Tiếp tục đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy

Nguyễn Đức Bảo Minh 04/10/2017 09:10

Trong mấy nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện như: Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII) “Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước”; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”; N


Cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối để tinh gọn bộ máy, phục vụ người dân tốt hơn.

Qua thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn; chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định và điều chỉnh hợp lý hơn; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của Đảng chưa thật sự tinh gọn. Một số ban, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng với cơ quan chuyên môn của Nhà nước; còn một số tổ chức đảng không có chính quyền cùng cấp, không lãnh đạo nhiệm vụ chính trị và không quyết định về công tác cán bộ nên vai trò lãnh đạo bị hạn chế. Một số ban chỉ đạo còn có một số nhiệm vụ chồng chéo, trùng lắp với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương, hiệu quả hoạt động còn hạn chế.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp ủy tỉnh, cấp ủy huyện chưa được cụ thể hóa đầy đủ. Số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy ở các cấp vẫn còn cao và chất lượng không đồng đều, cơ cấu chưa thật hợp lý. Hiệu quả lãnh đạo của một số cấp ủy còn hạn chế; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu, nhất là ở cơ sở. Công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên ở một số địa bàn trọng yếu và trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương chưa thực sự hợp lý; số bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ tuy đã giảm, nhưng vẫn còn nhiều. Một số cơ quan quản lý nhà nước chưa được phân cấp mạnh mẽ; sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ; hoạt động của bộ máy nhà nước chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả. Các đơn vị hành chính địa phương nhìn chung quy mô quá nhỏ, chia cắt, nhất là cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố. Số lượng, cơ cấu, chất lượng đại biểu các cơ quan dân cử còn một số bất cập.

Việc thành lập văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội cấp tỉnh đã làm tăng đầu mối trực thuộc Văn phòng Quốc hội và phát sinh một số bất cập về công tác cán bộ, quản lý cán bộ. Cải cách hành chính còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ, hiệu quả; tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế. Còn nhiều ban chỉ đạo liên ngành, ban quản lý dự án ở Trung ương và địa phương; việc đầu tư cho công nghệ thông tin, viễn thông, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác quản lý hành chính ngày càng lớn, nhưng tổ chức bộ máy và biên chế không giảm.

Tổ chức bộ máy và hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội đổi mới còn chậm; một số nhiệm vụ còn trùng lặp và có biểu hiện nhà nước hóa về tổ chức, hành chính hóa trong hoạt động và công chức hóa đội ngũ cán bộ chuyên trách. Cơ cấu cán bộ, công chức còn bất cập giữa các cấp và trong từng cơ quan; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp cơ sở hạn chế. Nội dung và phương thức hoạt động chưa theo kịp tình hình; có lúc, có nơi chưa sâu sát cơ sở, chưa thiết thực, hiệu quả. Cơ chế phân bổ tài chính đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn có một số bất cập. Tổ chức công đoàn ở một số cơ quan hành chính chưa phù hợp. Tổ chức các hội quần chúng được lập nhiều ở các cấp nhưng chất lượng hoạt động còn hạn chế và vẫn phải dựa vào kinh phí của Nhà nước.

Nguyên nhân của tình hình trên có cả khách quan, nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan sau: Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về những hạn chế, yếu kém của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị có liên quan trực tiếp đến vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng. Việc quản lý tổ chức bộ máy và biên chế của cả hệ thống chính trị chưa được tập trung thống nhất về một đầu mối.

Chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích sắp xếp bộ máy, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, lợi ích cục bộ; một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và hành động thiếu quyết liệt. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; chưa có chế tài xử lý nghiêm đối với tập thể cấp ủy, chính quyền và cá nhân, nhất là người đứng đầu. Việc sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, khen thưởng, kỷ luật chưa kịp thời, nghiêm minh.

Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc các yêu cầu sau:
Một là, việc kiện toàn tổ chức của hệ thống chính trị phải đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Hai là, sắp xếp, thu gọn đầu mối các tổ chức trong hệ thống chính trị và các đơn vị hành chính phải gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp.
Ba là, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển. Không nhất thiết các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có mô hình và quy mô tổ chức bộ máy giống nhau.

Bốn là, những việc đã rõ, cần thực hiện và có thể thực hiện được thì phải thực hiện ngay; những việc mới, chưa có tiền lệ và chưa được quy định nhưng thực tiễn đòi hỏi, thì phải mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện.

Năm là, giữ vững các nguyên tắc tổ chức và đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Sáu là, có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và có lộ trình, bước đi phù hợp; làm tốt công tác chính trị tự tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Để tiếp tục đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cần tâp trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Quy định chặt chẽ về biên chế, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút người có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị.
Hai là, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức trong hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa cấp trên và cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực, phòng, chống tham nhũng bằng các quy chế, quy định bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra, đề cao trách nhiệm giải trình.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin; khai thác hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin đã được đầu tư phục vụ lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Năm là, thực hiện giao và quản lý chặt chẽ biên chế đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị trên cơ sở phân loại tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức.

Sáu là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị; xây dựng chế tài và xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, người đứng đầu không thực hiện đúng các quy định.

Bảy là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện Nghị quyết. Bố trí nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những cán bộ, công chức, viên chức bị tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức.

Tám là, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án cụ thể, khả thi để sắp xếp các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở Trung ương và địa phương theo hướng giảm đầu mối, xác định rõ trách nhiệm, khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO