Sống khổ bên di sản thế giới

Lê Minh 12/09/2018 09:00

Tại các điểm thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) hiện có khoảng 3.800 hộ dân đang sinh sống trong những ngôi nhà tạm dột nát. Điều này không chỉ gây khó khăn đến cuộc sống của người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp di sản thế giới đã được UNESCO công nhận.

Sống khổ bên di sản thế giới

Người dân sống trong những căn nhà cũ nát, chật hẹp tại các điểm thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế.

Kinh thành Huế là một công trình di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự. Sau khi đất nước được thống nhất, vì nhu cầu về đất ở nên hàng chục hộ dân tại thành phố Huế đã tự ý di chuyển lên sinh sống trên Thượng Thành trong những ngôi nhà tạm. Sau hơn 40 năm, số lượng người sống ở khu vực Thượng Thành đã tăng lên hàng nghìn nhân khẩu.

Hầu hết các hộ ở đây đều thuộc diện nghèo, họ sống trong những ngôi nhà chỉ được che chắn bằng tôn, nhiều gia đình có đến hai, ba thế hệ sống chen chúc. Bà Nguyễn Thị Gái (72 tuổi, trú ở tổ 14, phường Thuận Lộc) là một trong những người lên sinh sống đầu tiên ở Thượng Thành cho biết, gia đình hiện có 3 thế hệ cùng sinh sống tại đây, trước giải phóng ở Thượng Thành cũng đã có nhiều người lên sinh sống, tuy nhiên sau năm 1975 thì tăng đột biến, khu vực này trở nên chật hẹp hơn.

Gia đình anh Thái Văn Biểu (phường Thuận Lộc) có 6 thành viên cũng đang sống trong ngôi nhà tạm với diện tích chưa tới 40m2. Anh cho hay: “Vì nhà ở vùng quy hoạch nên muốn xây dựng kiên cố cũng không được, nếu xây lén thì cũng không biết lúc nào bị chuyển đi. Khổ nhất là con cái phải sinh hoạt hàng ngày trong ngôi nhà rách nát. Thời tiết ở Huế mùa mưa thì rầm rề, mùa nắng thì oi bức không tài nào chịu nổi”.

Theo đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, việc các hộ dân sống trên di tích đã gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó đáng kể đến là việc gây mất mỹ quan, diện mạo đô thị nói chung và khu di sản Huế nói riêng; ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, cảnh quan trong di sản như tường thành, Hộ thành hào, hồ Tịnh Tâm, hồ Ngọc Hải, Khâm Thiên Giám… Ngoài ra, việc sống tạm bợ của người dân đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội, phát sinh nhiều tệ nạn xấu.

Được biết, năm 2011 tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Quyết định phê duyệt mức kinh phí 1.282 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế; trong đó giao Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế thực hiện hợp phần tôn tạo, tu bổ di tích và giao UBND thành phố Huế thực hiện hợp phần đền bù, giải tỏa mặt bằng.

Mục tiêu của dự án là giải tỏa và tái định cư cho toàn bộ cư dân trong khu vực Thượng Thành, Eo Bầu thuộc kinh thành, sớm ổn định cuộc sống cho người dân và chấm dứt tình trạng lộn xộn, xâm hại di tích. Đồng thời, từng bước chỉnh trang, hoàn nguyên di tích và cải thiện cảnh quan chung của đô thị Huế. Tuy nhiên đến nay việc giải tỏa mặt bằng vẫn chưa thực hiện xong do còn vướng mắc trong chính sách hỗ trợ di dời.

Để sớm thực hiện việc di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã có buổi đi khảo sát, kiểm tra thực tế các khu dân cư tại khu vực này.

Chia sẻ với những khó khăn của người dân sinh sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, ông Thọ cho biết, tỉnh đang tích cực tìm các giải pháp, những chính sách hỗ trợ phù hợp để sớm đưa các hộ dân đến sống ở khu vực mới, có điều kiện cuộc sống tốt hơn nên rất mong các hộ dân hợp tác với chính quyền để công việc được thuận lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống khổ bên di sản thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO