'Thoi thóp' bên nhà máy giấy

Đức Sơn 24/10/2015 20:53

Hơn 5 năm Công ty cổ phần giấy An Hòa (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) bước vào hoạt động sản xuất cũng là chừng ấy thời gian Cty này xả nước thải, khí thải độc hại ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân và âm thầm đầu độc sông Lô. Đáng tiếc, ngành chức năng địa phương dường như vẫn “giậm chân tại chỗ” chưa tìm ra biện pháp giải quyết triệt để.

'Thoi thóp' bên nhà máy giấy

Cống xả thải của nhà máy giấy An Hòa ra sông Lô
bốc mùi hóa chất nồng nặc, sủi bọt trắng xóa.

Ăn không ngon, ngủ không yên

Năm 2011, khi nhà máy giấy An Hòa chính thức bước vào hoạt động cũng là lúc người dân xã Cấp Tiến (huyện Sơn Dương) bị đảo lộn. Do không chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường nên trong quá trình hoạt động sản xuất nhà máy giấy An Hòa đã xả khí thải độc hại ra khu vực xung quanh.

Ngày cũng như đêm mùi hóa chất nồng nặc từ nhà máy giấy phát ra bay khắp xóm làng xung quanh khiến người dân trong vùng ăn không ngon, ngủ không yên. Nhà nào cũng phải đóng cửa kín mít. Tại đây, các cửa chính, cửa phụ, cửa sổ hay bất cứ khe hở nào trong nhà đều được người dân bịt kín mít để hạn chế mùi hôi thối bay vào nhà.

Bà Đỗ Thị Chung, sống cạnh nhà máy than thở: “Khổ không khác gì bị tù đày trong ngục tối. Quanh năm, suốt tháng chúng tôi phải hít mùi hôi thối của hóa chất độc hại. Trời nắng còn đỡ mùi chứ hôm trời mưa hoặc thời tiết âm u thì rất khủng khiếp. Tối đeo khẩu trang, hoặc trùm chăn kín mít vẫn không tài nào ngủ được. Nhiều bữa, đang ăn cơm thì mùi hôi thối ập đến là nghẹn hết cả cổ họng, nuốt không trôi. Người lớn, trẻ con hầu như ai cũng bị ho, bị bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa… Chúng tôi kêu suốt nhiều năm nhưng có thấy cơ quan nào giải quyết cho đâu”.

Không chỉ gây ô nhiễm không khí, nhà máy giấy An Hòa còn xả nước thải độc hại đầu độc sông Lô và người dân xung quanh. Theo quan sát của phóng viên, ngay phía thượng lưu của Cty giấy An Hòa có những đường ống dẫn chằng chịt, sát bờ sông Lô để phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, không hiểu sao Cty này lại đặt miệng cống xả thải cách đó khoảng 300 mét. Hệ thống cống xả được thiết kế dạng tràn lũ với 2 miệng cống rộng thênh thang.

Mặc dù vào thời điểm giữa buổi trưa, các công nhân nhà máy giấy nghỉ ăn trưa nhưng dòng nước thải từ miệng cống vẫn tuôn ào ào ra sông Lô. Toàn bộ khu vực cửa xả thải vàng khè với bọt sủi trắng bốc mùi hóa chất nồng nặc. Phía hạ lưu cống xả, các loại cá lớn, cá bé chết nổi lềnh bềnh dọc bờ sông.

Theo người dân xã Cấp Tiến, trước đây đoạn sông Lô chảy qua địa bàn xã có nguồn lợi tôm, cá và các loại thủy sản dồi dào, nhưng từ khi nhà máy giấy An Hòa xả thải xuống sông, cá tôm cứ chết dần, chết mòn. Có ngày ô nhiễm quá, người dân ra sông vớt được cả tạ cá chết. Đến nay đoạn sông Lô ở xã Cấp Tiến hầu như không có loại thủy sản nào có thể sống nổi.

Đáng lo ngại hơn, cách cống xả thải của nhà máy không xa là trạm bơm thủy lợi của xã Cấp Tiến lấy nguồn nước sông Lô để phục tưới tiêu nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

“Mặc dù biết nước sông Lô ô nhiễm nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi vẫn phải lấy nước để phục vụ trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi. Mỗi khi lội ruộng hoặc rửa chân tay bằng nguồn nước này, người bị ngứa ngáy chân tay, ghẻ lở còn gia súc, gia cầm thì còi cọc, chậm lớn… Nhiều người đã phải bỏ ruộng vì sợ nhiễm bệnh. Còn các giếng nước của người dân sống gần nhà máy đều nổi váng vàng kè, thậm chí có mùi hôi tanh nên ít người dám sử dụng. Nhà có điều kiện thì còn có tiền mua nước sạch về dùng chứ nhà nào nghèo thì vẫn phải nhắm mắt dùng liều. Cứ thế này, chẳng bao lâu nữa làng Phú Lương sẽ thành làng ung thư mất thôi”- bà Vũ Thị T., người thôn Phú Lương, xã Cấp Tiến lo lắng.

Tức nước, vỡ bờ, nhiều lần người dân hò nhau kéo lên nhà máy giấy An Hòa phản đối. Những khi đó nhà máy giấy và ngành chức năng cũng tỏ ra sốt sắng giải quyết nhưng sau đó một thời gian “ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm”.

'Thoi thóp' bên nhà máy giấy - 1

Ông Hoàng Ngọc Vinh - Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến nói:
Mùi hôi do Công ty giấy An Hòa gây ra ảnh hưởng tới cả xã với 1.596 hộ dân.

Xã và huyện cũng chỉ biết… kiến nghị

Mặc dù cách nhà máy giấy An Hòa tới hơn 4 ki lô mét, nhưng tại trụ sở UBND xã Cấp Tiến chúng tôi vẫn bị hành hạ bởi mùi hóa chất của nhà máy giấy An Hòa phát ra.

Nói về điều này, ông Hoàng Ngọc Vinh- Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến chỉ biết lắc đầu ngao ngán mà rằng: “Mùi hôi của nhà máy giấy ảnh hưởng đến tòan xã Cấp Tiến đấy”.

Theo ông Vinh, bức xúc vì nhà máy giấy An Hòa gây ô nhiễm, người dân kiến nghị rất nhiều và nhiều lần dân kéo lên nhà máy phản đối. Khi nhân dân có ý kiến, chính quyền xã cũng kiến nghị rất nhiều lần nhưng nhà máy chỉ trả lời qua quýt và hứa sẽ cố gắng khắc phục.

“Tình trạng này diễn ra nhiều năm dân kêu nhiều lắm. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với cấp trên nhưng tình hình vẫn không khá hơn. Cứ để tình trạng như thế này lâu dài sẽ không đảm bảo sức khỏe cho bà con”- vị Chủ tịch xã nói.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh nhà máy giấy An Hòa, theo ông Nông Minh Hiền- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương thì trong quá trình hoạt động sản xuất, Cty cổ phần giấy An Hòa đã không xử lý triệt để các ô nhiễm do quá trình xả thải làm ảnh hưởng đến môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh.

Ngày 1/7/2014, Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang đã yêu cầu Cty thực hiện ngay các biện pháp xử lý nước thải, khí thải đảm bảo quy chuẩn môi trường và bổ sung thêm 2 điểm đo môi trường không khí xung quanh, 1 điểm quan trắc nước sông Lô thuộc địa bàn xã Cấp Tiến.

Ngày 16/4/2015, UBND tỉnh Tuyên Quang có văn bản số 898/UBND-TNMT về việc thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường tại Nhà máy giấy An Hòa trong đó “yêu cầu Cty cổ phần giấy An Hòa khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể hoàn thành hệ thống xử lý nước thải của nhà máy giấy trước ngày 31/5/2015 và giao Sở TN&MT tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường…”…

Nhưng qua kiểm tra thực tế cửa xả thải ra sông Lô của Cty cổ phần giấy An Hòa thì nước tại cửa xả thải vẫn có mùi hôi thối, màu nâu đỏ và sủi bọt trắng.

Về biện pháp xử lý, ông Nông Minh Hiền nhấn mạnh: “Để có cơ sở đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất giấy, bột giấy đến môi trường khu vực hạ lưu nơi tiếp nhận nguồn nước xả thải ra sông Lô của Cty cổ phần giấy An Hòa, UBND huyện Sơn Dương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở TN&MT và các cơ quan có liên quan phối hợp với UBND huyện Sơn Dương, UBND xã Cấp Tiến kiểm tra việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường của công ty CP giấy An Hòa, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, khí thải ra môi trường xung quanh…”.

Cũng theo ông Hiền, về ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, qua kiểm tra một số giếng đào của nhân dân thôn Phú Lương (xã Cấp Tiến) cho thấy nguồn nước ngầm gần khu vực xả thải có hiện tượng ô nhiễm. UBND huyện đã làm việc với Cty cổ phần giấy An Hòa đề nghị Cty có biện pháp khắc phục.

Cty cổ phần giấy An Hòa đã thống nhất đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch tới thôn Phú Lương sau khi hệ thống nước sạch phục vụ khu công nghiệp được xây dựng xong.

UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo chủ đầu tư công trình cấp nước sạch khu công nghiệp An Hòa đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nước sạch cung cấp cho nhà máy giấy An Hòa và nhân dân sinh sống gần khu vực nhà máy giấy.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà máy giấy An Hòa được xây dựng trên diện tích 223 ha, gồm 2 dây chuyền: sản xuất bột giấy sợi ngắn tẩy trắng và giấy tráng phấn. Dây chuyền bột giấy có công suất 130.000 tấn/năm với công nghệ nấu liên tục, tẩy trắng… còn dây chuyền sản xuất giấy cao cấp An Hòa có công suất 140.000 tấn/năm. Lượng nước thải của công ty này là 7.500 m3/ngày.

Trong quá trình sản xuất, do có hành vi gây ô nhiễm môi trường nên năm 2013, UBND tỉnh Tuyên Quang đã xử phạt hành chính 230 triệu đồng, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường xử phạt 225 triệu đồng. Tháng 8-2014, UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục xử phạt Cty CP giấy An Hòa 150 triệu đồng…

Để tìm hiểu rõ vấn đề gây ô nhiễm môi trường của Cty cổ phần giấy An Hòa và trách nhiệm của các bên liên quan, chúng tôi đã tìm đến Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang để liên hệ làm việc nhưng chưa nhận được sự hợp tác của cơ quan này.

Vậy là, trong khi ngành chức năng đang mải miết kiến nghị và loay hoay tìm biện pháp giải quyết thì hàng ngày hàng nghìn hộ dân xã Cấp Tiến vẫn phải “gồng mình” gánh chịu hậu quả về môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Thoi thóp' bên nhà máy giấy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO