Tiếp xúc nhiều với mạng xã hội: Tác hại khó lường đến con trẻ

An Chi 31/03/2021 17:33

Theo các chuyên gia tâm lý, vấn đề trẻ tiếp xúc nhiều với mạng xã hội xấu độc không chỉ làm thay đổi tâm lý mà dần dần quá trình biến đổi tâm lý này sẽ chuyển thành bệnh lý, kéo theo những tác hại vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ sau này.

Hệ lụy tức thời

Hiện nay, tình trạng nhiều trường hợp đến khám do trẻ sử dụng các thiết bị thông minh kéo dài trong thời gian cách ly đã dẫn đến các biểu hiện như: Trẻ thay đổi cảm xúc, tính tình, dễ cáu gắt, bồn chồn, cãi lại người lớn, chểnh mảng trong việc học tập, không chơi với bạn bè, ít nói hơn, thường ngủ muộn…

Một trường hợp trẻ nam 8 tuổi ở Tân Mai, Hà Nội sau khi liên tục xem các video livestream chơi game được đưa tới bệnh viện khám với các triệu chứng như trên kèm theo các triệu chứng nặng nề hơn, đó là: Trẻ liên tục nhìn thấy những hình ảnh trong game là một hình ảnh mặt người cười nhe răng, đe dọa trẻ, luôn theo sát trẻ và làm hại trẻ (bóp cổ), trẻ luôn la hét, cảm thấy hoảng sợ. Từ một học sinh học giỏi, nay trẻ không thể học được, luôn có các hành vi bất thường như đấm đá lung tung, chửi bới, đêm không dám ngủ…

Trước đó tháng 11/2020, một bé trai 8 tuổi tại Đồng Nai được phát hiện tử vong ở phòng tắm trong tình trạng treo lơ lửng sát tường, nghi vấn nạn nhân học theo một trò chơi “thử thách MoMo” trên mạng. Liên tiếp các trường hợp được báo cáo vì bắt chước mạng ảo, tử vong thật ở trẻ em...

Dấu hiệu chuyển sang bệnh lý

Không chỉ tác hại trực tiếp từ việc xem và bắt chước các nội dung xấu độc từ mạng xã hội mà nó còn gây ra những tác hại từ từ, mạn tính, dẫn đến những biến đổi trong sự phát triển bình thường của não bộ ở trẻ em, có nguy cơ khởi phát những khiếm khuyết các chức năng tâm thần, gây ra các bệnh lý tâm thần ở trẻ.

Bộ não của trẻ không giống bộ não của người lớn, liên tục phát triển, đặc biệt là sự hoàn thiện của vùng vỏ não trước trán với các chức năng điều hành (lập kế hoạch, tổ chức, giám sát, kiểm soát), chức năng kiểm soát hành vi và cảm xúc. Sự phát triển của vỏ não trước trán ở người trưởng thành có thể kéo dài đến 23-26 tuổi. Khi trẻ liên tục xem những video độc hại sẽ ảnh hưởng đến phát triển của vỏ não, dẫn đến giảm tập trung chú ý, giảm trí thông minh, cảm xúc, nghiện công nghệ, sống cách ly xã hội, ảnh hưởng đến phát triển nhận thức ở trẻ.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, khi trẻ tiếp nhận thông tin từ các video, não bộ của trẻ sẽ suy giảm khả năng tưởng tượng, sự suy đoán và cảm xúc. Hệ quả là trẻ dễ dàng tiếp nhận các thông tin được đưa ra mà không trải qua quá trình phản biện hay tự điều chỉnh để thích nghi như các phương thức tự nhiên. Trẻ dễ dàng nghiện các nội dung trên mạng internet như nghiện game, facebook, youtube... Tỷ lệ nghiện các chứng này trên toàn thế giới ước tính khoảng 6%, và ở một vài vùng lãnh thổ tỷ lệ này có thể lên tới 11%. Nghiện internet dẫn tới các triệu chứng của chứng tăng động- giảm chú ý (ADHD) và ngược lại, trẻ có ADHD cũng dễ nghiện internet hơn.

Theo nghiên cứu tại Hoa Kỳ, 90% thanh niên ở nước này sử dụng các mạng xã hội như facebook, twitter, snapchat và instagram và hầu hết truy cập các trang này hàng ngày. Tuy nhiên, nghịch lý là việc sử dụng mạng xã hội lại làm tăng sự cô lập xã hội (nghĩa là thiếu kết nối xã hội và mối quan hệ chất lượng với người khác). Điều này liên quan đến sức khỏe kém, cảm giác trầm cảm và cô đơn, giảm lòng tự trọng và tự tin, vấn nạn về sự bắt nạt và hội chứng mạo danh trên mạng xã hội, gia tăng tỷ lệ tử vong.

Thời gian sử dụng thiết bị tăng lên, thời gian đọc giảm xuống, ảnh hưởng xấu đến phát triển nhận thức và não bộ. Ở trẻ sơ sinh, đây là yếu tố dự đoán các vấn đề về hành vi. Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi, thời gian dùng thiết bị có liên quan đến phát triển ngôn ngữ ban đầu kém hơn.

Trẻ từ lứa tuổi mẫu giáo trở lên, phương tiện kỹ thuật số hướng đến học tập tích cực có thể mang tính giáo dục, nhưng chỉ khi có sự tương tác của cha mẹ hoặc giáo viên.

Trẻ từ 8 đến 12 tuổi có thể gặp vấn đề về giảm kết nối tín hiệu giữa các vùng não kiểm soát nhận dạng từ, kiểm soát ngôn ngữ và nhận thức. Nguyên nhân của các vấn đề trên là do giảm tính toàn vẹn của các đường dẫn chất trắng và chất xám cần thiết cho việc đọc và ngôn ngữ.

Khi tiếp xúc với các nội dung xấu, não bộ của trẻ sẽ sản sinh ra cortisol, đây là một chất sinh ra khi gặp căng thẳng. Sự tăng sinh cortisol kéo dài và lặp lại dẫn đến tăng các chất khác như dopamine và morphin nội sinh. Đây là cơ sở gây ra các triệu chứng nghiện và tâm thần.

Cần làm gì để giúp trẻ tránh tiếp xúc với các thông tin xấu độc trên mạng xã hội?

Để giảm thiểu rủi ro liên quan đến công nghệ cho trẻ cha mẹ cần hạn chế việc sử dụng mạng xã hội của chính bản thân mình trước. Trẻ em nên quen với việc nhìn thấy khuôn mặt của bố mẹ, chứ không phải hình ảnh bố mẹ cúi đầu nhìn màn hình. Theo đó, cha mẹ hãy:

  • Thiết lập những khu vực không có công nghệ trong nhà hoặc giờ không sử dụng các thiết bị điện thoại, kể cả bố và mẹ.
  • Dành toàn bộ sự chú ý của bạn cho con cho tới khi ra khỏi cửa đi làm.
  • Cố gắng trì hoãn độ tuổi sử dụng lần đầu của trẻ.
  • Nếu trẻ sử dụng các thiết bị thông minh, hãy nên là bạn của con, theo dõi con, học cách tin tưởng con.
  • Hãy giúp con xây dựng lòng tự trọng lành mạnh, sự biết ơn và khuyến khích trẻ tham gia một thứ gì đó mà chúng quan tâm.
  • Khi trẻ học được cách hài lòng về những gì mình có thể làm thay vì ngoại hình và những gì trẻ sở hữu, chúng hạnh phúc hơn và chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống thực.

Cha mẹ cần phải làm gì để bảo vệ trẻ trước mạng xã hội?

Chúng ta không thể ngăn cấm con tuyệt đối việc sử dụng vi tính, điện thoại, vì nếu ngăn cấm có khi lại gây ra phản ứng ngược. Việc cha mẹ nên làm là quản lý và quan tâm các con nhiều hơn. Tuy nhiên qua tham khảo học hỏi thì có một số việc mà cha mẹ nên tham khảo để bảo vệ con trước mạng xã hội như:

Kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội: việc “ép” con từ bỏ sử dụng mạng xã hội là điều khó có thể làm được trong “một sớm một chiều”. Điều tốt nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm đó là hạn chế hết mức tối đa việc con “đốt” thời gian vào các trang mạng xã hội. Cha mẹ có thể lập ra quy tắc “mỗi ngày có 1 tiếng cho việc sử dụng mạng xã hội trong 1 khung giờ cố định” để áp dụng cho cả gia đình. Hoặc có thể là những trò chơi mà mọi người có thể vui đùa cùng nhau để con quên đi việc đang ở trong khung giờ “vàng” - thời gian duy nhất có thể sử dụng mạng xã hội trong ngày.

Cần gẫn gũi quan tâm đến tâm tư, sở thích của con: khuyến khích con làm những gì con thích và theo đuổi đam mê của mình. Bằng cách này, cha mẹ sẽ khiến con thực sự quên đi việc hao tốn thời gian và năng lượng của bản thân vào các trang mạng xã hội vô bổ. Thay vào đó là tích lũy cho con những kĩ năng mới và phát triển khả năng sáng tạo của con từ các lớp học ngoại khóa.

Hướng con vào các hoạt động thể thao: Hướng con tham gia vào hoạt động thể thao như đá bóng, bơi lội,cầu lông, bóng bàn để trẻ có thể thư giãn và thoải mái, rèn luyện sức khỏe. Cha mẹ cần tổ chức những buổi gia đình cùng nhau rèn luyện thể thao trong 30-60 phút. Sau thời gian, việc vận động thân thể sẽ trở thành thói quen của con, để tránh tình trạng trẻ dành thời gian ngồi lướt mạng xã hội.

Cuối cùng nếu sử dụng tất cả những giải pháp thì, chắc chắn rằng khó có thể khiến con “từ bỏ” mạng xã hội. Nhưng những điều này có thể khiến con hạn chế tối đa hết mực việc con tiếp xúc với mạng xã hội, lâu dần sẽ tạo cho thói quen với các thú vui khác và quên đi những trang mạng xã hội “vô bổ”. Cha mẹ nên cho con làm quen với các hoạt động mới để giúp con phát triển một số kỹ năng mới, gặp gỡ thêm những người bạn mới và từ đó có thể khiến con hoàn thiện bản thân hơn cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Mỗi cha mẹ có cách dạy con khác nhau, mỗi đứa trẻ có tính khí khác nhau. Nhưng tình cảm yêu thương và sự quan tâm thì luôn được trẻ con cảm nhận giống nhau. Nên việc cần làm là cha mẹ hãy dành nhiều thời gian cho trẻ. Làm bạn với trẻ qua mạng xã hội để theo từng bước đi và nắm bắt tâm tư của trẻ, để có sự can thiệp đúng lúc nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp xúc nhiều với mạng xã hội: Tác hại khó lường đến con trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO