Tiết trời nồm ẩm ướt, trẻ em dễ đổ bệnh

P.Vân (tổng hợp) 28/03/2021 14:00

Trong thời tiết nồm ẩm, nhóm bệnh chủ yếu ở trẻ thời điểm này là bệnh viêm phổi, tiểu phế quản, hen…; đặc biệt với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản.

Miền Bắc đang trong những ngày nồm ẩm ướt. Tiết trời nồm, ẩm ướt kéo dài khiến người dân cảm thấy vô cùng khó chịu. Độ ẩm không khí quá cao, nền nhà, tường đều chảy nước, nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi phát triển là những tác nhân khiến trẻ em đổ bệnh. Nếu trẻ không được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Theo Sức khỏe đời sống, các bác sĩ cho biết, nhóm bệnh chủ yếu ở trẻ thời điểm này là bệnh viêm phổi, tiểu phế quản, hen… Đặc biệt với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết này do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát.

Do đó, việc giữ vệ sinh môi trường sống cho trẻ tránh nguy cơ mắc bệnh cần được coi trọng.

Không nên sử dụng thảm trải sàn

Trước tình hình thời tiết ẩm ướt, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai khuyến cáo, với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo.

Trong phòng ngủ của trẻ nên dùng máy hút ẩm, quần áo khi mặc nên sấy, là khô lại nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ. Trong phòng cũng không nên sử dụng thảm trải sàn.

Đặc biệt cần chú ý tới những tủ sách lâu năm trong gia đình. Đã có rất nhiều trường hợp lên cơn hen cấp tính phải nhập viện, sau khi cho trẻ chơi, đọc những quyển sách đó khiến trẻ hít phải bụi, mốc từ sách và lên cơn hen.

Thay chăn ga thường xuyên

Nếu độ ẩm không khí tăng cao, hãy đóng kín cửa để hạn chế không khí ẩm vào nhà. Không lau nhà bằng khăn ướt mà dùng các khăn khô thấm hút nước tốt lâu khô sàn nhà. Thay chăn ga thường xuyên để phòng ẩm, nấm mốc ở chăn ga có thể là dị nguyên gây bệnh cho trẻ.

Không mặc quần áo ẩm

"Tuyệt đối không được mặc quần áo ẩm cho trẻ mà phải sấy, là khô nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ"- TS Dũng nhấn mạnh.

Trong nhà nên xếp các đồ dễ bị ẩm mốc lên cao, không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Để thoáng gầm giường, tủ… để tránh mọc nấm mốc không biết.

Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với thời tiết, nên rất dễ nhiễm bệnh. Vì thế, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra phản ứng cơ thế của trẻ. Trẻ cần được uống đủ nước và ăn đồ ăn dễ tiêu hoá, ăn nhiều hoa quả để tăng sức đề kháng, phòng bệnh.

Bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ giúp thực phẩm an toàn khi sử dụng

Chú ý an toàn thực phẩm khi trời nồm ẩm

Ngoài đảm bảo sức khỏe, việc bảo quản thức ăn cũng rất quan trọng. Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc tấn công thực phẩm làm giảm giá trị dinh dưỡng, dẫn tới các bệnh về đường tiêu hóa, ngộ độc… gây nguy hại cho sức khỏe. Bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ giúp thực phẩm được an toàn hơn khi sử dụng.

Các loại thực phẩm nếu bảo quản kém sẽ sản sinh ra các loại nấm như nấm xanh, nấm có mũ... đều chứa chất aflatoxin, chất cực độc đối với sức khỏe con người. Ngoài việc gây ngộ độc cấp tính (liều gây tử vong khoảng 10mg), độc tố aflatoxin còn được xem là nguyên nhân gây xơ gan và ung thư gan.

Trong khi đó, aflatoxin rất bền với nhiệt. Khi đem lạc mốc rang lên, dù ở nhiệt độ rất cao, các bào tử nấm mốc bị tiêu diệt, nhưng độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy hoàn toàn. Trong các loại lương thực thực phẩm như lạc, ngô, hạt sen... thì lạc chiếm tỷ lệ mốc và chứa chất độc này cao nhất.

Nấm mốc phát triển trên rau củ quả, gạo đỗ, lạc... gây biến đổi màu sắc, mùi vị, giảm chất lượng, dinh dưỡng. Nấm mốc, vi khuẩn các loại nhanh chóng làm thối rữa hoa quả, rau, hạt ngũ cốc.

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mùa nồm cần lưu ý: Không để đồ ăn qua đêm bên ngoài, mà phải bảo quản trong tủ lạnh. Nếu lỡ để quên qua đêm thì không nên tiếc để dùng lại mà nên bỏ đi.

Thực phẩm mua về, hoặc dùng xong cất ngay vào tủ lạnh. Nên cho thực phẩm vào tủ lạnh khi còn tươi nhất. Các loại thực phẩm có mùi như bơ, pho mát, cá… cần bọc nilon mới cho vào tủ lạnh.

Thực phẩm đã nấu chín chỉ nên để trong tủ lạnh từ 1 - 2 ngày. Nên sử dụng hết thực phẩm sau khi đã được nấu chín, vì chỉ hơi ẩm cũng dễ xuất hiện các loại mốc tại các điểm hở nhỏ. Sau khi rã đông thực phẩm cần phải dùng ngay.

Trong điều kiện ở nông thôn, miền núi không có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm thì chỉ nên mua ít thực phẩm, không tích trữ lưu cữu thức ăn, thực phẩm để phòng nấm mốc gây ngộ độc. Thực phẩm mua về nên bảo quản ở nơi thoáng mát, hoặc có thể cho vào túi nilon rồi ngâm vào chậu nước lạnh.

Bát đũa sau khi rửa nên trải đều ra cho mau khô. Tốt nhất, trước khi dùng nếu thấy thớt, đũa vẫn còn ẩm thì nên tráng lại bằng nước nóng hoặc hơ qua lửa để sấy khô đũa, thớt, diệt vi khuẩn, nấm mốc.

Bác sĩ khuyến cáo chăm sóc trẻ khi trời nồm

Để bệnh không biến chứng nặng, khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp với các dấu hiệu ho, sốt, sổ mũi, khó thở… các bậc cha mẹ cần cho trẻ đi khám bệnh kịp thời với các bác sĩ chuyên khoa. Trong quá trình điều trị cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để nâng cao sức để kháng, vệ sinh mũi họng sạch sẽ tránh mầm bệnh còn lưu trong cơ thể lâu hơn.

Ngoài ra, cần kiểm soát dấu hiệu bệnh nặng lên theo nhịp thở nhanh khi trẻ đang nằm yên, không khóc, không bú. Chú ý quan sát nhịp thở của trẻ, thông thường trẻ dưới 2 tháng, nhịp thở nhanh khi nhịp thở của trẻ trên 60 lần; 2 tháng đến 1 tuổi, nhịp thở nhanh khi trên 50 lần; trẻ trên 1 tuổi đến 5 tuổi, nhịp thở nhanh khi trên 40 lần. Trẻ sốt được điều trị nhưng không thuyên giảm, ăn uống kém, trẻ bị li bì hoặc kích thích… thì gia đình cần đưa đi cơ sở y tế.

Cha mẹ cần chú ý vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống phù hợp cho trẻ và tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh; đưa con đi tiêm phòng đầy đủ để tạo miễn dịch cho trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiết trời nồm ẩm ướt, trẻ em dễ đổ bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO