Tiếng Việt là mẹ

Cẩm Anh 14/07/2020 18:00

Hôm vừa rồi, tôi đọc được trên báo truyện ngắn của một người bạn đang sống ở nước ngoài. Trời ơi, tôi mừng quá, bởi vì bạn ấy - một cô giáo dạy văn có uy tín của đất Hà thành sau ngần ấy năm theo chồng sang Đức vẫn giữ được vẻ sang trọng lịch lãm của một phụ nữ Hà Nội.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Xóm Nhiếp ảnh).

G thân mến!

Tôi nhận được thư bạn hỏi về tình hình của mấy gia đình bạn bè chúng ta đang có con đi du học Mỹ. Bạn biết rồi, con P. nhà chị T. thì đã trở về vào đúng dịp dịch bệnh đang bùng phát dữ dội, cháu thuộc diện trở về trong một chuyến bay giải cứu. Còn thằng cu L. nhà bạn H. thì vẫn ở bên ấy, chưa về. Ở hay về trước đây là lựa chọn nhưng đến nay với chính sách mới của nước Mỹ thì không còn được lựa chọn nữa rồi. Đúng là dịch giã đã khiến cả thế giới chao đảo. Việc học hành của bọn trẻ bây giờ ngổn ngang quá. Con P. giờ cứ ngày thì ở nhà ngủ, tối ngồi học online theo giờ giấc của nhà trường ở cách tận nửa vòng trái đất, trước mắt thì không còn hy vọng có visa trở lại trường nữa rồi. Còn thằng cu L. thì cố ở lại cũng không được nữa, nước Mỹ sẽ cho sinh viên nước ngoài của các trường dạy trực tuyến về nước hết. Dở dang hết cả, không hiểu rồi tương lai chúng nó ra sao. Mấy ngày nay có vẻ tâm trạng bố mẹ chúng nó đều rối bời cả...

Không biết bọn trẻ nhà khác thì thế nào, chứ con bé P. nhà chị T. hôm vừa rồi mình hỏi cảm xúc thì nó nói ráo hoảnh, ở đâu cũng được, ở Việt Nam càng tốt, vì ở đấy có mẹ cháu, lại được ăn cơm Việt Nam. Nó bảo là những ngày học ở bên kia nó không nhớ gì chỉ nhớ món ăn Việt Nam, lúc nào cũng thèm, cũng nhớ, cũng muốn được trở về.

G thân!

Hôm vừa rồi, tôi đọc được trên báo truyện ngắn của một người bạn đang sống ở nước ngoài. Trời ơi, tôi mừng quá, bởi vì bạn ấy - một cô giáo dạy văn có uy tín của đất Hà thành sau ngần ấy năm theo chồng sang Đức vẫn giữ được vẻ sang trọng lịch lãm của một phụ nữ Hà Nội. Giọng văn của bạn vẫn dịu dàng trong trẻo như ngày nào.

Tôi lại nhớ đến một cậu bé con chị H., một nhà văn Việt Nam khác sống trên nước Pháp. Cậu bé sống cùng gia đình ở thủ đô Paris, được mẹ rèn từ khi đi học lớp 1 đến giờ năm nào cũng đứng đầu lớp. Khi nói chuyện với bạn tôi, cậu bé vẫn bảo “tiếng Việt khó”. Dù âm tiếng Việt còn hơi ngọng nghịu, vì chỉ nói với mẹ và em, nhưng khi về Việt Nam thăm gia đình, cậu sống trong môi trường ngôn ngữ quê ngoại như cá trong nước. Cũng người bạn ấy của tôi kể khi gặp nó ở Việt Nam nó đã nói: “Tiếng Việt là mẹ, vì thế, nói đến tiếng Việt cũng là nói đến chuyện Tết Việt Nam mà hàng năm mẹ em thường làm”.

Chao ôi, nhìn một thằng bé giống bố đặc ngoại hình người Pháp mà nói tiếng Việt như thế thì xúc động lạ thường. Cậu bé có mẹ người Việt sinh ra lớn lên ở nước Pháp vẫn cố gắng để nói được tiếng Việt, bởi vì tiếng Việt là mẹ. Nó cũng có khác gì con bé P. bảo ở Việt Nam vì có mẹ và có món ăn Việt Nam là mấy đâu.

Để thằng bé ấy nói được tiếng Việt, chị H. rất chú ý cho con học tiếng Việt. Mua từ nhà sang từng cuốn truyện, thơ thiếu nhi, từng cuốn dạy đánh vần, chị đọc và dạy cho các con nghe hàng ngày. Giống như hai cô con gái nhỏ của chị Phan Bích Thiện tại Hungary cũng vậy. Sống trong một môi trường đa ngôn ngữ, mẹ bỏ thì giờ rèn rũa từ nhỏ, các em đều có thể nói được tiếng Việt, tiếng Hung và cả những ngôn ngữ khác mà các em được học. Cả hai cô bé đều tham gia biểu diễn những tiết mục văn nghệ trong hội diễn văn nghệ của cộng đồng hàng năm. Nhưng đó không phải là một quá trình đơn giản nếu cha mẹ không quyết tâm.

Chị Thiện nói: “Ở nước ngoài, về tiếng Việt có thể có những lớp học được tổ chức cho các cháu, nhưng trong từng gia đình người mẹ rất quan trọng cho từng cháu trong việc học tiếng Việt. Bởi vì tiếng Việt là mẹ mà bọn trẻ con sẽ học.

G thân!

Tôi không giờ quên được ánh mắt rạng rỡ của một người đàn ông khi nhìn thấy chúng tôi bước ra từ thang máy của khách sạn One Washington Ciercle giữa Thủ đô Washington. Việt Nam phải không? Reo lên rồi bắt đầu nói tiếng Việt như thể chưa bao giờ được nói. Ở một nơi ít người Việt sinh sống như Thủ đô Washington (cả khách sạn này có một mình anh là nhân viên phụ trách điện nước là người gốc Việt) cho nên được gặp người Việt, được nói tiếng Việt với người Việt mình là niềm vui không thể tả được.

Không đến nỗi phải thèm nói tiếng Việt như anh nhân viên người Việt vì anh Công sống ở San Francisco, nơi cộng đồng người Việt khá đông đảo, hơn nữa anh Công lại là cộng tác viên phiên dịch cho Bộ Ngoại giao Mỹ, làm nhiệm vụ dịch cho các đoàn công tác từ Việt Nam sang, nên việc của anh Công là chuyên nói tiếng Việt và thường xuyên gặp người Việt. Nhưng anh Công lại làm chúng tôi cảm động khi nghe anh kể rằng, bao nhiêu năm qua sống trên đất Mỹ, thế hệ thứ 3 của gia đình anh đã ra đời tại đây, mà trong gia đình vẫn giữ một nguyên tắc bất di bất dịch: Khi ở nhà tất cả mọi người đều phải nói tiếng Việt. Kể cả cô con dâu cũng không được trái nguyên tắc này. Đứa cháu nội của anh đẻ trên đất Mỹ lên 3 tuổi mà mỗi lần nói “monkey” thì đồng thời cũng phải biết gọi đó là “con khỉ”.

Người Việt dù ở đâu vẫn giữ hồn cốt Việt Nam của mình. Mà trí thức Việt kiều thì hẳn ai cũng thuộc câu nói của cụ Phạm Quỳnh: Tiếng Việt còn – nước ta còn. Vợ chồng GS văn học Trần Quí Phiệt – một người gốc Huế hiện định cư ở Mỹ đã nhiều lần lặn lội về Việt Nam tìm vợ cho con trai thứ chỉ với lý do duy nhất: Cô con dâu cả dù cũng là người Việt nhưng vì đã sống lâu trên đất Mỹ cho nên không còn giữ được nề nếp gia phong của một gia đình Việt, nhất lại là người gốc Huế. Mà “đau nhất” như lời GS Phiệt nói là cô con dâu không cho cháu nội ông nói tiếng Việt.

G ơi, thật là cảm động phải không khi ở nhiều nơi trên thế giới có kiều bào Việt Nam sinh sống, bà con đã có những cố gắng truyền bá tiếng Việt cho con em bằng nhiều hình thức. Thế hệ cha anh đã nỗ lực bằng nhiều cách duy trì để con cái được sống hoặc được học bằng ngôn ngữ Việt.

Khu Tiểu Sài Gòn của người Việt ở Mỹ, có những trường dạy tiếng Việt như trường Văn Lang chẳng hạn, lập ra những chương trình tiếng Việt, những giải khuyến học. Những người vốn là thầy cô giáo ở bên nhà sang đây đều họp nhau lại mở trường Việt ngữ. Rất nhiều trường như vậy ra đời. Phong trào dạy và học tiếng Việt này tác động rất mạnh ở vùng quận Cam, nơi mà đi suốt phố ta có thể hoàn toàn nói bằng tiếng Việt. Cũng có những phong trào phát động tìm hiểu lịch sử Việt Nam, các sinh viên tham gia rất nhiều. Giới trẻ mong muốn tìm hiểu nhiều về văn hoá Việt Nam qua cha anh và qua tư liệu thư viện. Con em dù học ngành gì vẫn luôn giữ và phát huy truyền thống hiếu học của người Việt.

Bởi vì với rất nhiều em, tiếng Việt là mẹ, tiếng Việt là quê hương!

Chào G nhé!

Hẹn gặp thư sau!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếng Việt là mẹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO