Tìm lợi thế cho thịt nội

Minh Phương 19/01/2017 06:49

Mặc dù là một nước thuần nông và phần lớn bà con nông dân mưu sinh bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt, thế nhưng các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam lại đang mất lợi thế khi phải chứng kiến sự xâm nhập ồ ạt, áp đảo của các sản phẩm thịt ngoại nhập. Giới chuyên gia ngành chăn nuôi cho biết, chưa bao giờ hết lo lắng khi chứng kiến sự gia tăng số lượng thịt ngoại nhập vào thị trường trong nước.

Ngành chăn nuôi đang tìm cách nâng cao chất lượng, giá cả để cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Ảnh: TL.

Sản lượng thịt nhập khẩu tăng chóng mặt

Theo khảo sát của PV Đại Đoàn Kết, tại một số siêu thị lớn ở Hà Nội như: Big C Thăng Long, Fivimart, Vinmart, Lottemart… nhiều loại thịt bò, gà… nhập khẩu có số lượng áp đảo so với thịt nội. Đặc biệt, do giá cả cạnh tranh hơn nên các sản phẩm thịt ngoại được tiêu thụ rất tốt tại hệ thống các siêu thị trên cả nước.

Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Big C, giá thịt thăn bò nhập từ Úc chỉ khoảng 240.000 đồng/kg, trong khi giá thăn bò Việt lên tới 250.000 đồng/kg. Giá các sản phẩm thịt gia cầm như đùi gà, cánh gà nhập từ Mỹ cũng có giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm thịt gà nội địa, theo đó, giá đùi gà Mỹ chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, cánh gà 45.000 đồng-50.000 đồng/kg. Trong khi giá đùi gà ta cũng phải dao động 55.000 – 60.000 đồng/kg.

Trong những năm gần đây, lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu gia tăng đáng kể. Theo Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI), 3 năm qua sản lượng thịt của châu Âu xuất vào Việt Nam tăng 7,5 lần. Đại diện UPEMI cho biết: hiện đã có khoảng 100 doanh nghiệp EU được cấp phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam, riêng Ba Lan có tới 45 doanh nghiệp.

Những diễn biến nói trên cho thấy, ngành chăn nuôi nước nhà đang có nguy cơ bị các sản phẩm chăn nuôi của nước ngoài lấn sân. Chỉ tính trong vòng 6 tháng đầu năm 2016, các công ty của Pháp đã xuất khẩu 100 tấn thịt bò đông lạnh và 270 tấn nội tạng bò sang Việt Nam.

Thịt được sản xuất theo phương thức hiện đại, tuân thủ các quy định về chăn nuôi và thân thiện với môi trường. Khả năng truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn được thực hiện nghiêm ngặt bởi các nhà sản xuất lẫn cơ quan chức năng. Đây chính là những lợi thế của thịt ngoại khi cạnh tranh với thịt nội.

Sản phẩm nông nghiệp trong nước vẫn còn nhiều cơ hội để cạnh tranh.

Vực dậy ngành chăn nuôi cách nào?

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, trong cạnh tranh phải tính đến các yếu tố: Giá cả đắt hay rẻ, năng suất và chất lượng sản phẩm tốt hay xấu, có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không và một trong những yếu tố khá quan trọng đó là tập quán tiêu dùng thịt tươi hay thịt đông lạnh.

Theo ông Lịch, nếu so sánh các tiêu chí, thịt gia cầm nói riêng, sản phẩm chăn nuôi của nước ta so với các nước khác thì giá thịt trong nước còn cao hơn so với giá sản phẩm chăn nuôi của các nước khác. Bên cạnh đó, hàng loạt các thông tin về thực trạng thịt lợn siêu nạc, thịt gà nhuộm hóa chất, thịt lợn giả thịt bò… là nguyên nhân khiến người tiêu dùng e ngại, dè chừng với các sản phẩm nội địa. Có lợi thế về giá và an toàn vệ sinh thực phẩm, các sản phẩm thịt ngoại vẫn đang thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam và giữ thế áp đảo so với sản phẩm thịt nội.

Theo KS Quách Thước, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm và Trang trại nông nghiệp Thái Bình, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn sản xuất theo kiểu manh mún, tự phát, không kiểm soát được toàn bộ quá trình từ A đến Z, luôn bị rủi ro thị trường, vì thế luôn bị ép giá, không được mặc cả… Ngay khi Việt Nam chưa hội nhập sâu rộng thì ngành chăn nuôi đã điêu đứng trong khâu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, do luôn bị tư thương ép giá, vì không bán cho thương lái thì người nông dân cũng không bán cho ai.

Cũng theo KS Quách Thước, việc liên kết 4 nhà là yếu tố quan trọng để có thể phát triển được ngành chăn nuôi bền vững, tuy nhiên, mối liên kết này quá lỏng lẻo, có người ví trong “dàn nhạc” liên kết này, Nhà nước như một nhạc trưởng nhưng các thành phần trong dàn nhạc không ăn khớp với nhau, khiến cho bản nhạc bị lỗi nhịp.

Tuy nhiên, vẫn còn những cơ hội để có thể vực dậy ngành chăn nuôi nước nhà. Ông Lê Bá Lịch cho rằng, chúng ta không thua kém nước ngoài về năng suất và sản lượng gà công nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta phải xem lại lại vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách củng cố lại hệ thống giết mổ. Bên cạnh đó, lợi thế của các sản phẩm chăn nuôi nội địa là, người Việt Nam có sở thích ăn thịt tươi nên chắc chắn đây vẫn là lợi thế của sản phẩm chăn nuôi nội địa trong thời gian tới.

Ông Lịch cho rằng, tập quán tiêu dùng thịt đông lạnh vẫn còn khá xa vời và mới chỉ tập trung vào một bộ phận dân số, do đó, chăn nuôi trong nước vẫn có nhiều cơ hội để phát triển.

Dù vậy, ông Lịch cũng đề xuất, để phát triển ngành chăn nuôi ổn định, bền vững, có thể cạnh tranh được với các sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập, bản thân người chăn nuôi phải tự nâng cao trình độ quản lý xí nghiệp, đổi mới công nghệ thiết bị để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất khép kín chăn nuôi từ: Con giống đến nuôi thịt, giết mổ đến khâu đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, để bảo hộ sản xuất trong nước thời gian tới, ông Lịch cho rằng, chúng ta vẫn có thể sử dụng hàng rào kỹ thuật (TBT) nghiêm ngặt, vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) để bảo vệ sản phẩm nội địa chất lượng tốt, bảo vệ nông sản nội địa an toàn.

Chăn nuôi mất cân đối cung cầu

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi Chủ tịch các tỉnh, thành phố, cảnh báo về tình hình phát triển “nóng” đàn lợn cả nước khiến giá xuống quá thấp thời gian qua; đồng thời tăng thực hiện chuỗi liên kết, nuôi theo tín hiệu thị trường.
Theo Bộ NN&PTNT, việc phát triển chăn nuôi lợn “quá nóng” thời gian gần đây, đang tạo nên sự mất cân đối cung cầu, gây hệ luỵ không nhỏ với lĩnh vực chăn nuôi trọng yếu này. Đặc biệt, đầu tư chăn nuôi lợn rất cao, vòng đời dài (bình quân 20-30 triệu đồng cho 1 lợn nái ngoại, thời gian khai thác 3 năm). Bộ NN&PTNT đã cảnh báo các địa phương, không tăng quy mô đàn lợn bằng mọi giá (ngay cả thời trong thời điểm giá lợn hơn tăng trên 50.000 đồng/kg), cần thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường lợn của Việt Nam.
Hiện giá lợn xuống rất thấp, có nơi dưới 30.000 đồng/kg, chưa có dấu hiệu hồi phục, gây thua thiệt cho người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi lợn thịt phải mua con giống giá cao và phụ thuộc thức ăn chăn nuôi bên ngoài. Nếu tình hình này kéo dài, các hộ chăn nuôi như thế này sẽ khó có thể tồn tại được.
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường và tiềm năng từng địa phương. Việc mở rộng quy mô đàn lợn trên địa bàn phải căn cứ vào tín hiệu thị trường, nhất là quy mô lợn nái; khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển giống cao sản, giống đặc sản để đa dạng hoá sản phẩm và tránh rủi ro.

Phương Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm lợi thế cho thịt nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO