Phục hồi nghề ươm tơ dệt lụa

Tấn Thành 06/02/2018 08:31

Tại Quảng Nam nghề ươm tơ dệt lụa đã nổi tiếng một thời. Thế nhưng tiếc thay nghề này đang dần bị mai một. Tỉnh đang quyết tâm tìm ra những giải pháp để khôi phục nghề, nhưng xem ra không đơn giản...

Phục hồi nghề ươm tơ dệt lụa

Nghề ươm tơ dệt lụa một thời hoàng kim giờ đã mai một.

Một thời đôi bờ sông Thu Bồn hàng trăm bãi dâu xanh mát cùng với đó các làng quê rộn ràng tiếng thoi dệt lụa cùng với những nong tằm vàng óng nhả tơ. Nhưng những năm gần đây thành phẩm tơ tằm rớt giá quá nhanh, khiến nhiều gia đình phải bỏ nghề trong sự tiếc nuối.

Ông Nguyễn Nhất Tuấn, ở thôn Kim Sơn, xã Duy Trinh từng có cơ sở sản xuất ươm tơ dệt lụa lớn, tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động, trung bình mỗi tháng xuất ra thị trường hàng trăm tấn sợi tơ các loại. Nhưng những năm gần đây giá tơ trên thị trường đột nhiên rớt mạnh, ông phải ngừng sản xuất. “Nếu như với giá 450 nghìn đồng/kg, người ươm tơ có lãi, nhưng giá xuống dưới 250 nghìn đồng/kg, thì lỗ nặng, vì thế nhiều cơ sở ươm tơ dệt lụa tạm thời đã ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, dẫn đến nhiều lao động mất việc làm”- ông Tuấn cho biết.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Quảng Nam cho hay, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn lại khoảng 11ha dâu, chủ yếu tập trung ở một số xã của huyện Duy Xuyên với khoảng 30 hộ trồng. Nhưng các hộ trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là để bán thực phẩm. Vì thời gian chăm sóc ngắn hơn, không tốn quá nhiều công sức, thị trường tiêu thụ, giá bán cũng tương đối ổn định.

Nhiều người thắc mắc, tại sao các sản phẩm may mặc từ mặt hàng tơ lụa vẫn đang có sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng và dự báo thị trường thế giới sẽ ngày càng có nhu cầu lớn hơn đối với mặt hàng tơ tằm, vậy do đâu nghề ươm tơ dệt lụa lại bị mai một? Câu trả lời đầu tiên phải nói đến cái khó của thời hội nhập: Gần đây nguồn nguyên liệu tơ của Trung Quốc nhập vào Việt Nam khá ào ạt, mà phần lớn sản phẩm tơ tằm của Trung Quốc được sản xuất theo dây chuyền công nghệ cao, khối lượng lớn, đa chủng loại, giá cả rất thấp (khoảng 200 - 210 nghìn đồng/kg tơ), nên dễ dàng chiếm lĩnh thị trường.

Trong khi đó, ngành dâu tằm chủ yếu nhập giống dâu, tằm; khâu chuyển giao công nghệ - kỹ thuật chưa được chú trọng nên năng suất dâu, kén, tơ thấp, giá thành không ổn định. Công tác quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng giống tằm chưa chặt chẽ, thiếu những mô hình thâm canh dâu tằm hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc phát triển dâu tằm còn mang tính quảng canh, theo phong trào, vì thế chất lượng tơ kén thấp, giá thành không ổn định, sức cạnh tranh kém, các đơn vị chế biến tơ có thời kỳ lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ kéo dài.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương. Con tằm thường được nuôi ở nhiệt độ 21-280C, nhưng những năm gần đây, nhiệt độ tăng cao trong mùa nắng, nên việc nuôi tằm lấy kén gặp nhiều khó khăn…

Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia và cả lãnh đạo địa phương cho rằng, để làng nghề ươm tơ dệt lụa Quảng Nam tồn tại phát triển bền vững, phải gắn kết với du lịch. Ưu thế của làng nghề Duy Trinh là được Nhà nước chọn hỗ trợ đầu tư theo dự án khôi phục làng nghề gắn với phát triển du lịch với số vốn lên đến hàng tỷ đồng. Theo đó, sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề, thiết bị và chuyển giao công nghệ sản xuất khép kín (từ trồng dâu nuôi tằm đến ươm tơ dệt lụa kể cá đầu ra sản phẩm).

Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam còn cho rằng, trồng dâu - nuôi tằm, ươm tơ - dệt lụa không đơn giản tạo ra hàng hóa phục vụ nhu cầu con người, cho đời sống xã hội mà còn hàm chứa trong đó những giá trị về văn hóa, tinh thần, về cốt cách của người dân xứ Quảng. Những người dân làm nghề ở Quảng Nam cũng đang từng ngày mong chờ một “cú hích” đồng bộ và mạnh mẽ, để vượt qua thách thức của giai đoạn hiện nay, để làng nghề lại rộn tiếng thoi đưa…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phục hồi nghề ươm tơ dệt lụa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO