Tìm 'đường bơi' cho thủy sản xuất khẩu

Ngọc Quang 08/09/2022 07:04

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8/2022 cao hơn 54% so với tháng 8/2021. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mức tăng trưởng có được do tháng 8 năm ngoái là tháng đỉnh dịch Covid-19 ở khu vực Đồng bằng sông cửu Long. Trong bối cảnh đó, sản xuất thủy sản bị gián đoạn và xuất khẩu rơi xuống mức thấp nhất năm.

Tôm sú, mặt hàng thủy sản xuất khẩu giá trị cao của Việt Nam.

Vẫn theo VASEP, sau khi duy trì ở mức trên 1 tỷ USD liên tiếp từ tháng 3 tới tháng 6, sang tháng 7 xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã giảm xuống dưới 1 tỷ USD và tiếp tục chiều hướng này trong tháng 8/2022 với doanh số 917 triệu USD, thấp hơn 3% so với kim ngạch trong tháng 7/2022. Tuy thế, tính chung 8 tháng năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,557 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm trước (năm rất khó khăn do dịch Covid-19).

Điểm sáng là xuất khẩu cá tra. Trong tháng 8/2022 vẫn giữ được phong độ ổn định với kim ngạch trên 187 triệu USD. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ thị trường Nga xuất khẩu cá tra bị giảm 12%, còn các thị trường lớn đều tăng: kim ngạch cá tra sang Trung Quốc tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, đạt gần 500 triệu USD, chiếm 29%; xuất khẩu cá tra sang Mỹ chiếm 25% với 428 triệu USD, tăng 90%.

Tuy nhiên, sau khi đạt mức cao trên 100 triệu USD vào tháng 3 và tháng 4, xuất khẩu cá ngừ giảm dần trong các tháng tiếp theo. Tới tháng 8/2022, xuất khẩu cá ngừ đạt 85 triệu USD, chỉ tương đương với doanh số trong tháng 7. Tính chung 8 tháng năm 2022, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 734 triệu USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc 8 tháng mang về gần 480 triệu USD.

Trong tháng 8, nhuyễn thể có vỏ (chủ yếu là ngao) có tăng trưởng âm, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm tụt dốc nhiều nhất trong các sản phẩm thủy sản, từ mức cao đỉnh điểm 456 triệu USD hồi tháng 5, tới tháng 8 thì hạ xuống còn 356 triệu USD. Trong tháng 8, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 33%; Trung Quốc giảm 13%. Với tốc độ tuột dốc nhanh sang Hoa Kỳ, lũy kế xuất khẩu tôm 8 tháng đầu năm sang thị trường này đã giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại thời điểm này, Việt Nam vẫn đang đứng đầu thế giới trong lĩnh vực chế biến tôm xuất khẩu. Nhưng theo TS Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch VASEP, thì sản phẩm tôm của Việt Nam trong mấy năm gần đây phải cạnh tranh rất vất vả với hàng giá rẻ từ Ấn Độ và Indonesia, nhất là Ecuador. Tại thị trường Mỹ, sản phẩm tôm Việt Nam phần lớn nằm ở phân khúc hàng giá trị gia tăng nên chỉ chiếm khoảng 10% thị phần; trong khi đó Ấn Độ và Indonesia chiếm khoảng 20% mỗi nước, còn Ecuador chiếm tới 40%.

Về nguyên nhân, theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản Minh Phú, do chi phí sản xuất tôm nguyên liệu của Việt Nam quá cao. So với Ấn Độ và Indonesia cao hơn khoảng 30%, so với Ecuador cao hơn từ 2,5 - 3 lần. “Có thể chỉ 5 - 10 năm nữa Việt Nam sẽ mất vị thế dẫn đầu trong chế biến tôm. Để tránh sớm bị “vượt mặt” trong lĩnh vực này, Việt Nam cần đầu tư ngược lại vào khâu nuôi để giảm giá thành, duy trì sức cạnh tranh cao trên thị trường” - ông Quang khuyến cáo.

Theo VASEP, sau khi tăng “nóng” từ 39% đến 62% trong 4 tháng đầu năm, từ tháng 5/2022 đến nay, xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu hạ nhiệt, tốc độ tăng trưởng chậm lại. Nguyên nhân được cho là do thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm làm ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản, gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi khiến cho sản lượng tôm giảm, đồng thời nguồn hàng dự trữ từ năm ngoái cũng đã cạn dần. Trong khi đó, sản xuất tôm nguyên liệu trong nước đang gặp khó khăn vì thời tiết và các chi phí quá cao, do vậy sẽ tiếp tục thiếu hụt tôm nguyên liệu trong nửa cuối năm.

Còn với cá tra có xu hướng chững lại ở một số thị trường, do người tiêu dùng nhiều nước thắt chặt chi tiêu do lạm phát, mà chuyển sang các sản phẩm có giá thấp hơn. Lượng hàng tồn kho tại thị trường các nước nhập khẩu thủy sản của Việt Nam là khá lớn, dẫn đến việc hạn chế nhập khẩu.

Vì thế, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8/2022 cao hơn 54% so với tháng 8/2021, thì cũng không hẳn đã mừng vì thị trường các nước nhập khẩu trong những tháng còn lại của năm 2022 chững lại do tác động của lạm phát, suy thoái. Con số mới nhất từ Mỹ cho biết, tháng 8, lạm phát ở mức 8,1%. Còn tại Liên minh châu Âu (EU), chỉ số lạm phát là 8,6%. Riêng nước Anh, lạm phát đã lên tới 10,1%.

Điểm sáng xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm của Việt Nam được cho là thị trường Trung Quốc; khi quốc gia này có dấu hiệu mở cửa trở lại nền kinh tế. Khi đó, nhu cầu sẽ tăng nhanh vì người tiêu dùng Trung Quốc vốn đã tín nhiệm các mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhất là tôm, cá ngừ, bạch tuộc, mực, cá tra...

Quyết định số 985/QĐ-TTg ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030, nêu rõ: Mục tiêu chung của Chương trình là phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nuôi trồng thủy sản; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn 2021-2025: Đến năm 2025, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 5,6 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình 4,0%/năm. Giai đoạn 2026-2030: Đến năm 2030, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7,0 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình trên 4,5%/năm.

Theo Quyết định 985, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm điều phối và tổ chức thực hiện chương trình trên phạm vi cả nước; bố trí kinh phí thường xuyên cho hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổ chức hội thảo/hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm 'đường bơi' cho thủy sản xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO