Tìm hướng phát triển cho mỹ thuật ứng dụng

Minh Quân 25/10/2019 07:04

Không chỉ là môi trường kích thích sự sáng tạo, mỹ thuật ứng dụng trong những năm qua đang tạo ra “công ăn việc làm”, nguồn thu cho các nghệ sĩ, nghệ nhân, làng nghề... Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó việc đào tạo ngành nghề vẫn chưa được coi trọng ở cả khâu đào tạo cho đến việc tiêu thụ các sản phẩm.

Tìm hướng phát triển cho mỹ thuật ứng dụng

Ngành mỹ thuật ứng dụng đang ngổn ngang những nỗi lo. Ảnh minh họa.

Gỡ “nút thắt” đào tạo

Thực tiễn cho thấy từ nhiều năm qua mỹ thuật ứng dụng đang đóng vai trò quan trọng góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Trong đó, mỹ thuật ứng dụng bao gồm các thiết kế đồ họa, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, thiết kế trang trí nội thất, thiết kế sản phẩm, thiết kế đồ chơi, thiết kế thời trang và phụ kiện; sản phẩm trên các chất liệu như sơn mài, gốm, sứ, mây tre, chạm khắc vàng, bạc, đồng, gỗ, kim loại, vải, tổng hợp... Với sự thiết thực này, mỹ thuật ứng dụng đã thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính sự phát triển này, ghi nhận các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam đã có sự phát triển không ngừng cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay cả nước có hơn 80 cơ sở có đào tạo các ngành mỹ thuật. Mỗi năm có khoảng 9.000 sinh viên ra trường, trong đó, phần lớn thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Tuy nhiên, với nguồn nhân lực sáng tạo dồi dào này đến nay vẫn chưa được tận dụng triệt để. Bên cạnh đó, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin việc đào tạo nguồn lực mỹ thuật ứng dụng sau một thời gian vận hành đang lộ ra những điểm yếu, tụt hậu so với sự phát triển chung.

Đơn cử như lĩnh vực thiết kế đồ họa, sau những màn “chạy đà” công tác đào tạo đang dần thiếu đi những định hướng chuyên nghiệp và có xu hướng phát triển đại trà. TS Võ Thị Thu Thủy (Trường ĐH Kiến trúc TPHCM) nhìn nhận: Bên cạnh những hỗ trợ của công nghệ thông tin trong đào tạo mỹ thuật ứng dụng nói chung và thiết kế đồ họa nói riêng đang nảy sinh những hạn chế. TS Thủy dẫn chứng, hiện nay sinh viên còn bị lệ thuộc quá nhiều vào các phần mềm, xem đó là mục tiêu cần phải đạt được để xin việc làm. Không ít sinh viên chỉ mới làm quen và biết sử dụng phần mềm ở trình độ cơ bản, chưa thuần thục các kỹ năng ứng dụng vi tính nhưng đã nóng vội vận dụng vào đồ án của mình dẫn đến hạn chế trong tìm ý tưởng và thể hiện. “Nguy hại hơn là sao chép lệ thuộc vào các nguồn tài liệu, thư viện hình ảnh, vật liệu, model, những bài sinh viên các năm trước… trên mạng rồi, sao chép biến tấu mà thiếu sự tư duy, sáng tạo ý tưởng”- TS Võ Thị Thu Thủy nói.

Không chỉ đào tạo lộ rõ những yếu kém, mà thức tế việc tuyển sinh, quan niệm về mỹ thuật ứng dụng hiện này vẫn chưa được cọi trọng. Trong khi ở các quốc gia phát triển coi mỹ thuật ứng dụng là ngành kinh tế tri thức và chú trọng đầu tư. Tại các trường chuyên nghiệp, trong 10 chỉ tiêu đào tạo thì có 8 chỉ tiêu là mỹ thuật ứng dụng và 2 chỉ tiêu là nghệ thuật tạo hình. Thế nhưng ở Việt Nam, họa sĩ thường được chú ý nhiều hơn nhà thiết kế mỹ thuật. Nhiều nghệ sĩ tạo hình tham gia các hoạt động mỹ thuật ứng dụng để nuôi nghề chính là hội họa.

Tìm khâu đầu ra

Có thể thấy, mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam hiện nay đang thừa nguồn nhân lực những lại thiếu những “người thợ” lành nghề, cũng như môi trường để kích cầu phát triển. Nguyên nhân chính là ngay ở mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng thiếu sự kết nối, hỗ trợ cần thiết.

Họa sĩ Phan Quân Dũng - Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường ĐH Văn Lang nhìn nhận: Hiện nay các nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam vẫn đang sáng tạo theo “vốn tự có”. Nếu ở nước ngoài, các nhà thiết kế có kho tư liệu, hình ảnh riêng để có thể tham khảo nhưng ở Việt Nam hầu như các nhà thiết kế phải “tự thân vận động”. Từ đó, dẫn đến việc khi doanh nghiệp đặt hàng thiết kế sản phẩm, thời gian gấp, nhà thiết kế chỉ có 1-2 ngày để hoàn thiện, không đủ thời gian đi thực tế tìm hiểu kỹ rồi mới đưa vào sản phẩm “thuần Việt”. Trong khi đó, tiêu chí của doanh nghiệp thì đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Nhà thiết kế làm thuê theo kiểu chỗ nào có tiền là làm, bằng mọi cách đáp ứng nhanh yêu cầu của doanh nghiệp, bất chấp quy định, đạo đức của người làm nghề nên dễ dàng cóp nhặt mỗi nơi một chút. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn “khuyến khích” các nhà thiết kế trẻ bằng cách cho đi hội chợ, triển lãm để sao chép các sản phẩm mẫu. Sau đó các nhà thiết kế sẽ về “luyến láy” đi thành mẫu mã mới cho sản phẩm của đơn vị, bán ra thị trường. Cách làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa nói đến phát triển bền vững và đạo đức nghề nghiệp.

Đồng quan điểm, theo nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Công nghiệp Ngô Anh Cơ: Lâu nay sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp khá “đắt hàng”, thậm chí nhiều người đang trong quá trình học tập đã có doanh nghiệp đến tìm. Tuy nhiên, sự quan tâm ấy của phần lớn doanh nghiệp vẫn chỉ dừng ở mức độ giải pháp tình thế, “lấy ngắn, nuôi dài”, mà thiếu đầu tư dài hạn.

Để khắc phục tình trạng này, ngành mỹ thuật ứng dụng hiện nay rất cần có sự đồng hành giữa nhà quản lý, nhà làm chính sách, nhà sản xuất và họa sĩ, nhà thiết kế. Ở góc độ đào tạo cần bảo đảm đầu ra bền vững cho sinh viên cũng như ý thức về vai trò của mỹ thuật ứng dụng trong các doanh nghiệp. Từ đó mới có thể thúc đẩy được nguồn nhân lực nói riêng, cũng như sự phát triển của mỹ thuật ứng dụng nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm hướng phát triển cho mỹ thuật ứng dụng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO