Tiểu thương Đà Nẵng ngày đầu đi chợ bằng thẻ

Thanh Tùng 13/08/2020 08:08

Không chỉ những người bỏ mối sỉ và lẻ các mặt hàng khách nhau cho hệ thống chợ trên địa bàn Đà Nẵng gặp khó khăn mà nhiều người đi chợ cũng lúng túng.

Tổ quản lý chợ Cây Me (phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Đà Nẵng), thu thẻ hồng của người đi chợ trong ngày 12/8.

Ghi nhận của chúng tôi ngày 12/8, tại hầu hết các chợ trên đia bàn Đà Nẵng là số lượng người đi chợ không giảm nhiều so với các ngày trước đó. Tuy nhiên, do người Đà Nẵng có thói quen đi chợ ngày nào ăn ngày đó nên việc sử dụng thẻ (thẻ hồng đi chợ ngày chẵn, thẻ xanh đi chợ ngày lẻ) để mua thực phẩm, rau quả khiến nhiều người lúng túng. Không ít phụ nữ xách giỏ đến chợ phải quay về vì tổ dân phố chưa kịp phát thẻ.

Chợ Cây Me (phường Phước Ninh, quận Hải Châu) là chợ nhỏ nhưng nằm ở khu vực trung tâm nhất của Đà Nẵng nên nhu cầu đi chợ hàng ngày của người dân rất cao. Chấp hành chỉ đạo của TP và của địa phương, Tổ Quản lý chợ thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra thẻ của người đến chợ.

Ngày đầu tiên áp dụng hình thức đi chợ bằng thẻ nhằm đảm bảo giãn cách xã hội ở mức cao, phòng, chống lây lan dịch Covid-19 là ngày 12 (ngày chẵn), theo quy định thì thẻ vào chợ có màu hồng nhưng vẫn có người mang theo thẻ xanh đến chợ phải quay về.

Dù quen mặt những người cung cấp hàng sỉ và lẻ cho tiểu thương trong chợ nhưng Tổ Quản lý chợ Cây Me cũng cũng kiên quyết không cho họ đưa hàng hóa vào chợ vì không có thẻ.

Việc cùng một lúc mua lượng thực phẩm, rau quả gấp 3 bình thường cũng khiến không ít người nội trợ phải lúng túng.

Bà Nguyễn Thị Phong ở đường Trần Kế Xương cho biết, sáng nào bà cũng đi chợ Cây Me, mua thịt, cá rau quả đủ dùng trong ngày nhưng việc phải mua gấp 3 lần lượng rau quả, thực phẩm trong một lần đi chợ buộc gia đình bà phải cân nhắc.

Gia đình bà Phong là lao động bình thường, đi chợ bữa nào ăn bữa đó, giờ phải mua cùng lúc gấp 3 lần cũng khó khăn về tài chính. Thêm nữa, mua nhiều cũng không biết để vào đâu vì nhà chỉ có cái tủ lạnh bé tí.

Tại chợ đầu mối Hòa Cường, chúng tôi gặp anh Trần Viết Phong, chuyên đưa thơm (dứa), mít, chuối xanh từ Đại Lộc (Quảng Nam) ra cung cấp cho chợ cũng phải lái xe quay về vì đến cổng chợ mới biết là không có thẻ, không được vào.

Ban Quản lý chợ Cồn (lớn nhất Đà Nẵng) cho biết, ngày đầu tiên áp dụng sử dụng thẻ vào chợ, sức mua ở chợ này giảm khoảng 15 đến 20% nhưng nhân viên ở đây phải rất vất vả hướng dẫn, phổ biến cho người đi chợ và tiểu thương về chủ trương của TP trong phòng, chống dịch.

Tiểu thương gặp khó khăn, người đi chợ hàng ngày của Đà Nẵng lúng túng, bỡ ngỡ trong ngày đầu tiên đi chợ bằng thẻ nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, mọi người dân Đà Nẵng đều không phàn nàn nhiều về việc này. Người Đà Nẵng đồng thuận cao nhất với mọi chủ trương, giải pháp của chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh.

Như tin đã đưa, ngày 11/8, Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng Nguyễn Bắc Hà đã có công văn gửi Công ty Quản lý các chợ và UBND các quận, huyện về việc phân chia tần suất đi chợ đối với tất cả hộ gia đình cư trú trên địa bàn nhằm đảm bảo giãn cách xã hội, phòng chống lây lan dịch Covid-19.

Theo đó, mỗi hộ gia đình được phát 15 thẻ để đi chợ trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 12/8. Giám đốc Sở Công thương cũng yêu cầu các quận, huyện in thẻ (ngày chẵn màu hồng, ngày lẻ màu xanh) để phát cho hộ gia đình.

Mỗi hộ gia đình chỉ được dùng thẻ (ngày chẵn, ngày lẻ) để đi chợ 3 ngày/lần, không được đi liên tiếp 2 ngày liền nhau.

Cùng với các biện pháp phòng, chống dịch như đo thân nhiệt, buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn; 56 phường xã thuộc 7 quận, huyện của Đà Nẵng cũng tổ chức các đội giám sát, giữ lại thẻ vào chợ của hộ dân để phục vụ điều tra dịch tễ. Đà Nẵng hiện có 2.038 địa bàn dân cư với 295.418 hộ dân (bình quân 145 hộ/ địa bàn).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiểu thương Đà Nẵng ngày đầu đi chợ bằng thẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO