Tìm cách nâng cao năng lực doanh nghiệp nhà nước

H.Hương 02/04/2021 00:22

Nâng cao hiệu quả cũng như vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là mong muốn của nhà quản lý cũng như bản thân DN. Tuy nhiên, khối DN này cũng bộc lộ nhiều hạn chế khi cơ chế quản trị DN còn chậm đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến thấp.

Thép sản xuất trong nước được cho là nhiều tiềm năng nhưng vẫn không phát huy được lợi thế.

Sử dụng công nghệ tụt hậu

Thực tế cho thấy, sự phát triển khu vực DNNN hiện nay đang đặt ra rất nhiều vấn đề về hiệu quả cũng như chất lượng. Trong đó nổi lên vấn đề nắm nhiều tiềm lực về vốn, đất đai chưa tỷ lệ thuận với phần trăm đóng góp nguồn lực GDP. Cụ thể, hiện DNNN đóng góp gần 40% GDP, phần còn lại 60% GDP là đóng góp từ DN tư nhân và DN FDI. Trong khi đó, khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho khối DNNN.

Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhận xét, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, hiệu quả hoạt động của DNNN hạn chế, đóng góp chủ yếu là từ DN tư nhân và DN FDI.

Cụ thể ở ngành điện tử, 95% kim ngạch xuất khẩu đến từ khối DN FDI. Trong ngành dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng chiếm vị trí quan trọng nhưng chủ yếu sử dụng lao động phổ thông, tính lan tỏa và giá trị gia tăng không cao, chưa có tác động bền vững đối với môi trường.

Đối với ngành thép, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) khả năng cạnh tranh thấp, chi phí sản xuất cao, năng suất thấp.

Hay như Tổng Công ty Cơ khí xây dựng, Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp đều lỗ. Tổng Công ty Máy và Thiết bị nông nghiệp (VEAM) hoạt động hiệu quả không phải do hoạt động sản xuất kinh doanh mà chủ yếu là từ chia lãi liên doanh…

4 giải pháp đột phá

Hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ nghiên cứu xây dựng Đề án: “Phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho DN thuộc các thành phần kinh tế khác phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới. Do vậy, cách nào để đưa khối doanh nghiệp này thực sự mạnh?

Theo ông Nguyễn Đức Trung, có 4 giải pháp đột phá nhằm củng cố và phát triển tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Thứ nhất, tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Thứ hai, mạnh dạn trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số.

Thứ ba, xác định rõ một cơ quan có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống DNNN. Thứ tư, tạo cơ chế chính sách để Nhà nước hoặc DNNN tham gia phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, mang tính mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới thông qua việc sử dụng nguồn lực của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hoặc cùng phối hợp với các DNNN khác.

Còn ông Nguyễn Quang Tuấn (Ban Nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) khuyến nghị, trước hết, cần mở rộng quyền tự chủ cho DNNN, chuyển đổi chính sách từ quản lý đầu vào sang quản lý mục tiêu và quản lý dựa trên kết quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm cách nâng cao năng lực doanh nghiệp nhà nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO