Sống trong than bụi

Nguyễn Anh Tuấn 20/06/2016 13:45

Đi vào hoạt động chưa lâu, xong có không ít doanh nghiệp đóng tại KCN Khánh Phú (Ninh Bình) đã nhiều lần xả thải ra môi trường gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh kế và tác động xấu đến môi trường sống của cư dân địa phương.

Chưa hết, ngay bên ngoài KCN, một đơn vị kinh doanh than với lưu lượng xe tải ra vào “ăn hàng” dày đặc, không có bạt che chắn, than rơi vãi gây bụi mịt mù dọc tuyến đường vành đai nhưng tịnh không thấy có lực lượng chức năng nào đứng ra xử lý.

Xe vận tải của Cty Long Sơn ra vào KCN Khánh Phú chở than khiến bụi bốc lên mịt mù. Ảnh: Anh Tuấn.

Ngập ngụa bụi than

Câu chuyện ô nhiễm môi trường ở KCN Khánh Phú lặp đi, lặp lại và được mô tả với hình ảnh “thỉnh thoảng lại xuất hiện sóng thần”. Và sau mỗi lần cơ quan chức năng vào cuộc, tình hình yên ắng được thời gian, đâu lại vào đó. Sự việc ngày một bức xúc đến mức ngay chính lãnh đạo một số doanh nghiệp cũng tỏ ra bất bình.

Cách đây chưa lâu, người dân xã Khánh Phú tố rằng, nguồn nước thải từ Cty Chia Chen và Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền (Nhà máy Bình Điền) xả ra môi trường làm nguồn cá tự nhiên, cá nuôi của bà con ở khu vực lân cận chết hàng loạt. Ngay sau đó cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình rốt ráo vào cuộc, xử lý, tình hình tạm lắng xuống.

Nhưng rồi hơn một tuần trước, cá tự nhiên ở khu vực bên ngoài KCN lại chết rải rác. Qua điện thoại, ông Vũ Văn Nhẫn- Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV đạm Ninh Bình phủ nhận, nguyên nhân dẫn tới cá chết không phải do đơn vị gây ra.

Ông Nhẫn nói: “Nhà máy đạm Ninh Bình vẫn đang trong quá trình sửa chữa. Vì vậy nguồn nước thải phát sinh không đáng kể. Hơn thế, nước thải của chúng tôi đổ ra ao trong doanh nghiệp đang nuôi được cá! Việc cá chết ở bên ngoài do đâu thì chúng tôi không biết. Cty đã báo cáo lên Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình (BQL-KCN Ninh Bình) rồi”.

Chưa thể xác định cá chết là do đơn vị nào gây ra, song qua thông tin thu thập thì có cơ sở để xác định, vẫn còn những doanh nghiệp tại KCN Khánh Phú chưa nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, môi trường không gian ở đây cũng đang là vấn đề nhức nhối trong việc gìn giữ “lá phổi” thiên nhiên.

Gần trưa ngày 15/6, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh hàng chục chuyến xe hạng nặng liên tục ra vào kho than của Cty TNHH Long Sơn (Cty Long Sơn). Mỗi lần xe chạy qua con đường vành đai dọc theo hàng rào các doanh nghiệp ở KCN Khánh Phú là bụi than bay lên mịt mù.

Đặc biệt, khi vào kho bốc hàng, do chạy không tải nên các tài xế dấn ga cho xe lao với tốc độ 60-70km/giờ khiến bụi than rơi vãi cuộn lên giống như những khối mây đen kịt. Cứ như vậy, hết xe này vào, lại xe khác ra nhộn nhịp, xe chở than kĩu kịt mà chẳng có bất kỳ tấm bạt che chắn nào.

Hơn thế, trên dọc tuyến đường xe tải chở than ra vào phải đi qua Đồn công an KCN Khánh Phú, nhưng cũng chẳng thấy lực lượng chức năng xử lý! Người dân xã Khánh Phú đặt câu hỏi rằng: Ai là ông chủ đích thực đứng sau “che chắn” cho Cty Long Sơn vận chuyển than, vi phạm an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến vậy!

Nước thải đổ đi đâu?

Có thể khẳng định, tỉnh Ninh Bình đã đi trước, đón đầu một bước so với sự phát triển ngày càng nhiều các KCN tập trung đông doanh nhân trong, ngoài nước đến làm ăn. Cụ thể, chính quyền tỉnh này kêu gọi mô hình xã hội hóa trong việc xử lý nguồn nước thải. Ngay lập tức, ông chủ Thành Nam đứng ra đầu tư khoảng 300 tỷ đồng xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại KCN Khánh Phú vào năm 2008.

Theo thiết kế, nhà máy có công suất hoạt động lên tới 15.000m3 nước/ngày đêm. Vậy nhưng kể từ khi vận hành vào năm 2010 đến nay, bình quân nhà máy chỉ xử lý khoảng 4.400m3/ngày đêm. Là bởi, có không ít doanh nghiệp chưa từng bỏ ra cắc bạc nào để thuê đơn vị này xử lý nước thải.

Gặng hỏi, ông Nguyễn Thanh Long- Phó giám đốc Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Nam (Cty Thành Nam) mới “hé lộ” một vài “gương mặt”. Dưới sự giám sát của BQL-KCN Ninh Bình, đại diện hai doanh nghiệp Thành Nam - Bình Điền đi đến thỏa thuận cho lắp đặt điểm đấu nối xả thải. Nhưng phía Bình Điền mới lắp đường ống từ nhà máy ra ngoài và đấu vào đường ống thu gom của Thành Nam. Đến thời điểm này đôi bên vẫn chưa thống nhất được việc đấu nối đồng hồ đo đếm. “Suốt 3 năm qua, tôi đã trực tiếp đi khảo sát, lên dự toán và rồi... xếp hồ sơ vào tủ. Cứ ít bữa, phía Bình Điền lại gọi, làm dự toán rồi chả đi tới đâu cả. Mới đây, chúng tôi lại tiếp tục vẽ thiết kế cho Bình Điền hệ thống đường ống thu gom nước mặt và cũng đang “án binh bất động”. Chẳng nhẽ, Bình Điền sản xuất phân mà không rơi vãi, không đổ giọt nước nào ra môi trường sao! Tôi chán lắm rồi”- ông Long nói.

Không chỉ riêng Bình Điền, một số doanh nghiệp khác như Kính nổi Tràng An, Nhà máy sản xuất ắc quy cũng chưa đăng ký thuê xử lý nước thải. Cái lý của các doanh nghiệp này đưa ra là do họ tự xây dựng được hệ thống “tái tạo”, tuần hoàn nước bẩn thành nước sạch! Ông Long phân trần: “Anh mua nước máy của tôi, mỗi tháng hàng nghìn mét khối. Về mặt lý thuyết, chỉ khoảng 20 khối lượng nước bay hơi đi. Vậy còn 80% nữa, doanh nghiệp sử dụng xong, đổ đi đâu! Họ nói, khi nào có sự cố sẽ nhờ đến Thành Nam. Lạ kỳ thật!”.

Chưa tròn trách nhiệm

Tìm hiểu được biết, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quy chế 03 giao trách nhiệm về việc bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường cho BQL-KCN Ninh Bình. Theo đó, việc thẩm định, phê duyệt DTM do BQL-KCN Ninh Bình chủ trì thực hiện. Để làm việc này, BQL-KCN Ninh Bình phải có 5 cán bộ chuyên trách về môi trường.

Sau đó BQL-KCN Ninh Bình xin ý kiến của Sở Tài nguyên Môi trường và làm văn bản gửi UBND tỉnh để trình Bộ Tài nguyên Môi trường xem bộ có đồng ý cho ủy quyền hay không. “Tuy nhiên, hiện BQL-KCN Ninh Bình chưa triển khai các bước nói trên nhưng vẫn phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Tại một số hội nghị, chúng tôi đã có ý kiến nhưng họ vẫn cứ làm. Thẩm quyền giải quyết là của UBND tỉnh”- một lãnh đạo ngành Tài nguyên môi trường tỉnh Ninh Bình nói.

Đối chiếu với thực trạng tại KCN Khánh Phú có thể khẳng định, công tác bảo vệ môi trường ở một số doanh nghiệp chưa tốt. Vậy nhưng, đại diện BQL-KCN Ninh Bình vẫn không nhìn thẳng vào sự thật.

Được sự ủy quyền của lãnh đạo, bà Nguyễn Thúy Lương - Chánh văn phòng BQL-KCN Ninh Bình khẳng định: “Việc đánh giá báo cáo tác động môi trường đối với từng doanh nghiệp, theo quy định phải có hội đồng gồm các sở, ngành liên quan tham gia. Sau khi có đóng góp ý kiến của hội đồng thì BQL-KCN Ninh Bình mới phê duyệt. Chứ không phải một mình BQL-KCN Ninh Bình tự đánh giá. Phản ánh như trên là không khách quan. Họ ngồi vào hội đồng, tất cả ý kiến tập hợp lại, có sự thống nhất thì BQL-KCN Ninh Bình mới thực hiện”.

Về tình trạng ô nhiễm bụi do việc vận chuyển than của Cty Long Sơn gây nên, bà Lương xác nhận là có. BQL-KCN Ninh Bình đã thực hiện phân luồng nhưng Cty Long Sơn vẫn ngang nhiên cho xe lưu thông trên tuyến đường ra vào KCN Khánh Phú. Bà Lương cho biết, mới đây, BQL-KCN Ninh Bình có văn bản gửi lên UBND tỉnh kiến nghị về trường hợp Cty Long Sơn. Văn bản nêu rõ, Cty Long Sơn phải tự mở đường mới đi trên đê nhằm giảm thiểu tình trạng khói bụi, tác động xấu đến môi trường.

Đã đến lúc cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình phải vào cuộc mạnh mẽ, không thể để cho một số doanh nghiệp coi thường pháp luật, hủy hoại môi sinh, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt của nhân dân cũng như hàng nghìn lao động đang làm việc tại KCN Khánh Phú.

Ông Nguyễn Thanh Long- Phó giám đốc Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Nam: “Suốt 3 năm qua, tôi đã trực tiếp đi khảo sát, lên dự toán và rồi... xếp hồ sơ vào tủ. Cứ ít bữa, phía Bình Điền lại gọi, làm dự toán rồi chả đi tới đâu cả. Mới đây, chúng tôi lại tiếp tục vẽ thiết kế cho Bình Điền hệ thống đường ống thu gom nước mặt và cũng đang “án binh bất động”. Chẳng nhẽ, Bình Điền sản xuất phân mà không rơi vãi, không đổ giọt nước nào ra môi trường sao! Tôi chán lắm rồi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống trong than bụi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO