Tìm giá trị thực cho hạt cà phê

Phương Nguyên 31/12/2016 09:35

Là một trong những quốc gia có thế mạnh về sản lượng và chất lượng nhưng cà phê Việt hiện nay vẫn chưa đạt được những giá trị như mong muốn.

Giá trị cà phê chưa được tận dụng hết khi xuất khẩu thô.

Nguyên nhân lớn nhất được đưa ra là mặt hàng này vẫn chuyên về sản phẩm thô còn các sản phẩm chế biến sâu chưa nhiều. Chính vì lý do này mà cà phê luôn bị ép giá, nhất là với thị trường xuất khẩu.Nặng về xuất khẩu thô.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VIFOCA), hiện nay doanh nghiệp trong nước đối với mặt hàng cà phê đã tăng về số lượng nhưng có mặt hạn chế là chủ yếu họ chỉ chú ý tới sản phẩm thô. Chính vì lý do này nên dù có tăng về số lượng nhưng họ trở nên yếu thế để mặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài “nhảy vào” tung tác và làm mưa, làm gió, kiếm lợi nhuận.

Theo thống kê, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực cà phê không nhiều nhưng họ lại đang thu lợi nhuận lớn khi biết tận dụng thị trường từ tinh sang thô, từ mua bán cà phê nhân sang chế biến ra các sản phẩm (chế biến sâu) có liên quan đến cà phê. Một cảnh báo được đưa ra: Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không sớm thay đổi cơ cấu sản xuất sang hàng giá trị gia tăng, sẽ khó phát triển bền vững trong điều kiện hiện nay.

Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ cà phê nhân được các doanh nghiệp trong nước thu gom và xuất khẩu hàng năm chiếm tới 90% tổng sản lượng càp hê cả nước. Hiện cả nước có tới gần 100 cơ sở chế biến cà phê nhân, gần 70 cơ sở tập trung ở vùng Tây Nguyên và 21 cơ sở chế biến ở vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, có hạn chế phần lớn các cơ sở này mới dừng ở mức độ thu mua sản phẩm thô là quả và hạt sau đó sấy khô, phân loại và chờ rao bán hoặc liên kết xuất khẩu.

Là quốc gia được coi là có diện tích và chất lượng đáng kể về cà phê nhưng do hạn chế nên thực tế đến nay cà phê được chế biến theo hình thức chế biến sâu mới chỉ chiếm trên 10% tổng lượng cà phê xuất khẩu. Cả nước có 160 cơ sở chế biến cà phê bột nhưng trong đó còn rất nhiều cơ sở chế biến bột công suất nhỏ, quản lý chất lượng còn hạn chế, chưa kiểm soát được hương liệu và vật liệu. Hiện số lượng cơ sở sản xuất các loại cà phê như “3 trong 1”, cà phê hòa tan mới dừng lại con số hết sức khiêm tốn.

Cần phát triển theo xu hướng

Theo VIFOCA, hiện tất cả các hãng cà phê rang xay hàng đầu trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam, điển hình như Nestle, Olam… Riêng Nestle đã đầu tư 300 triệu USD vào ngành chế biến sâu cà phê Việt Nam. Một số nhà đầu tư nước ngoài khác vẫn đang tiếp tục khảo sát và chuẩn bị đầu tư vào cà phê rang xay và hòa tan để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, lao động dồi dào để đón đầu một loạt các hiệp định thương mại đa phương và song phương đã có hiệu lực như FTA với EU, Liên minh kinh tế Á-Âu, AEC…

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VIFOCA, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững cũng phải đầu tư vào chiều sâu. Bởi, sản lượng cà phê đang tăng cao, người nông dân tham gia vào khâu điều tiết thị trường nên lợi nhuận chủ yếu nằm ở khâu dịch vụ, chế biến sâu. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, do chi phí đầu tư cho các thiết bị rất đắt đỏ, thị trường tiêu thụ lại nằm trong tay các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia. Doanh nghiệp Việt có thể rơi vào tình trạng đầu tư nhà máy xong sẽ không bán được sản phẩm.

Theo phân tích của các chuyên gia, lợi thế của các doanh nghiệp FDI đầu tư vào chế biến sâu là có công nghệ hiện đại, đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và có thương hiệu ổn định.

Do đó, khi họ có chiến lược đầu tư, xây dựng các nhà máy, có nghĩa sản phẩm sẽ bán được ngay và dễ dàng thâm nhập vào các thị trường, kể cả thị trường khó tính nhất. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư chiều sâu thì vấn đề thị trường tiêu thụ vẫn là vấn đề lớn. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, trở ngại, song việc đầu tư chế biến sâu lại là xu hướng tất yếu của ngành cà phê hiện nay.

Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam cũng cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp đã tập trung xây dựng sản xuất cà phê theo hướng bền vững để nâng cao sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Bản thân người nông dân cũng có những quy trình sản xuất gắn với các chứng nhận phát triển bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện diện tích cà phê canh tác theo tiêu chuẩn 4C, UTZ… là khoảng 60%. Đây được xem là một trong những yếu tố quan trọng để “tiếp thị” cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm giá trị thực cho hạt cà phê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO