khoảng gần 200 hộ dân bị ảnh hưởng phải tiến hành tái định cư để GPMB. Qua thống kê ban đầu, Nghệ An cũng sẽ được cấp kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng để phục vụ GPMB cho dự án này. Tính đến thời điểm này, tiến độ GPMB tại tỉnh Nghệ An khoảng gần 80%, được xem là địa phương đạt tỉ lệ cao. Mặc dù vậy, cơ bản diện tích đó vẫn là đất nông nghiệp. Khối lượng công việc còn lại là đất ở sẽ khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ An: Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cao tốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO