Tiếp sức cho ngư dân

H.Vũ (thực hiện) 23/11/2020 09:11

Không chỉ đánh bắt cá trên biển, ngư dân còn góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Vốn đã khó khăn, tác động của dịch Covid-19 càng làm cho ngư dân khó khăn hơn. Vậy, làm gì để tiếp sức cho ngư dân? Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam đã trao đổi với PV báo ĐĐK về vấn đề này.

Ông Nguyễn Việt Thắng trả lời phỏng vấn PV báo Đại Đoàn kết.

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết dư địa của ngành thủy sản của chúng ta hiện nay, nhất là sau dịch Covid-19?

Ông Nguyễn Việt Thắng: Mũi nhọn xuất khẩu thủy sản gần như kéo sản xuất nông nghiệp đi lên, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Sức lực của nhân dân và các doanh nghiệp bỏ ra rất nhiều, trong khi đầu tư của Nhà nước vẫn chưa thật mạnh mẽ. Đặc biệt với tình hình hiện nay trong dịch Covid-19, ngành thủy sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thị trường ngày càng khó tính do các nước nhập khẩu kiểm soát rất chặt chẽ. Có thể nêu ví dụ, vừa qua Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu thủy sản của một số nước do bao bì bên ngoài có dính virus SARS-CoV-2.

Mục tiêu của tôm là xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2020 nhưng giờ chưa được 4 tỷ USD. Tuy nhiên nếu nói tiềm năng thì năm 2021 có thể là rất lớn, vì hải sản là không có trần. Chỉ có thịt bò, thịt gà, thịt heo mới có trần. Nhưng việc chúng ta đi vào thị trường cao hay thấp còn phụ thuộc vào chất lượng của sản phẩm. Làm được một sản phẩm đã khó, làm nhiều nhưng để bán được cũng không hề đơn giản.

Từ thực tế đó, thời gian tới chúng ta cần có những thay đổi trong thị trường cũng như chính sách hỗ trợ cho xúc tiến thương mại, thưa ông?

- Tôi cho rằng đầu tiên từng ngành hàng cần phải nhìn lại để đồng bộ. Rồi các vấn đề về hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, nguồn lợi thủy sản… và cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Thủy sản có thế mạnh khi doanh nghiệp và người dân luôn có ý thức bám sát thị trường, nhưng hiện cơ sở hạ tầng ở ta còn yếu kém, đặc biệt là cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng, khai thác, khoa học công nghệ nhất là bảo vệ nguồn lợi, đa lợi sinh học. Bởi nếu không đảm bảo nguồn lợi, hàng ngàn con tàu đi đánh bắt vậy làm sao lấy cá đâu mà đánh. Hay như vấn đề khoa học công nghệ cho đội tàu, kỹ thuật khai thác, dự báo ngư trường, dự báo thiên tai, phòng ngừa thiên tai, kỹ sư giúp cho việc khai thác có hiệu quả cao hơn. Những cái này đầu tư của Nhà nước vẫn chưa cao.

Chưa kể, sản xuất của ta có tính đơn lẻ. Do đó cần phải tổ chức lại sản xuất, gắn với tổ hợp tác, hợp tác xã, gắn kết chuỗi với nhà chế biến, xuất khẩu. Nghĩa là xây dựng chuỗi để phục vụ cho sản xuất, liên kết ngang với nhà chế biến, nhà nuôi trồng, khai thác. Phải tăng cường chuỗi mới tạo nên sức mạnh vượt qua khó khăn. Đây là lúc cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn lại tổng thể, từ đó chọn ra bước đi tích cực hơn, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ cùng một số chính sách tín dụng để tiếp sức cho người dân. Phải mạnh từ nội lực, nhân dân thì mới phát triển bền vững.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngư dân đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Theo ông có cần gói hỗ trợ riêng cho ngư dân?

- Trong chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất, có mặt bình đẳng theo thị trường nhưng có mặt cần phải có tính ưu tiên. Cần phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá là cảng cá. Nếu giá cả không hợp lý, người dân có quyền trữ lại. Muốn vậy phải có đầu tư của Nhà nước về kho lạnh. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường xã hội hóa. Đừng nghĩ cảng thì Nhà nước phải đầu tư. Bây giờ cảng cũng có thể cho tư nhân đầu tư.

Tôi nói ví dụ như tại sao chúng ta cho các doanh nghiệp bất động sản vay hàng nghìn tỷ đồng xong “đóng băng” ở đấy. Vậy tại sao không cho các doanh nghiệp vay để làm cảng cá, phục vụ cho sản xuất vươn khơi? Đó là điều đáng suy nghĩ. Ngư dân ra biển là đi liền một lúc hai nhiệm vụ, vừa an sinh vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Ngư dân luôn tự nguyện, tự giác ra khơi đánh cá. Vì thế cần phải ưu tiên cho họ.

Hiện nay ngư dân muốn ra khơi đánh cá phải đi vay vì không đủ tiền, phải vay qua “đầu nậu”. Khi về phải bán cá cho “đầu nậu” thì họ mới cho vay tiếp, còn lỡ có vấn đề gì thì họ cũng sẵn sàng cho vay nữa. Chúng ta cần đặt vấn đề, vậy thì tại sao Nhà nước không làm được việc này? Cho nên, rất cần Ngân hàng Nhà nước, ngành nông nghiệp, hội nghề nghiệp xã hội của Trung ương và các tỉnh cần có chính sách mới để hỗ trợ cho ngư dân.

Thẻ vàng của EU đang là vấn đề khiến xuất khẩu thủy sản khó khăn khi vào thị trường này. Theo ông làm sao để gỡ thẻ vàng?

- Đây đúng là một việc còn đang khó. Cơ sở hạ tầng của ta còn yếu, bộ máy quản lý chưa tốt, trong ngư dân vẫn còn hiện tượng vi phạm. Chúng ta cần phải giải quyết hài hòa 3 vấn đề này. Có thể cần nhiều thời gian để giải quyết tổng thể nhưng trước mắt cần tuyên truyền sâu rộng hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn để ngư dân ta không đánh bắt bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp sức cho ngư dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO