Xã Thiệu Đô (Thanh Hóa): Bất lực với nạn cát tặc

Nguyễn Chung 26/09/2017 08:15

Suốt trong hơn 3 tháng qua, chính quyền và người dân tại xã Thiệu Đô huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã phải căng mình ra chống nạn cát tặc trên sông Chu. Nạn hút cát trộm hoành hành đã khiến hàng chục nghìn m2 đất hoa màu của bà con bị sạt lở nghiêm trọng. Trong khi người dân và chính quyền xã đang khốn khổ, thậm chí là bất lực với tình trạng hút cát trộm thì phía UBND huyện Thiệu Hóa lại tỏ ra khá bàng quan với vấn đề này.

Nạn cát tặc đã khiến hàng nghìn m2 đất hoa màu của người dân xã Thiệu Đô biến mất.

Mất đất, tốn tiền vì cát tặc

Chúng tôi có mặt tại khu vực bãi bồi, nơi có chòi canh “cát tặc” của xã Thiệu Đô nằm sát sông Chu. Đây là căn chòi tạm được chính quyền xã dựng lên để đối phó với nạn hút cát trộm đang diễn ra ngày đêm tại đây. Gọi là chòi canh, nhưng cũng chỉ dựng tạm từ vài cây luồng rồi căng bạt nilông che mưa che nắng, chiếc giường kê tạm cho 7 người nằm ngủ.

Được biết dù mưa hay nắng, chòi canh lúc nào cũng phải có hai, ba người gác. Vì chỉ cần sơ hở một chút, thuyền bè sẽ xông vào hút cát ngay lập tức.

Theo quan sát, dọc bên tả sông Chu, từng bãi trồng dâu tằm, hoa màu của bà con nông dân Thiệu Đô đang bị sạt lở nghiêm trọng do nạn hút cát trộm gây ra. Để đối phó với thực trạng này, nhiều hộ dân đã mang gạch đá ra đổ xuống sông nhằm ngăn hiện tượng sạt lở bờ bãi nhưng tất cả đều như muối bỏ biển.

Bà Vũ Thị Năm, thôn 8, xã Thiệu Đô bức xúc: “Chúng (các đối tượng hút cát trộm) đặt vòi vào gần bờ để hút lấy cát sạch. Mỗi tối có hàng chục chiếc thuyền trọng tải lớn, thi nhau cắm vòi rồng xuống lòng sông để hút cát. Mỗi thuyền cát đầy lại lấy đi của chúng tôi vài thước đất làm màu ven sông. Cứ đà này, chỉ vài tuần nữa có thể cả vùng bãi bồi màu mỡ này sẽ biến mất vào lòng sông”.

Cũng theo bà Năm, nhiều lần người dân lấy đá ném vào tàu để xua đuổi nhưng ngay ngày hôm sau, một tốp thanh niên mặt mày bặm trợn, xăm trổ đầy mình tìm đến nhà để dọa dẫm khiến bà con phải dè chừng. Ông Lê Thọ Minh người cùng thôn với bà Năm cũng cho biết: “Chúng hút cát làm sạt hơn 3 sào ngô nhà tôi, nhưng khi chúng hỏi ngô nhà ai, tôi không dám nhận”.

Huyện phó mặc xã

Ông Nguyễn Thế Ký - chủ tịch UBND xã Thiệu Đô cho biết: Năm 2013, Cty Sơn Đào được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác tại mỏ cát trên địa bàn xã. Vì nguồn khoáng sản ít, chỉ trong 3 tháng, Cty này đã khai thác hết trữ lượng rồi tạm dừng hoạt động. Đến tháng 8-2015, UBND huyện Thiệu Hoá có thông báo cho mỏ cát hoạt động trở lại. Cũng từ đây, vấn nạn cát tặc trở nên rầm rộ và không thể kiểm soát.

Thống kê của UBND xã Thiệu Đô cho thấy: Từ năm 2013 tới 2016, đã có 26.000 m2 đất bãi bồi bị dòng sông “nuốt”, đây là đất ngân sách của xã cho các hộ dân thầu để trồng dâu, ngô. Năm 2016 xã kiến nghị lên huyện yêu cầu phía Cty Sơn Đào đền bù diện tích đất đai, hoa màu bị sạt lở. Nhưng với lý do “không bắt được tàu thuyền hút cát trộm” nên Cty chỉ hỗ trợ 200 triệu đồng.

“Nhiều hôm xã điện lên huyện xin hỗ trợ, nhưng hai hoặc ba tiếng sau mới thấy cán bộ xuống, lúc đó tàu đã nhổ neo chạy xa cả chục km rồi!” – ông Ký tỏ ra bất lực khiến nạn hút cát trộm càng thêm phức tạp. Chỉ trong tháng 8/2017, xã Thiệu Đô đã bắt 8 tàu thuyền hút cát trái phép và xử phạt 40 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này là quá nhẹ và không đủ sức răn đe.

Để đối phó với tình trạng trên, UBND xã Thiệu Đô đành phải cắt cử cán bộ, lập chòi canh, sắm tàu thuyền, túc trực 24/24 giờ với mong muốn bảo vệ từng tấc đất canh tác cho dân. Nhưng cách làm này đang gặp phải khó khăn bởi nguồn kinh phí chi trả cho 13 người thực hiện nhiệm vụ phải thay nhau thường xuyên túc trực tại chòi canh.

Ban đầu, xã cam kết trả cho mỗi công làm nhiệm vụ canh gác là 50.000 nghìn/1 ngày. Thế nhưng vì kinh phí eo hẹp, đến hơn 3 tháng nay, các công an viên và lực lượng dân quân tham gia canh gác vẫn chưa một lần được nhận khoản tiền nói trên.

Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô nói: “Điều mà chúng tôi lo ngại nhất hiện nay là dường như chính quyền huyện đang phó mặc mọi chuyện cho xã giải quyết. Nếu cứ như vậy thì chúng tôi cũng đành buông xuôi và chắc chắn cuộc chiến với cát tặc sẽ không có hồi kết”.

Điều mà người dân Thiệu Đô cần nhất hiện nay là các cơ quan chức năng cùng chung tay vào cuộc một cách quyết liệt mới giải quyết triệt để tình trạng hút trộm cát trên sông Chu. Chính quyền cũng như người dân địa phương đề nghị ngành chức năng đánh giá lại trữ lượng, xác định lại mốc giới của mỏ, đóng cửa mỏ ngay khi hết hạn khai thác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã Thiệu Đô (Thanh Hóa): Bất lực với nạn cát tặc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO