Ưu tiên phát triển doanh nghiệp tư nhân

Hải Nhi (ghi) 20/11/2018 08:00

Theo GS TS Võ Đại Lược (Hội đồng Tư vấn kinh tế, UBTƯ MTTQ Việt Nam), để tạo ra thế cạnh tranh trên trường quốc tế, cần có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chứ không phải doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ưu tiên phát triển doanh nghiệp tư nhân

GS Võ Đại Lược.

GS Võ Đại Lược cho biết, Việt Nam hiện đã ký kết 16 Hiệp định Thương mại tự do và đã là thành viên của WTO, do vậy Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ trên tất cả các cấp độ, từ hệ thống chính trị quốc gia, nền kinh tế quốc dân và các doanh nghiệp (DN). Trong cuộc đua tranh quốc tế này, phần thắng sẽ thuộc về những bên thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện mạnh mẽ, tạo ra được những lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam được chia theo cơ cấu như sau: DN Việt Nam năm 2013 gồm DN nhà nước (DNNN) chiếm 32% GDP, DN đầu tư nước ngoài (DN FDI) chiếm 19,6% GDP. DN tư nhân là 51,8% GDP.

Tuy nhiên, cơ cấu này đã thay đổi. Năm 2017, khu vực DNNN còn khoảng 28%, DN FDI 18%, còn lại là DN tư nhân.

“Cơ cấu thành phần DN cho thấy các DN tư nhân và có xu hướng giảm trong vài năm gần đây, dù các DN tư nhân ngày càng được xem trọng hơn. Khu vực kinh tế gia đình và cá thể - chỉ có thể có vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định xã hội, khó có thể cạnh tranh quốc tế. Các DNNN làm ăn kém hiệu quả, càng khó cạnh tranh trên trường quốc tế, thậm chí, ngay trên sân nhà các DN FDI cũng đang áp đảo DN Việt Nam. Với cơ cấu trên đây, các DN Việt Nam khó có thể tạo ra khả năng cạnh tranh quốc tế vượt trội”- GS Võ Đại Lược phân tích.

Về quản trị DN, GS Võ Đại Lược dẫn Báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) năm 2014 cho biết số điểm trung bình về khả năng quản trị của các DN Việt Nam chỉ đạt 35,1 điểm, thấp xa so với Thái Lan (84,5 điểm), Malaysia (75,2 điểm), Singapore (70,7 điểm), Indonesia (57,3 điểm). Năm 2015 không có DN Việt Nam nào lọt vào TOP 50 DN quản trị tốt của ASEAN.

“Khả năng quản trị của DN Việt Nam yếu kém là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho khả năng cạnh tranh quốc tế của DN Việt Nam bị hạn chế”- GS Võ Đại Lược nói.

Đánh giá các chính sách kinh tế của Nhà nước, theo GS Võ Đại Lược, trong nhiều năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách cải thiện môi trường đầu tư cho các DN Việt Nam, cụ thể là: Giảm bớt các thủ tục hành chính gây khó khăn cho DN, xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, đối thoại với DN để gỡ khó.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít rào cản DN như: Lãi suất cho vay cao hơn các quốc gia khác, chi phí DN lớn, chi phí tiêu cực cũng không thấp... Do đó tỷ lệ DN tư nhân làm ăn thua lỗ, phá sản cao, bình quân giai đoạn 2007-2015 là 45%. Trong 8 tháng đầu năm 2018, số DN ngừng hoạt động và giải thể đã tăng 38,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong tình hình này, các DN Việt Nam rất khó cạnh tranh trên trường quốc tế.

Vì thế, GS Võ Đại Lược đề xuất giải pháp, đẩy mạnh cải cách DNNN bằng biện pháp cổ phần hoá, chỉ giữ lại một số DNNN giữ 100% vốn ở những ngành: công nghiệp quốc phòng, an ninh, dịch vụ công ... Số DNNN còn lại nên cổ phần hoá - bán cho DN tư nhân Việt Nam trên 50%.

“Cần ưu đãi cho DN tư nhân Việt Nam chứ không phải DN FDI. Bên cạnh đó, áp dụng cơ chế quản trị DN theo chuẩn các nước tiên tiến. Cần có chính sách giảm chi phí cho DN, giảm chi phí logictics, hạ thấp lãi suất, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt và phù hợp... Quan tâm thực thi các chính sách đào tạo, trọng dụng nhân tài trong các cơ quan công quyền và cho các DN. Xây dựng các trung tâm nghiên cứu- triển khai hỗ trợ DN Việt Nam nhập bằng phát minh sáng chế áp dụng và thương mại hoá. Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ DN tư nhân Việt Nam thành lập mới và hỗ trợ các DN hoạt động”- GS Võ Đại Lược khẳng định.

GS Võ Đại Lược cũng nhấn mạnh, khu vực DN tư nhân Việt Nam dù được Đảng, Nhà nước ngày càng xem trọng, nhưng cho đến nay khu vực này vẫn chưa phát triển đủ đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Các DNNN còn giữ một tỷ trọng cao và có nhiều biện pháp cải cách. Khu vực DN FDI với nhiều ưu đãi và là khu vực có sức cạnh tranh cao nhất. Với kết cấu DN như vậy, rõ ràng cần phải thực thi các giải pháp tái cơ cấu theo hướng: Ưu tiên phát triển các DN tư nhân của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ưu tiên phát triển doanh nghiệp tư nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO