Tiếp tục thâm hụt ngân sách vì oan, sai

Hải Phong 21/04/2016 09:05

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm (tính từ tháng 10/2015) các cơ quan chức năng đã thụ lý 15 vụ việc đòi bồi thường nhà nước, ra quyết định giải quyết 12 vụ với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng (trong đó 1 vụ người có lỗi tự nguyện bồi thường, 5 vụ đang đề nghị cấp kinh phí, 6 vụ đương sự không đồng ý nên khiếu nại hoặc khởi kiện). 

Dư luận hết sức xót xa vì tiền thuế của dân vẫn đang tiếp tục được dùng để “chuộc lỗi” cho việc làm oan, sai của các cơ quan tố tụng.

Nỗi oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) vừa khổ dân vừa thiệt ngân sách. Ảnh: TL.

Theo quy định tại Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, kinh phí bồi thường cho người bị oan sai sẽ được ứng từ tiền ngân sách của Trung ương và địa phương, mà thực chất đó là tiền thuế của dân. Sau đó mới tùy theo mức độ “cân nhắc” của “Hội đồng xem xét mức độ hoàn trả” để quyết định xem người có lỗi gây oan, sai cho người vô tội phải hoàn trả lại ngân sách số tiền là bao nhiêu trong tổng số kinh phí nhà nước đã ứng ra để bồi thường. Thậm chí, nếu là lỗi “vô ý” thì sẽ không phải hoàn trả ngân sách.

Tiền không phải do các cán bộ, công chức thực hiện tố tụng gây oan, sai trực tiếp “móc hầu bao” chi trả, mà đã có ngân sách “bảo lãnh”. Ấy vậy mà tiến độ bồi thường cho những người bị oan, sai vẫn hết sức chậm chễ, điển hình là vụ bồi thường án oan đối với ông Huỳnh Văn Nén.

Chính Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bốn khi nhận xét về tình hình bồi thường oan, sai kể từ khi luật có hiệu lực cũng đã thẳng thắn thừa nhận: “Nhiều vụ giải quyết bồi thường quá chậm chạp. Một số vụ đã phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng một số cơ quan liên quan né tránh bồi thường, tạo rào cản, gây bức xúc cho người bị thiệt hại và xã hội”.

Tạm bỏ qua việc chậm chễ hay “né” bồi thường của những cá nhân, hoặc cơ quan tố tụng gây oan, sai, mà chỉ bàn đến việc hàng năm có hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của dân đã “đội nón ra đi” vì trình độ nghiệp vụ non yếu, vì sự thiếu trách nhiệm, vì hành vi cố ý gây oan, sai cho người vô tội của một số cán bộ, công chức nhà nước là điều khó có thể chấp nhận. Không thể có chuyện một điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán mắc “lỗi vô ý” do trình độ non kém, bởi nếu không đủ trình độ vì sao lại được bổ nhiệm vào những vị trí đó?

Chính Khoản 2, Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã tạo ra lỗ hổng lớn giúp không ít cán bộ, công chức thực hiện tố tụng làm bừa, làm ẩu rồi đổ lỗi cho khách quan, do trình độ non yếu...

Dư luận cho rằng, nếu không có quy định “mắc lỗi vô ý” không phải bồi thường thì từng cá nhân hay các cơ quan tố tụng sẽ thận trọng hơn trong khi “làm án”. Các cơ quan nhà nước sẽ không thể tùy tiện trong khâu xét tuyển cán bộ, công chức, bổ nhiệm các chức danh tố tụng như kiểm sát viên, thẩm phán... để rồi lại dẫn đến những “lỗi vô ý” khiến tiền thuế của dân bị tiêu hao.

Chưa kể là ngay cả khi các cá nhân phạm lỗi cố ý gây oan, sai phải hoàn trả một phần số tiền ngân sách đã ứng ra bồi thường thì theo thống kê của Bộ Tư pháp tỷ lệ thu hồi tiền ngân sách cũng rất khiêm tốn, nếu như không muốn nói là gần như rất khó hoặc không thể thu hồi. Hy vọng trong lần soạn thảo Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) tới đây, Bộ Tư pháp sẽ đưa ra được những giải pháp rốt ráo cho vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục thâm hụt ngân sách vì oan, sai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO