Tìm hướng nâng tầm văn hóa đọc

Hoàng Minh 17/12/2019 08:00

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và trao Giải thưởng phát triển văn hóa đọc lần thứ 2.

Tìm hướng nâng tầm văn hóa đọc

Hội chợ sách thu hút nhiều bạn trẻ.

Không để lại ai phía sau

Báo cáo của Vụ Thư viện, năm 2019, đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đã được triển khai sâu rộng tại nhiều bộ ngành địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, tạo môi trường giúp cho người dân có thêm cơ hội để tiếp cận với thông tin và tri thức, thực hiện việc học và đọc là một vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đặc biệt, đầu năm 2019, Bộ VHTTDL tổ chức Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019” thu hút hơn 500 nghìn học sinh, sinh viên với gần 4.400 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và học viện tham gia. Cuộc thi đã góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các phương pháp đọc hiệu quả, các biện pháp phát triển văn hóa đọc phù hợp với các vùng miền, lứa tuổi và các đối tượng khác nhau.

Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà, để làm được điều này những người trong cuộc đang cố gắng với mục đích “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai các chương trình phối hợp công tác với Bộ, ngành liên quan nhằm mục tiêu đưa ánh sáng tri thức đến với cộng đồng, chú trọng đến các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn và các đối tượng bạn đọc đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…

Cũng theo bà Ngà, tính đến thời điểm này, cả nước có 178 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, một sự phát triển rất đáng ghi nhận. Điều đáng ghi nhận là cả những người khuyết tật cũng rất tích cực tham gia vào việc xây dựng thư viện và không gian đọc cho cộng đồng. Bên cạnh những thư viện có bề dày tiêu biểu như anh Đỗ Hà Cừ, tỉnh Thái Bình, liệt toàn thân do ảnh hưởng chất độc màu da cam đã mở không gian đọc Hy vọng tại nhà và giúp cho các bạn khuyết tật khác mở thêm nhiều Không gian đọc khác với những cái tên rất đẹp như: Ước mơ, Ánh sáng, Niềm tin, Hoa Hướng dương không gian đọc Hàn Mạc Tử…

Cùng với các thư viện tư nhân, các thư viện cộng đồng xã, thôn tiếp tục được duy trì và phát triển, chỉ trong vòng 1 năm hơn 2.000 thư viện thôn làng đã được thiết lập tạo môi trường thuận lợi cho người dân được đọc sách báo tại nơi sinh sống. Hơn 19 nghìn thư viện đã được triển khai từ những tấm lòng và những hoạt động thiện nguyện của các cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, người cao tuổi...

Tạo một guồng quay

Có thể thấy, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” câu chuyện “văn hóa đọc” đang tạo nên một guồng quay nhất định. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng, sản xuất các loại sách điện tử, sách nói... của các nhà sách, nhà xuất bản vẫn còn hạn chế. Công tác số hóa tài liệu trong hệ thống thư viện tại nhiều nơi chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, việc thực hiện còn thiếu tính đồng bộ, chuẩn hóa.

Để lan tỏa phong trào, nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng cần phát triển sâu rộng hơn nữa mạng lưới thư viện cộng đồng, xây dựng thế hệ đọc tương lai bằng cách tạo thói quen đọc cho học sinh bậc mầm non, tiểu học.

Theo ông Lợi, trong thời đại kỹ thuật số, thông tin mạng xã hội và internet có tác động không nhỏ tới cộng đồng, ở chừng mực nào đó khiến cho chúng ta lo lắng. Tại đó, để lan tỏa hơn nữa phong trào văn hóa đọc tới đông đảo công chúng, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục phát triển các chương trình đọc sách như: Ngày sách Việt Nam, phố sách, hội sách xuân; thường xuyên tổ chức các giải thưởng về sách để cổ vũ cho các đơn vị phát hành thực hiện những bộ sách giàu văn hóa…

“Một số địa phương đã làm rất tốt việc này trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cần phải nhân rộng hơn ở các tỉnh, thành khác” - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nói.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty First New - Trí Việt Nguyễn Văn Phước cho rằng, trong thời đại giới trẻ thích đọc mạng xã hội, internet hơn là sách báo truyền thống thì Bộ VHTTDL cùng các đơn vị phát hành sách uy tín nên có nhiều đợt giới thiệu tốp những cuốn sách hay dành cho các đối tượng độc giả. Cách làm này nhằm hướng dẫn, định hướng cho người đọc những sản phẩm văn hóa uy tín trong vô vàn những cuốn sách đang bán trên thị trường...

Cũng tại Hội nghị, Bộ VHTTDL đã trao tặng giải thưởng nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc năm 2019. Đồng thời, BTC cũng tổ chức triển lãm, trưng bày một số sản phẩm và hình ảnh hoạt động khuyến đọc của thư viện, các sáng kiến cá nhân trong phát triển văn hóa đọc và sản phẩm của bạn đọc sáng tạo nên từ đọc, học tập qua sách báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm hướng nâng tầm văn hóa đọc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO