Tiếp vụ lùm xùm chỉ định dự án KCN Nam Tân Tập nghìn tỷ: Long An vận dụng hay 'lách' luật để chỉ định nhà đầu tư?

Bình Minh 06/08/2021 12:30

Luật Đấu thầu và Nghị định 25/2020 yêu cầu phải đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư nếu có từ 2 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, để tránh việc đấu thầu, UBND tỉnh Long An đã không đưa KCN Nam Tân Lập vào danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, để “lách” sang các thủ tục của Luật Đầu tư 2014.

Làm rõ quỹ đất trên 244ha tại KCN Nam Tân Lập

KCN Nam Tân Tập có tổng diện tích 244,74 ha tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam tại Quyết định số 1107 ngày 21/8/2006.

Theo giải trình của UBND tỉnh Long An, trong khu vực quy hoạch dự án KCN Nam Tân Lập các loại gồm: Đất ở 11 ha; đất sản xuất phi nông nghiệp 74,4ha; đất kênh rạch 15ha; đất nghĩa địa 0,5 ha; đất trồng lúa 111 ha; đất trồng cây lâu năm 20ha; đất nuôi trồng thủy sản 6ha; đất giao thông 2,04 ha; đất trồng cây hằng năm 4,8 ha.

Tại thời điểm lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Nam Tân Lập, có 4,51 ha đất xây dựng công trình nhà máy đã được tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong diện tích 4,51 ha này, ngoài một phần nhỏ phải thu hồi để làm hạ tầng kỹ thuật thì phần diện tích còn lại thuộc 171,28 ha là đất kho tàng, nhà máy theo quy hoạch.

Theo giải trình khi làm dự án KCN Nam Tân Lập, buộc phải chuyển đổi 111ha đất trồng lúa; 20ha đất trồng cây lâu năm; 6ha đất nuôi trồng thủy sản; 4,8 ha đất trồng cây hằng năm. Tuy nhiên, theo tỉnh Long An, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, toàn bộ diện tích dự án KCN Nam Tân Lập đã được quy hoạch đất công nghiệp.

Đồng thời chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của tỉnh còn lại đến thời điểm hiện tại là 4.815 ha, đất nuôi trồng thủy sản còn lại 2.820 ha, chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm là 9.054 ha…

Điều đáng nói ở một dự án xây dựng Khu công nghiệp Nam Tân Tập có quy mô trên 244 ha với tổng mức đầu tư dự kiến trên 2.590,422 tỷ liên quan đến việc quỹ sử dụng đất rất lớn, cơ quan chức năng của Long An cần phải cẩn trọng trong quá trình thực hiện thì ngược lại đưa ra lý do xét chọn nhà đầu tư theo phương án lập Hội đồng sẽ mất nhiều thời gian, để rồi chỉ định nhà đầu tư với nhiều hoài nghi của dư luận.

“Việc nói mất thời gian, mất cơ hội đầu tư để chỉ định nhà đầu tư thay vì xét chọn là không có căn cứ và trái ngược với tình hình thực tế. Cơ hội đầu tư trong dự án này đang rất tốt vì có tới 5 nhà đầu tư có nhiều năng lực, kinh nghiệm tham gia đề xuất được thực hiện dự án. Thế nên không lý do gì không xét chọn theo tiêu chí rõ ràng, minh bạch”, vị chuyên gia phân tích.

Bộ Xây dựng khẳng định, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án phải tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu, đầu tư, đất đai và các quy định hiện hành khác của pháp luật.

Vận dụng hay “lách” luật để chỉ định nhà đầu tư ở dự án nghìn tỷ?

Theo phân tích của các chuyên gia pháp lý, việc tỉnh Long An dẫn chứng dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và Nghị định 25/2020/NĐ-CP, nhưng thực tế nó phụ thuộc vào chính công tác quản lý UBND tỉnh Long An.

Cụ thể, khoản 3, Điều 1, Luật Đấu thầu 2013 liệt kê phạm vi điều chỉnh có bao gồm dự án đầu tư có sử dụng đất, nghĩa là dự án đầu tư có sử dụng đất thì phải áp dụng Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, như trường hợp của KCN Nam Tân Lập.

Tại Điều 1, Luật Đấu thầu 2013 nêu rõ: “Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất”.

Ngoài ra, Nghị định 25/2020 cũng yêu cầu phải đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư nếu có từ 2 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.

Tại Điều 10, Nghị định 25/2020 nêu hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư có sử dụng đất buộc áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước trong trường hợp dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên. Tuy nhiên, để tránh việc đấu thầu, UBND tỉnh Long An đã không đưa KCN Nam Tân Lập vào danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, để lách sang các thủ tục của Luật Đầu tư 2014.

Ngay quy định tại Luật Đầu tư 2020, chủ trương đầu tư của dự án sẽ không chỉ định nhà đầu tư mà chỉ xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư đấu thầu. Sau đó, địa phương căn cứ vào Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư chứ không như Long An lý giải.

Một chuyên gia pháp lý khác cũng cho rằng, ở đây UBND tỉnh Long An đã “vận dụng” để né tránh trực tiếp quy định của pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhưng vẫn phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư khi xin chủ trương đầu tư cho dự án.

Nếu áp dụng Luật Đầu tư 2014, vẫn có khả năng liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng được chỉ định sẽ được giao luôn chủ trương đầu tư.

“Nếu áp dụng Luật Đầu tư 2020, chủ trương đầu tư của dự án sẽ không chỉ định nhà đầu tư mà chỉ xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư “đấu thầu”. Sau đó, địa phương căn cứ vào Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, bởi vì Luật Đầu tư 2020 đã phân định rất rõ lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây: Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu; Chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này”, luật sư phân tích.

Ngay ý kiến của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 112/BXD-HĐXD ngày 13/01/2021 về thẩm định chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Nam Tân Tập, Long An, cũng yêu cầu: “Việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án phải tuân thủ quy định của pháp luật về Đầu tư, Đất đai, Đấu thầu và các quy định hiện hành khác của pháp luật”.

Như vậy, có căn cứ để xác định rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư phải theo quy định pháp luật hiện hành, tức Luật Đầu tư 2020, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu 2013 sửa đổi, Nghị định 25/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Kiểm toán “bêu tên“ Long An nhiều sai sót trong quản lý đất đai

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020. Long An là một trong những tỉnh bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra điểm chưa phù hợp. Trong đó, đáng chú ý là việc phê duyệt chủ trương đầu tư và đấu thầu.

Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ tỉnh Long An phê duyệt chủ trương đầu tư khi dự án chưa lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, giãn tiến độ đầu tư cho các dự án trên 24 tháng chưa phù hợp, không thẩm định về điều kiện giao đất, cho thuê đất quy định tại một số dự án, văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất thiếu các nội dung theo quy định; điều chỉnh chủ trương đầu tư, mục tiêu dự án từ khu tái định cư sang khu dân cư, tái định cư chưa có quyết định cơ quan thẩm quyền, giao đất, cho thuê đất theo tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng chưa phù hợp với tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.

Ngoài ra, một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đấu thầu và các luật chuyên ngành vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình thực hiện. Một loạt hoạt động liên quan đến đầu tư, đấu thầu của tỉnh Long An cũng bị Kiểm toán Nhà nước nêu, là không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư 189; chưa thực hiện đấu thầu dịch vụ công ích theo quy định; chưa thực hiện kê khai đầy đủ, kịp thời tiền thuê đất phải nộp một lần...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp vụ lùm xùm chỉ định dự án KCN Nam Tân Tập nghìn tỷ: Long An vận dụng hay 'lách' luật để chỉ định nhà đầu tư?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO