Tìm lối đi cho thư viện công cộng

Phạm Sỹ 26/10/2022 15:24

Những năm qua, tại Hà Nội, thư viện công cộng đã có những bước phát triển nhất định và ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong xã hội. Song việc đầu tư cho hoạt động thư viện công cộng chưa cao, dịch vụ thư viện còn hạn chế.

Nhiều bạn trẻ đọc sách tại thư viện miễn phí tại 66 Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội).

Nghèo cơ sở vật chất, tài liệu

Theo Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh, hiện nay hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn TP Hà Nội gồm có Thư viện thành phố, 29/30 thư viện cấp huyện (quận Nam Từ Liêm chưa thành lập thư viện), 54 thư viện cấp xã, hơn 1.000 thư viện phòng đọc cơ sở đã góp phần không nhỏ xây dựng và phát triển văn hóa đọc thủ đô. Tuy nhiên, hệ thống thư viện này đang gặp nhiều khó khăn, trong đó thiếu cơ sở vật chất đang là một trong những vấn đề đáng trăn trở nhất.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin thời đại 4.0 với nhiều thiết bị điện tử hiện đại như máy tính, điện thoại, máy đọc sách… cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thư viện trong công tác phục vụ tài liệu truyền thống.

Cạnh đó, ngoài một số thư viện cấp huyện có trụ sở hoạt động độc lập, đảm bảo diện tích, bố trí ở các địa điểm thuận lợi cho hoạt động, đa số các thư viện còn khó khăn về trụ sở hoạt động, trang thiết bị thiếu thốn, địa điểm phục vụ nằm trong khuôn viên chung nhiều đơn vị hoặc tòa nhà làm việc của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, thậm chí nằm xa khu dân cư, diện tích chật hẹp, không có địa điểm hoạt động.

Thư viện huyện Đông Anh những năm gần đây đang hoạt động tạm thời tại trụ sở Đài Phát thanh cũ của huyện, với diện tích sử dụng khoảng 50m2, cơ sở vật chất thiếu thốn, việc ứng dụng công nghệ tạm dừng sử dụng do máy tính hư hỏng, không được đầu tư mới.

Cùng cảnh ngộ, Thư viện huyện Ứng Hòa được bố trí, sắp xếp như một kho sách tại một phòng nhỏ nằm trong tòa nhà chung của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, nằm xa trung tâm của thị trấn và khu dân cư, không có trang thiết bị, bàn ghế phục vụ bạn đọc và thường xuyên đóng cửa, không phục vụ bạn đọc. Thư viện huyện Gia Lâm nằm tại tầng 2 Trung tâm Văn hóa huyện với diện tích gần 200m2, vị trí nằm xa khu dân cư, vì vậy đã ảnh hưởng đến các hoạt động phục vụ bạn đọc…

Nói về vấn đề này, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh cho rằng, để xây dựng và phát triển hệ thống thư viện công cộng, mạng lưới thư viện cấp huyện cần được quan tâm đầu tư xây dựng, đảm bảo cả 30 quận, huyện, thị xã đều có thư viện. Bên cạnh đó, các thư viện cần được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài liệu, trong đó chú trọng có trụ sở thư viện độc lập.

Vận dụng linh hoạt xã hội hóa

Tại tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Hà Nội” mới đây, một lần nữa, câu chuyện đầu tư cho hoạt động của thư viện công cộng ở Thủ đô được mổ xẻ kỹ lưỡng.

Tuy còn nhiều hạn chế, khó khăn nhưng cũng có một số mô hình thư viện công cộng thành công, nhiều thư viện cơ sở được xây dựng từ hình thức xã hội hóa.

Ông Dương Văn Phi - Chủ nhiệm Thư viện làng Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) chia sẻ, Thư viện làng Bình Vọng đã thành lập và hoạt động từ năm 1999, do Chi hội Người cao tuổi quản lý và người dân trong thôn Bình Vọng đóng góp. Thư viện hình thành “mạng lưới viên” gồm những người cao tuổi và người quan tâm đến sách để quản lý, sắp xếp và vận động đóng góp sách. Từ đây, có nhiều sách, báo, tài trợ của người dân thôn Bình Vọng đang sinh sống, học tập và làm việc ở các địa phương gửi về, tạo nên lượng sách phong phú với hơn 15.000 bản sách, hàng nghìn tạp chí, cấp gần 700 thẻ độc giả cho các đối tượng trong thôn…

Là người quản lý phòng đọc tại khu Di tích Lịch sử miếu Vạn Phúc thuộc phường Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Huyền cho biết: Phòng đọc được cải tạo từ nguồn xã hội hóa nay đã có khoảng 1.000 cuốn sách và 20 loại báo, tạp chí. Phòng đọc mở cửa các ngày trong tuần; độc giả đến đây chủ yếu là cán bộ hưu trí, người cao tuổi, học sinh, sinh viên trên địa bàn phường. Để tiếp tục giữ gìn và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Đoàn thanh niên phường Vạn Phúc đã xây dựng Đề án “Văn hóa đọc kết nối lịch sử và du lịch làng nghề” với nhiều nội dung phong phú.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh công nghệ số phát triển như hiện nay, người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn sách, báo điện tử với chủng loại, loại hình phong phú. Bởi vậy, để thu hút độc giả, việc xây dựng hệ thống thư viện điện tử, tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội nhằm giới thiệu những cuốn sách mới, sách hay, thu hút độc giả tìm đọc sách đang được các thư viện hướng tới.

Tiến sĩ Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Hai Bà Trưng cho biết, quận đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện, tích cực chuyển đổi số để mang lại nhiều hơn các dịch vụ tiện ích, giúp độc giả tiếp cận kịp thời trong việc tìm kiếm, khai thác thông tin, lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội cho văn hóa đọc. Nếu được tận dụng và khai thác các ưu thế của công nghệ thì sẽ tạo đà phát triển mạnh hơn cho hoạt động thư viện công cộng.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, các cách làm và kinh nghiệm xây dựng thư viện công cộng tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố cần được nhân rộng, lan tỏa.

“Cùng với sự chủ động của các địa phương, cơ sở, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Thư viện Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống thư viện công cộng; đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các thủ thư, trao giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức tích cực trong hoạt động thư viện cơ sở… nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng" - bà Vân Anh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm lối đi cho thư viện công cộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO