Tiêu chết - người dân lo lắng

Nguyễn Tuấn Anh 22/10/2016 11:27

Hơn 2 năm nay, ngày nào ông Lê Cảnh Hương (thôn 1, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cũng ra vườn với tâm trạng không vui vì vườn tiêu hơn 600 trụ của gia đình ông đang cho kinh doanh năm thứ 4, đến nay chết hơn 250 trụ.

Vườn tiêu của gia đình ông Hương xơ xác sau khi nhiễm bệnh.

Ông Hương lo lắng: Khi phát hiện vườn tiêu có hiện tượng chết nhanh, chết chậm tôi đã đi mua thuốc và mời các kỹ thuật viên về kiểm tra vườn tiêu để tìm giải pháp cứu chữa thế nhưng dù đã mua rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ bệnh và cứu chữa nhưng vườn tiêu vẫn chết.

Từ nguồn thu cà phê, hồ tiêu mỗi năm hơn 250 triệu đồng thì năm 2015 tiêu chết, cà giảm năng suất gia đình ông chỉ thu về hơn 150 triệu đồng. Hiện vườn tiêu của gia đình ông tiếp tục nhiều trụ có hiện tượng vàng lá và chết dần và có dấu hiệu dừng lại.

Không chỉ vườn tiêu gia đình ông Hương mà nhiều hộ dân trong thôn cũng đang lo lắng khi vườn tiêu đang cho thu nhập cao cứ chết dần chết mòn mà không tìm ra nguyên nhân.

Theo thống kê trên địa bàn huyện Cư Mgar chỉ tính riêng năm 2015, toàn huyện đã có hơn 1.600 hec ta tiêu bị bệnh chết. Nhưng năm 2016 bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng, người dân vẫn ồ ạt xuống giống trồng tiêu.

Mặc dù biết trồng hồ tiêu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Song với tâm lý cây nào cho thu nhập cao thì người dân sẽ đổ xô trồng theo bất chấp khuyến cáo khiến cho các cơ quan chức năng không thể ngăn cản.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2020 toàn huyện có 3.000ha trồng tiêu nhưng đến nay, thống kê chưa đầy đủ, diện tích trồng tiêu đã lên đến gần 7.000ha và đang tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Mặc dù ngành nông nghiệp đã có những khuyến cáo bà con để giảm bớt rủi ro thiệt hại trong việc phát triển nóng cây tiêu, nhưng cho đến nay thì huyện vẫn không thể kiểm soát được vì người dân chỉ chăm chăm chạy theo giá cả thị trường.

Để hỗ trợ người dân huyện đã mở thêm các lớp tập huấn để hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng tiêu mang lại hiệu quả cao nhất.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, tính đến hết tháng 9/2016 trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 1.822ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh. Trong đó, diện tích tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh là hơn 507 ha; vàng lá chết chậm: 1.038 ha; rệp sáp hại rễ: 73,6ha, tuyến trùng: 191,4ha...

Diện tích hồ tiêu bị bệnh tập trung chủ yếu ở các huyện Cư M’gar, Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ. Phía Chi cục Bảo vệ thực vật đang tích cực cử cán bộ xuống cơ sở giúp người dân triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Còn tại Đắk Nông, nhiều hộ dân trồng tiêu đang hoang mang khi vườn tiêu của gia đình đang cho thu nhập ổn định cũng bắt đầu nhiễm bệnh và chết dần.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực, hiện toàn tỉnh có hơn 2.349 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh; trong đó, diện tích nhiễm bệnh chết nhanh là 642 ha, bệnh chết chậm: 852,855 ha và bệnh tuyến trùng: 855,5 ha.

Diện tích hồ tiêu bị bệnh tập trung chủ yếu ở các huyện Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Mil, Cư Jút và Krông Nô đã gây thiệt hại đáng kể cho người trồng hồ tiêu.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, tiêu là loại cây trồng rất dễ bị sâu bệnh gây hại, trong đó loại bệnh nguy hiểm nhất là thối gốc, chết dây hay còn gọi là chết nhanh.

Bệnh này chủ yếu do nấm Phytophthoracapsici gây ra, có thể tấn công, gây hại tất cả bộ phận và các giai đoạn sinh trưởng của cây tiêu, gây thiệt hại có khi lên tới 100% vườn tiêu...

Nguyên nhân sâu xa là do người dân xử lý đất không tốt trước khi trồng tiêu; trồng ở những vùng đất không phù hợp như đất trũng; đầu tư thâm canh quá mức bằng các loại phân bón hóa học khiến đất bị chai, nghèo dinh dưỡng; việc mở rộng diện tích nhanh mà không chú trọng đến kỹ thuật chăm sóc… cũng tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, nấm phát triển mạnh, gây hại cho vườn tiêu.

Để chủ động phòng trừ sâu bệnh cho cây hồ tiêu, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp canh tác như: chọn đất thoát nước tốt; làm đất kỹ, dọn sạch tàn dư thực vật; thường xuyên cắt tỉa những cành vô hiệu, cành lươn, cành sát mặt đất để tạo độ thông thoáng cho vườn cây.

Vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom tàn dư cây bệnh đi tiêu hủy để tránh lây lan; nên trồng cây họ đậu giữa hàng tiêu, không trồng xen cây họ cà, bí đỏ. Bên cạnh đó cần thiết kế rãnh thoát nước trong các hàng tiêu, xung quanh vườn hồ tiêu, phá bỏ các bờ ngăn nhằm giúp thoát nước trong mùa mưa, tránh để ứ đọng nước trong bồn…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiêu chết - người dân lo lắng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO