Tiểu thuyết 'Hà Hương phong nguyệt' gây tranh luận ở lần tái bản

Theo VnExpress 16/06/2018 18:50

Xuất bản trở lại sau hơn 100 năm, tác phẩm có số phận "truân chuyên" của Lê Hoằng Mưu tiếp tục gây chú ý.

Tiểu thuyết 'Hà Hương phong nguyệt' gây tranh luận ở lần tái bản

Tiểu thuyết "Hà Hương phong nguyệt" được in lại sau khoảng một thế kỷ.

Sáng 16/6, nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình như Cao Tự Thanh, Võ Văn Nhơn, Trần Nhật Vy, Phan Mạnh Hùng, Trần Lê Hoa Tranh, Hà Thanh Vân… cùng tham gia tọa đàm "Hà Hương phong nguyệt - Tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam".

Một lần nữa, tác phẩm tạo ra không khí tranh luận sôi nổi. Nếu trước đây, cuốn sách mở ra trận bút chiến nhìn nhận xem nó có phải "dâm thư", thì nay, hậu thế bàn về câu hỏi: Hà Hương phong nguyệt có phải là tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam không?

Hà Hương phong nguyệt từng được in "feuilleton" (truyện đăng báo dài kỳ) trên báo Nông cổ mín đàm từ số 19 ngày 20/7/1912 đến số 53 ngày 19/6/1915 (chưa kết thúc). Đến 1914 về sau, tiểu thuyết được in thành sách. Tác phẩm đã gây nên cuộc tranh cãi kịch liệt trong giới văn chương thời bấy giờ, bị gán là "dâm thư", trái với quan niệm thuần phong mỹ tục giai đoạn đó. Thậm chí, có người còn lên án tác giả Lê Hoằng Mưu: "Một đứa tội nhơn lớn nhứt của nước An Nam" (Công luận báo, số 48, 1928). Chính quyền thuộc địa Pháp tại Nam kỳ ra lệnh tịch thu và tiêu hủy sách.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn đã cất công sưu tầm, chỉnh lý và hiệu đính, giúp Hà Hương phong nguyệt có cơ hội đến với bạn đọc ngày nay. Ông cho rằng tác phẩm là tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên của văn đàn nước nhà. Để minh chứng, ông dẫn lại công trình Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 - 1930 của tác giả Bằng Giang. Ông cũng dẫn lại phần trả lời của nhà văn Nam Bộ Bình Nguyên Lộc trong một cuộc phỏng vấn: "Cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc là một cuốn sách mà thoạt đầu cha tôi cấm không cho đọc vì cho là dâm thư, đó là cuốn Hà Hương phong nguyệt truyện của Lê Hoằng Mưu. Cuốn này được xuất bản vào khoảng năm 1917, và tôi tin đó cũng là cuốn tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên của Việt Nam".

Nhận định của nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn ngay lập tức dấy lên tranh luận. Việc in lại tiểu thuyết được tác giả Trần Nhật Vy đánh giá "đáng là một sự kiện". Tuy nhiên, theo ông việc câu văn ghi trên bìa sách “Tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam Bộ” khiến ông cảm thấy có cái gì đó "lướng vướng". Trần Nhật Vy đưa ra một loạt dẫn chứng, là những định nghĩa về tiểu thuyết từ một số tài liệu như Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên, Việt Nam tân tự điển của tác giả Thanh Nghị, Tự điển Việt Nam phổ thông của tác giả Đào Văn Tập. Nhất là trong Đại Nam quấc âm tự vị in ở Sài Gòn năm 1895 - 1896, ông Huỳnh Tịnh Của định nghĩa tiểu thuyết là "chuyện nói chơi, sách nói về chuyện ngoài, chuyện đặt để", chứ không có chữ "truyện dài". Trần Nhật Vy kết luận: "Trước cả khi ông Lê Hoằng Mưu biết cầm viết, tiểu thuyết đã xuất hiện rồi".

Trước đó, trong một bài báo vừa công bố, nhà thơ Lê Minh Quốc cũng bác bỏ nhận định cho rằng Hà Hương phong nguyệt là tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên. Dựa trên những tài liệu đã công bố, xét trên cách hành văn với phong cách biền ngẫu, câu chữ du dương, nhịp nhàng vần điệu của sách, Lê Minh Quốc xem đây là truyện thơ, một sự nối dài của truyện thơ nôm khuyết danh như Lâm truyền kỳ ngộ, Phạm Công - Cúc Hoa, Chàng Chuối tân truyện, Thạch Sanh, Lưu nữ tường…

Còn nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh cho rằng "kỳ cục" khi đặt câu hỏi Hà Hương phong nguyệt có phải là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam không. Theo ông, thay vào đó, nên tranh luận liên quan đến những vấn đề chuyên môn của tác phẩm như khái niệm tiểu thuyết được định nghĩa dựa trên những tiêu chí nào, thế nào là văn học đại chúng, thế nào là văn học tinh hoa… Ông bày tỏ: "Đến nay, chúng ta mới có một văn bản hoàn chỉnh, tương đối đọc được, đáng tin cậy về tiểu thuyết này. Vậy trong suốt 100 năm qua, nó được bao nhiêu người thừa kế. Nó có là đầu tiên hay không, không quan trọng nữa. Chúng ta không nên đặt vấn đề như vậy”.

Nhà văn Lê Hoằng Mưu (1879-1941) còn có bút hiệu Mộng Huê Lầu, là nhà văn, nhà báo nổi tiếng Nam Bộ trong những năm đầu của thế kỷ 20. Ông nổi tiếng trong làng báo Sài Gòn từ những năm 1910-1915 và là một trong số các cây bút tiểu thuyết thuộc giai đoạn phôi thai ở Nam Kỳ...

Hà Hương phong nguyệt được sáng tác theo lối văn biền ngẫu. Tác phẩm là câu chuyện về cuộc đời trôi nổi của Hà Hương, một cô gái tài sắc hơn người. Thuở mười tám đôi mươi, Hà Hương được gả cho Nghĩa Hữu, con trai một gia đình giàu có trong vùng. Mới giáp mặt, cả hai đã nhanh chóng nên duyên vợ chồng. Tuy nhiên, chẳng bao lâu vợ chồng tan rã vì thói đam mê cờ bạc của Hà Hương. Say đắm sắc đẹp của Hà Hương, Nghĩa Hữu không đành lòng xa người đã đầu ấp tay gối với mình. Đến khi Nghĩa Hữu được gia đình cưới cho Nguyệt Ba - người sinh cùng ngày và cũng là hàng xóm của Hà Hương, kịch tính tác phẩm bắt đầu xảy ra.

Ở bản in mới, sách được chia thành hai phần. Phần đầu là sáng tác của Lê Hoằng Mưu. Phần sau là phụ lục, gồm các tài liệu liên quan đến cuốn tiểu thuyết này như cuộc bút chiến quanh tác phẩm, một số bài nghiên cứu về Hà Hương phong nguyệt. Tác phẩm dừng lại ở thời điểm hai nhân vật chính là Hà Hương và Nghĩa Hữu mất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiểu thuyết 'Hà Hương phong nguyệt' gây tranh luận ở lần tái bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO