Tiếp cận giảm nghèo thông qua nội lực cộng đồng

Lan Hương 24/12/2016 14:00

Sau 3 tháng phát động, Hội thi “Phát huy sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua nội lực cộng đồng” vừa chính thức khép lại. Tuy chỉ là cuộc thi nhằm tạo sân chơi cho các nhóm, tổ nhóm cơ hội giao lưu, tìm hiểu, kết nối song kết quả thu được đã vượt qua ra ngoài sự mong đợi của ban tổ chức. Không chỉ đơn thuần là cuộc thi bình thường mà cuộc thi trở thành thương hiệu, chỗ dựa vững chắc cho các tổ nhóm cộng đồng trong hành trình vượt khó, giảm nghèo.

Phát huy nội lực của cộng đồng đề giảm nghèo.

Phát huy nội lực của nghèo từ hội thi

Là một trong 6 quốc gia được Liên hợp quốc đánh giá là hoàn thành trước thời hạn thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ và là điểm sáng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt nhiều thách thức trong việc bảo đảm tính bền vững trong giảm nghèo, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một trong những nội dung quan trọng mà Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đề ra là đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, phát huy tinh thần tự lực của người dân trong quá trình thực hiện giảm nghèo tại địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm, trong giai đoạn 2016 - 2020, khi thiết kế Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững cùng với việc tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng nghèo, tạo khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người dân, hỗ trợ tạo sinh kế cho người nghèo, quan tâm đến việc đổi mới cơ chế, cách làm thay vì hỗ trợ từ trên xuống bằng cách phân cấp, trao quyền cho địa phương, cho cơ sở và cho cộng đồng.

Xuất phát từ thực tế trên nhằm phát huy vai trò và nội lực của cộng đồng (đặc biệt là các nhóm phụ nữ DTTS) trong xây dựng và triển khai sáng kiến phát triển sinh kế gắn với tôn vinh giá trị sản phẩm bản địa, đảm bảo sự bền vững của môi trường, hướng tới sản xuất sạch để giảm nghèo bền vững và gia tăng giá trị cộng đồng.

Bên cạnh đó, thu hút, gắn kết, tăng cường và tôn vinh sự đóng góp, phối hợp giữa các tổ chức hội đoàn thể cấp trung ương và địa phương (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, cơ quan truyền thông, các cơ quan thực hiện hai CTMTQG, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ,… trong việc đảm bảo tính bền vững của các sáng kiến giảm nghèo bền vững tại cộng đồng Bộ LĐTB&XH đã phát động Hội thi “Phát huy sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua nội lực cộng đồng” (Hội thi).

Ảnh: Mạnh Dũng.

Người nghèo có thể đi tiên phong trong quá trình phát triển

Ngay sau khi Hội thi được phát động đã có 60 đội đến từ 16 tỉnh/thành phố đăng ký tham dự. Đến với Hội thi, nhóm chị Trần Thị Lý Ên (Sóc Trăng) đã giới thiệu mô hình Tín dụng vi mô Đồng Tâm. Được khởi điểm từ một nhóm phụ nữ tiết kiệm, chỉ với 18 thành viên đến nay tổ có 35 thành viên. Là tổ hợp tác đa canh gồm chăn nuôi bò sữa, trồng lúa, hoa màu và mua bán nhỏ nên số hội viên của tổ có ở khắp 8 ấp của xã.

Năm 2004, khi còn là tổ phụ nữ tiết kiệm, rồi sau đó là câu lạc bộ Khuyến nông với đa phần thành viên đều là hộ nghèo (chiếm gần 50%), góp vốn tiết kiệm hàng tháng với mức 10.000đ/chị. Từ số tiền đóng góp, chị em sử dụng cho vay luân chuyển trong thành viên, mức vay và lãi suất tự thỏa thuận, số tiền vay dùng để mua thức ăn, nguyên vật liệu sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, ban quản lý tổ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt... cùng với sự quản lý chặt chẽ, có sự thống nhất cao, rõ ràng từ việc ghi chép sổ sách, cân đối mức vốn vay theo từng thời điểm, phương thức tính lãi cho đến việc sử dụng tiền lãi để nhập vốn, duy trì hoạt động của tổ... nhờ đó mà nguồn vốn tiết kiệm tại chỗ không những phát huy hiệu quả, mà còn không ngừng được tăng lên qua các năm.

Đến năm 2010, câu lạc bộ được chuyển đổi nâng lên thành tổ hợp tác theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP ngày 10-10-2007 của Chính phủ với tên gọi Đồng Tâm. Đến nay sau 2 lần rút vốn, số vốn hiện nay của cả tổ là 214 triệu đồng, tổng đàn bò sữa được 80 con, diện tích trồng lúa và hoa màu là 35 ha.

Điểm nổi bật trong hoạt động của tổ là các thành viên được vay vốn theo nhu cầu và tự lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm và khả năng của hộ gia đình, số tiền một chị có thể vay tối đa hiện nay khoảng 25-30 triệu đồng và cam kết tốt trong việc hoàn trả gốc, lãi theo như quy định của tổ.

“Các thành viên trước đây tuy đa số là hộ nghèo nhưng ý thức tự vươn lên rất cao, qua những buổi sinh hoạt lệ của tổ, bên cạnh được tuyên truyền các kiến thức, các chị em còn được hướng dẫn kỹ năng và chia sẻ kinh nghiệm về cách sử dụng đồng vốn, từ đó các chị tự biết tính toán, cân đối cho phù hợp với điều kiện và nhu cầu phát triển kinh tế gia đình, đến nay tổ không còn hộ nghèo”- chị Trần Thị Lý Ên, tổ trưởng chia sẻ.

Với hiệu quả của mô hình đem lại nhóm đã được ban tổ chức trao giải Nhất. Đây chỉ là một trong mô hình điểm mang tới hội thi còn rất nhiều mô hình khác do chính người nghèo xây dựng và triển khai. Tuy chỉ ở quy mô nhỏ song cho thấy người nghèo có thể tự làm chủ và tự mình vươn lên thoát nghèo nếu có sự hỗ trợ về nội lực.

Đánh giá về các mô hình tại hội thi Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng cho rằng: Sức mạnh bên trong của người nghèo và các cộng đồng nghèo, kiến thức bản địa và sự sáng tạo vươn lên của họ nếu được huy động sẽ là yếu tố quyết định thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Các nhóm đã chứng minh được rằng, người nghèo có thể trở thành đối tác bình đẳng trên thị trường với các sản phẩm có tính cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị là điều kiện sống còn để cải thiện sinh kế. Thành công của các nhóm cho thấy, người nghèo có thể đi tiên phong trong quá trình phát triển.

Thực tế được theo dõi cuộc thi từ lúc phát động đến khi kết thúc có thể khẳng định rằng, tuy cuộc thi tổ chức còn nhỏ về quy mô song có thể thấy đây là cuộc thi rất có ý nghĩa vì nó trả lời được câu hỏi mấu chốt trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Làm thế nào để người nghèo có đủ năng lực, nhiệt huyết để phát huy khả năng để khẳng định vai trò chủ thể của mình, ra được quyết định trong sản xuất sinh doanh nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập qua đó thát nghèo. Đáng ghi nhận hơn cuộc thi đã khích lệ người dân, người nghèo, cộng đồng nâng cao vai trò, vị thế của mình trong cuộc chiến chống đói nghèo, không còn trông chờ vào chính sách cho không của nhà nước mà tự mình cũng có thể vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp cận giảm nghèo thông qua nội lực cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO