Vỡ nợ hay lợi dụng lỗ hổng pháp luật?

Phạm Hưởng 31/05/2016 09:55

Chuyện vỡ nợ của các cơ sở thu mua cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên không mới, nhưng nó vẫn cứ tiếp tục xảy ra khiến nhiều người dân lâm cảnh trắng tay. Mới đây nhất, một cơ sở thu mua nông sản tại xã Ia Krái, huyện Ia Grai lại bỗng dưng tuyên bố phá sản khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Có hay không việc vỡ nợ hay chỉ là chiêu trò lợi dụng lòng tin, lỗ hổng của pháp luật để chiếm đoạt tài sản?

Vỡ nợ hay lợi dụng lỗ hổng pháp luật?

Nhiều nông dân kí gửi cà phê đau đớn kể lại vụ việc.

Nhiều ngày qua, dư luận tại tỉnh Gia Lai xôn xao việc cơ sở thu mua nông sản của bà Đoàn Thị Niềm, xã Ia Krái, huyện Ia Grai (Gia Lai) đột nhiên tuyên bố vỡ nợ hơn 200 tấn cà phê (ước khoảng7,5 tỷ đồng). Vụ việc lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho hàng ngàn nông dân đang ký gửi, vay mượn cà phê với các cơ sở thu mua nông sản, doanh nghiệp...

Bài học về lòng tin đã bị đánh đổi quá lớn khi tất cả tài sản, vốn liếng là những hạt cà phê đẫm mồ hôi chỉ cần một cái đơn trình lên cơ quan chức năng để tuyên bố vỡ nợ là hàng trăm nông dân lâm cảnh trắng tay. Lâu nay, việc vay mượn, ký gửi cà phê giữa người dân trồng cà phê với các đại lý, doanh nghiệp theo hình thức thỏa thuận chốt giá đã trở thành một giao dịch chủ yếu dựa vào lòng tin giữa đôi bên và cái giấy xác nhận “vô thưởng vô phạt” đã vô tình tạo điều kiện để cho hàng trăm vụ vỡ nợ cà phê xuất hiện.

Theo người dân, các đại lý, cơ sở thu mua cà phê thường có vốn lớn, kho bãi chứa rộng, được người dân tin tưởng đưa cà phê đến ký gửi, mượn kho để tạm trữ và lựa chọn thời điểm giá có lợi nhất để bán. Tuy nhiên, các đại lý, doanh nghiệp đã lợi dụng niềm tin của người dân, lỗ hổng của pháp luật tuyên bố phá sản như là một chiêu trò để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân mà các cơ quan bảo vệ pháp luật không thể xử lí hình sự.

Vỡ nợ hay lợi dụng lỗ hổng pháp luật? - 1

Cây quạt được định giá 40 triệu để gán nợ.

Rất nhiều đại lý, chủ doanh nghiệp trong quá trình làm ăn đã dùng các chiêu trò rất tinh vi như mua xe sang, xây nhà tiền tỷ, chấp nhận thua thiệt để chơi đẹp với nông dân bằng các hợp đồng kí gửi sòng phẳng hay sẵn sàng hào phóng giúp đỡ nông dân vay mượn vài chục đến cả trăm triệu đồng mà không tính lãi để tạo dựng lòng tin, thanh thế với người dân. Cũng chỉ vì cái niềm tin được tạo dựng có phần “nóng vội” mà nhiều người dân đã không ngần ngại mang hết cả tài sản đến kí gửi mà không có bất cứ ràng buộc nào về mặt pháp lý.

Và khi có trong tay hàng trăm, hàng ngàn tấn cà phê từ việc ký gửi của nông dân, nhiều đại lý, doanh nghiệp đột nhiên tuyên bố vỡ nợ. Điều đáng nói, tất cả các vụ vỡ nợ đều xảy ra theo một kịch bản được dựng sẵn và tuyệt đại đa số các con nợ khi vỡ nợ đều không chạy trốn mà họ bình thản xuất hiện trước người dân thừa nhận vỡ nợ và khất nợ. Và nông dân không còn cách nào khác là đợi những lời khất này trở thành hiện thực. Và nếu như người dân có làm căng thì các đại lý, chủ doanh nghiệp viết giấy gán nợ như một động thái để trấn an các chủ nợ.

Vỡ nợ hay lợi dụng lỗ hổng pháp luật? - 2

Trong khi mọi tài sản đã được các đối tượng chuyển hóa, tẩu tán gây rất nhiều khó khăn cho việc trả nợ. Đơn cử như cở sở thu mua nông sản của bà Đoàn Thị Niềm, dù số tiền nợ lên đến 7,5 tỷ đồng nhưng khi tuyên bố vỡ nợ, gia tài của bà Niềm chỉ còn lại đúng một thửa đất vườn, vài vật dụng trong nhà. Khi bị siết nợ, một bộ bàn ghế đá giá chục triệu đồng được thổi giá lên 40 triệu đồng hay cái dây băng chuyển tải cà phê giá 30 triệu đồng thì được định giá gấp vài chục lần giá thực tế.

Theo quy định của pháp luật hình sự, những hành vi vay mượn, kí gửi tài sản hợp pháp rồi dùng thủ đoạn khác để chiếm đoạt hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp hoặc có tài sản nhưng không chịu trả, tìm cách để chuyển hóa tài sản dưới mọi hình thức, thì được xem có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, không ít trường hợp có sự tính toán từ trước, thậm chí sử dụng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt số tài sản vay mượn hay kí gửi của người dân nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn không xử lý hình sự được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vỡ nợ hay lợi dụng lỗ hổng pháp luật?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO