Tìm đường cho xe buýt

Đoàn Xá 29/10/2016 09:15

Xe buýt được coi là phương tiện giao thông thân thiện với người dân đô thị, nhất là những đô thị lớn, đông dân như TP.HCM, Hà Nội. Tuy nhiên, tới nay số người sử dụng xe buýt giảm mạnh. Đâu là nguyên nhân và đâu là giải pháp tháo gỡ?

Theo TS Phạm Sanh- một chuyên gia về giao thông và hạ tầng thì với TP HCM, để xe buýt trở thành sự lựa chọn của người dân với thành phố quá đông đúc này thì cần lựa chọn đầu tư vào một số tuyến quan trọng. Với khoảng 160 tuyến cùng hàng ngàn xe, thật khó để phát triển tất cả nếu không ưu tiên một số tuyến cố định. Tại các tuyến trọng điểm, xe buýt phải nhận được sự trợ giúp tối đa để hành khách chắc chắn rằng, đi xe buýt cũng như đi phương tiện cá nhân, hoàn toàn chính xác về thời gian và địa điểm.

-Nếu áp dụng cho tất cả các tuyến xe buýt là bất khả thi nhưng với khoảng 10 đến 15 tuyến, việc này hoàn toàn có thể. Đặc biệt, các tuyến ưu tiên này sẽ chạy dọc theo những trục đường chính, những địa điểm công cộng đông người để thu hút khách. Việc này sẽ ít nhiều thay đổi tư duy của hành khách, bằng chính những kết quả vận tải mà các tuyến thí điểm đó mang lại- theo ông Sanh.

Cùng với việc phát triển xe buýt có trọng tâm, một trong những giải pháp cấp bách không kém để vực dậy xe buýt là trợ giá. Tuy nhiên, phương thức trợ giá, các tuyến được trợ giá và DN trợ giá phải minh bạch, công khai để tránh trường hợp ngân sách bị trục lợi, người đi xe buýt lại không được hưởng đúng quyền lợi của mình. “Về cơ bản, xe buýt vẫn nên ưu tiên cho lượng hành khách có thu nhập thấp là công nhân, học sinh, sinh viên… nên giá cả sẽ là yếu tố quyết định để lượng hành khách này chọn lựa xe buýt. Chỉ tính riêng số lượng học sinh, sinh viên ở thành phố hiện nay đã trên 1 triệu người. Đây là nguồn khách hàng tiềm năng và di chuyển ổn định, cố định của xe buýt. Nếu thu hút được lượng hành khách này, xe buýt rất có thể sẽ chiếm được thị phần vận tải quan trọng” - một chuyên gia khác cho biết.

Về vấn đề này, ông Đậu An Phúc- Giám đốc Trung tâm vận tải hành khách công cộng thành phố cho biết, so với 5 năm trước, lượng người dân ở thành phố đã tăng lên khá nhiều. Tuy nhiên, số lượng người đi xe buýt lại giảm bởi vì trong khoảng thời gian này, nhiều các loại hình vận tải khác ra đời cạnh tranh cùng xe buýt. “Nếu trước kia công nhân, học sinh… thường xuyên sử dụng xe buýt vì thời gian, địa điểm lên xuống của họ cố định thì ngày nay, lượng khách hàng tiềm năng này đã không còn. Các công ty thì có xe đưa rước, trường học thì tự thuê xe tư nhân để đưa đón học sinh… đã khiến cho nhiều tuyến xe buýt cố định bị mất khách. Thậm chí, các loại vận tải cá nhân như uber, grapbike cũng có thể cạnh tranh sòng phẳng với xe buýt”- ông Phúc cho biết.

Về các giải pháp giúp phát triển lượng hành khách, ông Phúc cũng cho rằng dù có khá nhiều giải pháp được đề xuất trong thời gian qua nhưng do hạ tầng đô thị thành phố có nhiều đặc thù, khó áp dụng. “Các tuyến đường nhỏ, đường nhánh nhiều, dân cư đông nhưng lại phân bố không tập trung, các khu đô thị, chung cư không kết nối với trạm xe buýt được… cũng khiến cho hành khách khó tiếp cận. Thêm nữa, thực tế thì thành phố cần phát triển các loại xe buýt nhỏ để dễ tiếp cận với hành khách nhưng hầu các loại xe buýt này đang sắp hết thời hạn lưu thông. Vì vậy, việc đầu tư đồng bộ giữa xe buýt lớn chạy nhiên liệu sạch và xe buýt cỡ nhỏ cũng là giải pháp cần thực hiện. Tuy nhiên, các xe buýt nhỏ khó thu hút đầu tư việc việc thu hồi vốn khó khăn hơn.

Từng có thời gian (năm 2003-2013), lượng hành khách đi xe buýt ở TP HCM đạt ngưỡng hơn 400 triệu lượt hành khách/năm, có nghĩa là khoảng 1,3 triệu lượt hành khách/ngày. Tuy nhiên từ năm 2013 đến nay, lượng hành khách liên tục giảm và đến nay, mỗi ngày chỉ chưa tới 1 triệu lượt hành khách.

Theo Báo cáo của Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng, trong 10 tháng đầu năm 2016, khối lượng vận chuyển bằng xe buýt phổ thông có trợ giá ước đạt 182,3 triệu lượt, giảm 11,4% so với cùng kỳ và chỉ đạt 61,8% kế hoạch năm 2016 (295 triệu lượt).

Cũng trong 10 tháng này, hệ thống xe buýt thực hiện hơn 5 triệu chuyến, trung bình mỗi ngày hơn 16.000 chuyến nhưng số lượng hành khách trên mỗi chuyến tiếp tục giảm, trung bình 36 khách/chuyến. Trong năm 2016, tổng kinh phí trợ giá xe buýt khoảng 995 tỉ đồng, dự kiến năm 2017 sẽ tăng lên 1.226 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm đường cho xe buýt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO