Nhà máy giấy Thuận Phát đầu độc Suối Cái

Đức Sơn – Thanh Huyền 13/05/2017 08:00

Hàng chục năm nay, Chi nhánh của Công ty TNHH SX&TM Thuận Phát (Nhà máy Giấy Thuận Phát) đóng tại xã Hào Lý, huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) xả thải chưa được xử lý triệt để ra dòng Suối Cái chảy qua địa bàn huyện Đà Bắc (Hòa Bình) và huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khiến dòng suối bị ô nhiễm nặng nề, cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng lớn.

Người dân các huyện Đà Bắc (Hòa Bình) và huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) “tố” thủ phạm gây ô nhiễm dòng Suối Cái chính là nhà máy Giấy Thuận Phát.

Suối Cái đang chết dần

Bao đời nay, dòng Suối Cái là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, và nguồn sống cho hàng trăm hộ dân dọc các xã Hào Lý, xã Tu Lý (huyện Đà Bắc) và xã Yên Sơn, xã Yên Lương (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ).

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn nước Suối Cái ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến cuộc sống của nhân dân xung quanh dòng Suối Cái bị ảnh hưởng lớn. Tôm cá, nguồn lợi thủy sản trên Suối Cái cứ chết dần, chết mòn. Người dân sử dụng nước Suối Cái để tưới cây thì cây kém năng suất, vật nuôi uống nước suối còi cọc, chậm lớn, thậm chí chết không rõ nguyên nhân.

Người dân cho rằng thủ phạm gây ra sự ô nhiễm cho dòng Suối Cái chính là hoạt động xả thải chưa đảm bảo của Nhà máy giấy Thuận Phát đóng trên địa bàn xã Hào Lý (huyện Đà Bắc) gây ra.

Theo người dân, Nhà máy Thuận Phát hoạt động sản xuất quanh năm, tuy nhiên vào mùa khô nhà máy này hoạt động hết công suất khiến Suối Cái bị ô nhiễm nặng nề nhất. Vào mùa khô, nước Suối Cái đã cạn, cộng thêm dòng nước thải đen kịt từ nhà máy giấy xả ra khiến dòng Suối Cái bốc mùi hôi thối nồng nặc, cá tôm chết trắng suối.

“Trước đây, nước Suối Cái rất sạch, người dân chúng tôi vẫn dùng nguồn nước suối để tắm giặt, sinh hoạt. Đến nay thì hầu như không ai dám dùng nước Suối Cái nữa. Từ lâu, nước suối đã đổi màu đen đục, rửa chân tay là nổi mẩn ngứa.

Nguồn nước ô nhiễm cũng ngấm dần vào nguồn nước ngầm, giếng khơi khu vực gần Suối Cái cũng bị ảnh hưởng khiến người dân rất lo lắng cho sức khỏe”, bà Nguyễn Thị Liên, một người dân xã Yên Lương cho biết.

Theo người dân xã Yên Lương (huyện Thanh Sơn), mỗi tháng có từ 3-4 lần nước từ thượng nguồn Suối Cái (nơi có nhà máy Giấy Thuận Phát xả thải) chảy về xã Yên Lương có màu vàng đục hoặc đen, nổi bọt, bốc mùi hóa chất hôi thối. Các đập tràn thuộc khu 1 và khu 2 của xã, nước suối bị ô nhiễm nặng nhất, dòng nước đen ngòm, bọt như xà phòng kéo dài nhiều ngày liền khiến người dân phát hoảng.

Lý giải về vấn đề xả thải của nhà máy, ông Bùi Trọng Tâm - Giám đốc Nhà máy giấy Thuận Phát cho rằng, trước khi xả ra môi trường, nước thải từ nhà máy giấy đều phải xử lý và đạt quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, còn có một số chỉ tiêu vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Lộ rõ sai phạm

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Tám- Trưởng Phòng TN&MT huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cho rằng, thủ phạm gây ô nhiễm Suối Cái là Nhà máy giấy Thuận Phát tại xã Hào Lý, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) và khu vực hạ lưu Suối Cái là các xã thuộc huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) phải hứng chịu.

Cũng theo ông Tám, đã nhiều lần, huyện Thanh Sơn và Sở TN&MT Phú Thọ làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình để giải quyết tình trạng ô nhiễm Suối Cái. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 2 địa phương chưa tìm được tiếng nói chung trong việc xử lý nên việc xử lý chưa được triệt để.

“Nhà máy giấy Thuận Phát được cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cấp phép xả thải, còn việc kiểm tra lại không thuộc thẩm quyền của phía cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ. Do đó, tình trạng ô nhiễm ở Suối Cái sẽ vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hữu Tám nhấn mạnh.

Được biết, ngày 16/1/2017, đoàn kiểm tra của Sở TN&MT Phú Thọ đã khảo sát đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước Suối Cái, đoạn chảy qua xã Yên Sơn. Kết quả cho thấy, nước suối có màu xám, sủi bọt, các mẫu nước Suối Cái so sánh với QCVN 08 vượt từ 2,55-3,20 lần.

Trên cơ sở đó, Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ đã có văn bản đề nghị Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nguồn thải có hoạt động xả thải vào Suối Cái đoạn chảy qua địa phận tỉnh Hòa Bình, đặc biệt đối với Nhà máy giấy Thuận Phát.

Phát hiện hành vi vi phạm, ngày 25/1/2017, UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định xử phạt Nhà máy giấy Thuận Phát tổng số tiền là 106 triệu đồng vì hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp đó, ngày 7/4/2017, Sở TN&MT Phú Thọ lại có văn bản số 685, tiếp tục đề nghị ngành chức năng tỉnh Hòa Bình phối hợp giải quyết ô nhiễm tại Suối Cái. Mới đây, tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình, gửi Bộ TN&MT để có biện pháp xử lý tận gốc tình trạng Suối Cái bị ô nhiễm.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Hữu Tám- Trưởng Phòng TN&MT huyện Thanh Sơn, có 2 biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở Suối Cái. Đó là Nhà máy giấy Thuận Phát cần phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu hoặc là phải đóng cửa.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Khắc Long- Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hòa Bình cho biết, Nhà máy giấy Thuận Phát hoạt động từ năm 2006, từ đó đến nay, hệ thống xử lý nước chưa đảm bảo, nước thải sau xử lý có màu nâu đen, vẩn đục, một số chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép.

Ông Long cũng cho hay, Sở TN&MT Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo huyện Đà Bắc và Nhà máy Thuận Phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà máy giấy Thuận Phát đầu độc Suối Cái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO