Tìm giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

Phạm Sỹ 19/04/2022 00:11

Xây dựng môi trường văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần căn cứ vào các đặc điểm riêng của từng địa phương và đòi hỏi phải có chính sách, nguồn lực và phương thức phù hợp. Nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực, ngày 18/4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra diễn đàn “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa”.

Gặp gỡ, giao lưu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Giá trị truyền thống nguy cơ bị mai một

Trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế, với đường lối đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, văn hoá nước ta có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức, các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hoá mới.

Tuy nhiên, cùng đó là nhiều thách thức, đặc biệt đối với văn hoá các dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có ngôn ngữ, chữ viết, trang phục... dễ bị tổn thương, mai một, thậm chí bị biến mất. Do vậy việc bảo tồn, phát triển văn hoá các DTTS là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cần phải tiếp tục được thực hiện thường xuyên và lâu dài.

Trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, trào lưu đô thị hóa nông thôn cùng với quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa đã có phần tác động làm cho giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang có biểu hiện bị mai một. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người chưa được bảo tồn và phát huy đúng mức, một bộ phận lớp trẻ có biểu hiện xa rời bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: “Những mặt trái của cơ chế thị trường như sự gia tăng của các tệ nạn xã hội, tình trạng tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện xuống cấp của đạo đức xã hội, lối sống chạy theo đồng tiền…. là những nguyên nhân cơ bản gây mất ổn định, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước”.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vi Thanh Hoài bày tỏ, trong quản lý về lĩnh vực văn hoá dân tộc thời gian qua cũng còn nhiều vấn đề cần khắc phục, những nhu cầu bức thiết cần phải giải quyết.

Điều đó bắt nguồn từ một số nguyên nhân như: Nhận thức về vị trí, vai trò của việc bảo tồn, phát huy văn hóa ở vùng đồng bào DTTS nhiều lúc, nhiều nơi còn chưa đúng, chưa thật đầy đủ, chưa thống nhất cao, chưa đặt văn hoá ngang tầm với vị trí kinh tế - xã hội dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành còn tản mạn, thiếu thống nhất, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp để triển khai những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, chưa tạo được những khâu đột phá trong công tác phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá còn lớn giữa đồng bằng, thành phố với vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa...

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Bảo tồn và phát huy trong bối cảnh hiện nay

Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong việc xây dựng môi trường văn hóa nhằm giữ vững nền tảng tinh thần, giá trị đạo đức xã hội trong hội nhập và phát triển đã và đang trở nên cấp thiết.

Xác định xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, càng khó khăn hơn khi xây dựng môi trường văn hóa ở vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Vì vậy, các chuyên gia về văn hóa cho rằng cần có những giải pháp mang tính cấp bách cũng như lâu dài.

Nhận định vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Việc tổ chức các sự kiện luôn phải lưu ý đến việc huy động sự tham gia của các cộng đồng. Tuy nhiên, việc huy động này phải đặt quyền lợi và lợi ích của cộng đồng lên trên hết. Nếu không, cộng đồng sẽ trở thành các diễn viên không chuyên, chỉ thể hiện sự áp dụng lý thuyết máy móc của các nhà tổ chức sự kiện và không đáp ứng việc tổ chức sự kiện một cách bền vững, tạo được nhiều lợi ích cho cả nhà tổ chức và cả cộng đồng”.

Theo bà Tráng Thị Xuân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc trong môi trường văn hóa cơ sở trong thời gian tới cần phải nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, coi việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội. Bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu. Các loại hình văn hóa truyền thống phải được bảo tồn trong không gian văn hóa phù hợp mới có sức sống bền lâu. Cùng với đó là sự quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống thiết chế văn hóa các cấp trong tỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động, nhằm phát huy có hiệu quả công năng sử dụng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở.

Theo TS Trần Hữu Sơn, những vấn đề cấp bách cần thực hiện trong xây dựng môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay là đổi mới cơ chế đầu tư, phân bổ kinh phí cho miền núi, vùng cao; sử dụng mạng xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa; chú trọng phát huy thể chế quản lý truyền thống với vấn đề xây dựng môi trường văn hóa…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO