Tiếp lực cho doanh nghiệp

Duy Phương 15/11/2019 07:47

Nhìn lại năm 2018 và 10 tháng năm 2019, bức tranh môi trường kinh doanh của Việt Nam thực sự có những khởi sắc ấn tượng khi số lượng DN tư nhân thành lập mới tiếp tục tăng cao, xuất khẩu của khu vực tư nhân tăng trưởng ấn tượng. Đáng chú ý, nhiều DN tư nhân đã lớn mạnh bước chân vào các lĩnh vực đầu tư trọng điểm mà trước đây hầu như chỉ có sự tham gia của các DN nhà nước.

Nếu so với thời điểm trước, các DN tư nhân với quy mô vừa và nhỏ không thể đủ sức mạnh để thực hiện các công trình mang tầm quốc gia thì nay, cục diện đã thay đổi hoàn toàn. Nền kinh tế xuất hiện những tên tuổi như Vingroup, TH True milk... tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh tế, dấn thân vào những công trình lớn của quốc gia và đã mang lại những hiệu quả rõ nét.

Mặc dù vậy, cũng cần phải nhìn rõ một thực tế rằng, số DN buộc phải rời thương trường trong 10 tháng đầu năm 2019 cũng không hề nhỏ. Theo đó, 10 tháng đầu năm, cả nước có khoảng hơn 62 ngàn DN tuyên bố phá sản, ngừng hoạt động hoặc tạm ngừng kinh doanh… trước hết do môi trường kinh doanh tồn tại những rào cản nhất định.

Tình trạng DN xin giấy phép về đất đai hoặc muốn không bị thanh kiểm tra nhiều lần phải chi ra một khoản để “bôi trơn”. Có thể nói, chính những chi phí ngoài luồng hiện nay đang làm giảm sức cạnh tranh của DN, và kể cả thái độ làm việc của các cán bộ cơ quan quản lý cũng gây ra những rào cản khiến DN ngại tiếp cận…

Trên thực tế, không phủ nhận môi trường kinh doanh đã được cải thiện rất nhiều, trong đó phải kể đến việc các bộ, ngành nỗ lực cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh đã một thời gian “dài” trói DN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, số điều kiện kinh doanh được tháo gỡ, cắt giảm chưa nhiều, thậm chí có một số điều kiện kinh doanh sau sửa đổi còn gây thêm khó khăn hơn cho DN. Trong khi đó, vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho DN. Thậm chí, nhiều quy định được sửa đổi lại phát sinh thêm số lượng lớn thủ tục, hồ sơ so với những quy định trước đó.

Với đường lối và chính sách đúng đắn của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam một vài năm qua đã trở nên thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thời gian tới, các rào cản vẫn cần tiếp tục được tháo gỡ nếu muốn cộng đồng DN có thêm lực đẩy để nâng sức cạnh tranh cũng như đòn bẩy để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Và một trong những điểm nhà quản lý cần tháo gỡ ngay chính là phải tập trung vào các giải pháp giảm chi phí cho DN. Những chi phí rườm rà, chi phí bôi trơn đang là những sợi dây trói DN, khiến DN không thể hoạt động một cách ổn định. Chưa kể, nhiều DN khởi nghiệp mới bắt đầu nhen nhóm ý tưởng kinh doanh cũng cảm thấy e ngại khi phải đối diện với hàng loạt những “cửa ải” mà nhà quản lý đưa ra. Có thể thấy, chi phí ngoài luồng, các loại phí bôi trơn… cần phải được triệt tiêu vì chính những chi phí này kéo giảm sức cạnh tranh của DN, khiến nhiều DN khởi nghiệp thui chột ý tưởng sáng tạo.

Nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cũng như thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho một nền kinh tế phát triển bền vững, Chính phủ đã có nhiều động thái nhằm khuyến khích sự phát triển của cộng đồng DN. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra Thông báo 358/TB-VPCP yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần tập trung tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thống nhất hành động để bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đồng thời lồng ghép nội dung Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vào trong Dự thảo Chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực… hướng tới hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển con người; có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đổi mới, sáng tạo, phát triển việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn…

Động thái này của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Chính phủ đối với cộng đồng DN, luôn coi đây là trụ cột, là xương sống của nền kinh tế. Chúng ta biết rất rõ, nếu thiếu đi sức sáng tạo, sự đổi mới của cộng đồng DN, nền kinh tế sẽ bị suy yếu. Bởi vậy, cùng với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, động thái nói trên của Chính phủ nhằm hoàn thiện thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo sẽ góp phần vào việc giải phóng năng lực đổi mới sáng tạo cả cộng đồng DN, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển một cách ổn định và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp lực cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO