Tìm cách khôi phục thị trường lao động

Lê Bảo 12/03/2022 11:22

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 xảy ra liên tục trong 2 năm qua đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, tỷ lệ người lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, sự dịch chuyển lao động lớn gây thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương…

Để khôi phục thị trường lao động, cần triển khai những giải pháp hỗ trợ đồng bộ.

Đề xuất tăng giờ làm thêm

Theo thống kê hiện có khoảng 95% người lao động (NLĐ) trên cả nước đã đi làm trở lại. Một số đơn vị, địa phương NLĐ đi làm trở lại sau Tết đạt tỷ lệ cao như: Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Tây Ninh, Phú Thọ, Hà Nội,... Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 để điều trị, cách ly do dịch Covid-19 khá cao như: Hải Phòng trên 42.000 người; Bắc Giang 22.000 người… do vậy đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn. Trong khi đó, dự báo nhu cầu sử dụng lao động năm 2022 tại các địa phương cho thấy, với việc các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước, nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành có xu hướng tăng lên.

Trước thực tế trên tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/3, Chính phủ đề xuất nâng số giờ làm thêm của người lao động lên không quá 72 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm, áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động, trong đó đề xuất nâng số giờ làm thêm trong 1 tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và số giờ làm thêm trong 1 năm là không quá 300 giờ được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết là khác so với Bộ luật Lao động năm 2019. Theo quy định pháp luật hiện hành, việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Lao động thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Nhưng trong bối cảnh đặc biệt, đáp ứng yêu cầu cấp bách, đồng thời để việc triển khai chính sách hỗ trợ được tiến hành trong thời gian sớm nhất, kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 xem xét, quyết định thông qua.

Cần những giải pháp hỗ trợ đồng bộ

Trước đề xuất trên của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Xã hội và các ý kiến tham gia thẩm tra cơ bản đều đồng tình với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về biện pháp hết sức đặc biệt này như là một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%. Đồng thời, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa (2 hoặc 3 tháng).

Để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát các đối tượng và các ngành, nghề, công việc, trường hợp khác mà việc tăng mức trần thời giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không đáp ứng được yêu cầu làm việc… để quy định (theo hướng loại trừ). Đồng thời đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa.

Cùng với giải pháp tăng giờ làm thêm nhiều chuyên gia cho rằng, để ổn định thị trường lao động về lâu dài cần có những nghiên cứu tổng thể để từ đó triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ NLĐ và DN.

“Về lâu dài, cần có nghiên cứu tổng thể, khách quan, toàn diện về thực trạng đời sống của NLĐ tại các khu nhà trọ để thiết kế và đề xuất các chính sách dài hạn cho đối tượng LĐ nhập cư. Xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về TTLĐ và việc làm để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu LĐ, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đồng thời phục vụ cho công tác phân tích, dự báo cung - cầu LĐ” - ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cách khôi phục thị trường lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO