Trớ trêu vụ kiện 2,2m sạp chợ

Hồng Quân 01/02/2016 08:30

Cuộc sống buôn bán của các tiểu thương vùng biên giới thuộc chợ Tân Lập (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) cứ bình lặng trôi đi nếu không xảy ra hỏa hoạn cháy chợ vào năm 2006 và “bà hỏa” cũng mang đi gần hết tài sản của tiểu thương nơi đây. Do đó, bà con lại cùng chính quyền địa phương gây dựng lại chợ tạm, khi gây dựng xong cũng là lúc xảy ra nhiều mâu thuẫn liên quan đến sự phân chia mặt bằng. 

Trớ trêu vụ kiện 2,2m sạp chợ

Bà Hường chỉ sạp đã gắn bó bao năm tháng của mình.

Cụ thể, bà Trần Thị Anh từ nơi khác đến yêu cầu gia đình ông Phùng Văn Đạt trả lại mặt bằng số 01 mà gia đình ông đã mua, kinh doanh tại chợ từ năm 1999 đến nay. Bà Nguyễn Thị Hường là vợ ông Đạt, nói trong nước mắt: “Cuộc sống gia đình tôi lúc chưa có sạp để buôn bán rất nghèo khổ, đất canh tác, đất rẫy không có một tấc, dân chạy loạn từ Campuchia về năm 1978 nên nhiều thứ còn hạn chế nhưng vì cuộc sống, con cái nên vợ chồng tôi chạy ngược xuôi vay mượn người thân để thuê sạp số 01 với UBND xã cùng với bà Huỳnh Thị Hương, mặc dù mang tiếng hùn hạp nhưng số tiền trên 1,2 triệu đồng đều do gia đình tôi bỏ ra hết. Từ ngày, có nơi buôn bán nên cuộc sống được cải thiện hơn và phát triển kinh doanh được như ngày hôm nay cũng nhờ từ cái sạp nhỏ này, biết bao thăng trầm, sóng gió trong buôn bán – kinh doanh, gắn bó bao kỷ niệm… Vì thế, tuy có thời gian không ngồi chợ buôn bán nhưng gia đình vẫn giữ lại và cho người em chồng là Phùng Thị Đẹt mượn để buôn bán đến khi bà Anh ở đâu đến đòi lại và Tòa án xét xử gia đình tôi thua, mất trắng, chính quyền thì “ép” quá”.

Theo đó, đến năm 2008, bà Trần Thị Anh bỗng nhiên đến đòi mặt bằng thuộc sạp số 01 mà vợ chồng ông Phùng Văn Đạt cho rằng mình sở hữu hợp pháp nên gia đình ông Đạt không đồng ý. Cuối cùng hai bên phải kéo nhau ra Tòa án phân xử. Theo ông Phùng Văn Đạt, năm 1999, ông có hùn hạp với bà Huỳnh Thị Hương thuê lại sạp số 01 trên diện tích khoảng 5,5m² với số tiền gần 1,5 triệu đồng.

“Tôi là người bỏ ra toàn bộ số tiền này, sau đó tôi cho bà Hương mượn lại mặt bằng để kinh doanh được khoảng 03 tháng bà trốn nợ bỏ đi. Tôi tiếp tục kinh doanh từ đó cho đến năm 2007 tôi để lại cho em gái của tôi là Phùng Thị Đẹt kinh doanh. Nay tôi lấy lại mặt bằng này để kinh doanh nhưng tôi không biết bà Anh là ai? mà đến yêu cầu trả mặt bằng nên tôi không đồng ý.”- ông Đạt kể.

Còn bà Trần Thị Anh, cho biết: “Năm 1999, bà Huỳnh Thị Hương có nợ tôi tiền và vàng, tiền tôi không nhớ là bao nhiêu nhưng vàng là 4 chỉ (vàng 24k, 96% vàng). Thời gian đó, chị Hương có khoảng 2m² mặt bằng trong chợ Tân Lập. Do không có tiền trả nợ nên chồng chị Hương là ông Nguyễn Văn Bình có viết giấy nhượng lại mặt bằng đó cho tôi trừ nợ trong vòng 1 năm nếu bà Hương có tiền trả nợ cho tôi thì tôi sẽ trả lại mặt bằng. Nhưng sau 1 năm, bà Hương không trả nợ được nên đã đồng ý nhượng lại luôn 1 phần mặt bằng đó cho tôi”.

Lời khai, yêu cầu trên đơn khởi kiện của bà Anh (nguyên đơn) là vậy, chỉ 1 phần mặt bằng tức 2m²/5,5m² của sạp số 01 . Tuy nhiên, qua 2 cấp Tòa án tại tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu gia đình ông Đạt phải trả 5,5m² theo Bản án số 339/2008/PT-DS ngày 29/8/2008. Điều đáng nói là hai cấp tòa án đã không mời người có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp là vợ chồng bà Huỳnh Thị Hương tham gia trong quá trình giải quyết vụ án.

Đối với đơn kêu của gia đình ông Phùng Văn Đạt, Tòa án Nhân dân tối cao, trả lời tại Công văn số 755/TANDTC-DS ngày 22/9/2011: “Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc phẩm không đưa chị Hương và anh Bình tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là thiếu sót. Thực tế, chị Hương nợ bà Anh 4 chỉ vàng 96% cũng là thật. Việc anh Bình chồng chị Hương giao quyền sử dụng 1 phần mặt bằng bà Anh để trừ nợ là tự nguyện”.

Đến năm 2013, ông Phùng Văn Đạt cũng đã tìm thấy và chứng minh trước cơ quan có trách nhiệm Giấy chứng nhận mua, thuê với Ban quản lý chợ do ông Dương Xuân Mây, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập ký ngày 15/1/1999 và ông Trần Văn Thụy là người xác nhận nhận đủ số tiền trên 1,2 triệu đồng. Như vậy, trả lời của Tòa dân sự, TANDTC và chứng cứ mới của ông Huỳnh Văn Đạt cần được các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh xem xét thấu tình đạt lý. Vậy mà thời gian trôi đi, cho đến nay vụ việc trớ trêu này vẫn chưa được xem xét, đẩy gia đình anh Đạt vào tình thế khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trớ trêu vụ kiện 2,2m sạp chợ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO