Tìm theo người mang hồn Kinh Bắc

NGUYỄN QUANG HƯNG 12/03/2022 05:36

Hồi học bài thơ “Bên kia sông Đuống”, những hiểu biết của tuổi học trò về văn hóa dân gian còn sơ sài quá, nên dù đã xem đâu đó những bức tranh lợn, gà, tranh em bé ôm gà, tranh đám cưới chuột - xem rồi cũng trôi thoáng đi - thì đọc phần “Mẹ con đàn lợn Âm Dương/ Chia lìa đôi ngả/ Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã/ Bây giờ tan tác về đâu…”, tôi vẫn chưa cảm xúc gì mấy.

Nhà thơ Hoàng Cầm. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Mà mới thấy là lạ, là trong cảnh chiến tranh loạn lạc, nhà thơ có thể nghĩ ra hình ảnh những con vật trong tranh Đông Hồ cũng phải trốn chạy, chia xa.

Còn khi nghe cô giáo giảng đến những câu: “Bên kia sông Đuống/ Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong/ Bước cao thấp bên bờ tre hun hút/ Có con cò trắng bay vùn vụt/ Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu/ Mẹ ta lòng đói dạ sầu/ Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ” và “Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn/ Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo/ Xì xồ cướp bóc/ Tan phiên chợ nghèo/ Lá đa lác đác trước lều/ Vài ba giọt máu loang chiều mùa đông”, thì tôi ứa nước mắt. Vì dễ cảm hơn. Tôi liên tưởng đến bà ngoại mình ở quê, đến những người già cô quạnh, sầu tủi năm xưa, rất nhiều người có thể đã vì chiến tranh mà đau khổ.

Và rồi cứ đọc đi đọc lại, tưởng tưởng đi tưởng tượng lại, không biết trước rằng sau này mình sẽ có những dịp đi qua những hội hè đình đám, những núi Thiên Thai, chùa Bút Tháp, huyện Lang Tài, làng Đông Hồ sương khói để mà hình dung những dấu vết nghĩ suy, ánh nhìn mà Hoàng Cầm đã gửi lại, từ đấy mà thấy gần hơn, yêu hơn bài thơ. Nhưng tôi chưa biết nhiều hơn nữa về tác giả, cũng bởi sự háo hức với thơ ca chưa thành thôi thúc.

Cho đến một hôm trong giờ học, cũng lại nghe thầy lấy ví dụ những câu thơ Hoàng Cầm thật lạ lùng, tưởng như nghe mà thấy ý hiểu của mình được nâng tầm: “Chùa Phật Tích duỗi trong màn lụa bạch/ Tượng Quan Âm má ửng bồ quân/ Chuông chiều cởi yếm/ Chuông sớm đội khăn/ Câu kinh tê tê mười ngón tay măng”. Hình ảnh “tay búp măng” vốn quen thuộc trong văn thơ, nhưng trước đó là một cảm giác lạ lùng như điện chạy: “Câu kinh tê tê”, và trước nữa, những câu thơ sao quá huyền hoặc, nghe mà thấy vừa mê say, vừa khó hiểu, vừa muốn hiểu đến… điêu đứng.

Tôi không nghĩ trước có ngày được nhà thơ kể cho nghe đôi điều về những câu thơ của mình. Bản thân một tác giả nào đó khi nói về những câu thơ nổi tiếng đã có đời sống riêng, có khi nội dung gốc sẽ khác với những liên tưởng xa hơn nữa của công chúng. Nhưng nghe tác giả bộc bạch, thì còn thú vị nào hơn. Những câu “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa rẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông”, nhà thơ Hoàng Cầm tả lại những buổi chiều rộng khi đã muộn, trên nền xanh trời, nắng hừng lên vạch những luồng chéo từ một vùng tỏa về các phía, như một chiếc quạt ta xòe ra vậy. Và những khối mây lớn bừng lên trên không trung, làm ta tưởng tượng đến những con voi khổng lồ đang hung hăng giằng giật. Nhắc đến câu thơ về chùa Bách Môn: “Chuông Bách Môn đổ xô gò má”, nhà thơ lại nhớ lần theo mẹ lên chùa. Chùa to rộng, có đến trăm cửa thật, không nhỏ như sau này xây dựng lại vì hồi kháng chiến đã phá đi. Lần đó chạy chơi như lạc vào một mê cung, ông không trông thấy mẹ, khóc ngằn ngặt.

Hoàng Cầm nêu ví dụ thôi, chứ làm sao nhà thơ có thời gian kể hết cho mấy cậu sinh viên hâm mộ và sau này là cháu nhà báo lâu lâu xin phép qua phỏng vấn, hỏi chuyện ông được. May mắn quá, những lần phỏng vấn nhà thơ Hoàng Cầm về sự trở lại của kịch thơ “Kiều Loan”, hồi tưởng về nhà thơ Lê Đạt, nhà văn Kim Lân, nghĩ về quan họ, nhớ về những mối tình với các chị, ông đều trò chuyện chân tình, nhất là khi đã đau chân, chỉ ngồi, nằm một chỗ.

Giờ tôi nhớ lại thì nghe được chuyện nào thấy quý chuyện ấy. Vì ngoài chuyện đời riêng của một thi nhân, một người làm văn hóa, văn nghệ sấp ngửa qua lắm nỗi thăng trầm, thì những thông tin, chi tiết ấy như những nhắn gửi, những bài học nhỏ cho sự sáng tác, sự làm nghề, như gợi lên cả một lý tưởng tươi trong, sáng đẹp cho sự dấn thân vào con đường song hành, hòa quyện thi ca cùng những tinh túy văn hóa của dân tộc. Chẳng phải những câu thơ Hoàng Cầm đã làm ta thấy thêm đẹp, thêm sang, thêm sâu xa về một vùng văn hóa. Và ta bảo lòng mình phải có ý thức giữ gìn, trân quý những hát ca, những hội lễ, những di tích, những tập quán và tâm hồn nhân văn nơi đó, chính một phần nhờ những câu thơ điêu luyện ấy.

Phải chăng cũng chính vì thấm thía một phần tinh thần văn hóa trong thơ ca Hoàng Cầm nên vào cuối vở kịch “Kiều Loan” trong cuộc hồi sinh đình đám năm nào, đạo diễn NSƯT Anh Tú - sau này là NSND, đã để nhân vật Kiều Loan khi đang quỳ rũ ở giữa vòng vây của quan quân, ngẩng đầu, cất lên câu đầu của bài quan họ “Ngồi tựa mạn thuyền”, rồi đèn tắt, tiếng hát của nghệ sĩ quan họ tiếp nối vang vọng, bồi hồi.

Về chi tiết này, Hoàng Cầm ít ngày sau khi xem vở diễn trong hoa, trong những tràng vỗ tay và nước mắt, có tâm sự: Anh Tú đã không sa vào thể hiện hình ảnh bi lụy, đau thương mà cho cất lên bài hát, gợi nỗi buồn thương, vừa phải. Bác cho như thế là phù hợp! Và như chính ông cũng đã từng chia sẻ, rằng phải yêu Bắc Ninh, yêu quan họ, mới hiểu Hoàng Cầm. Bởi vì sao, một phần tôi cảm nhận qua lời ông kể, rằng từ thuở nhỏ ông đã là người hát hay, khi đi học hay được thầy giáo bảo hát hoặc ngâm thơ cho các thầy, các bạn nghe, và sau này dịp hội xuân hay đi nghe các liền anh, liền chị hát. Cái tài, cái khiếu, và những cái tình ca hát ông được nhìn, được thấm, làm sao mà không quấn quyện vào thơ ca của ông cho được. Lần đó trả lời phỏng vấn, ông kể chuyện: Hồi đó quan họ nó mê lắm! Mà trong làn điệu, cách hát, như là có cái men gì đó, làm cho mình say đi. Bác mê từ thuở bé, lúc độ tám, chín tuổi đã mê quan họ. Nhất là mình lại đẹp, đến chơi một tý là các chị lại ôm lấy, kéo ra ngồi cái ghế riêng. Các chị cho ăn kẹo hay quà gì đấy. Mình thì lại đẹp, mà cũng đa tình từ bé…

Nhân đây cũng nhớ một chi tiết nữa khiến mình thấy quý trọng những con người văn chương, văn hóa. Đó là thầy Chu Văn Sơn có lần kể cùng chúng tôi, hồi thầy viết một bài nghiên cứu dài về nhà thơ Hoàng Cầm. Sau này qua lại chơi thăm nhà thơ, có lần gặp nhà thơ Hoàng Kỳ là con trai nhà thơ Hoàng Cầm cũng thỉnh thoảng qua thăm bố. Nhà thơ Hoàng Kỳ cũng đã có tuổi rồi, nhưng ông rất lễ phép cúi đầu chào người trẻ hơn là nhà nghiên cứu Chu Sơn và đứng bên cạnh chứ không ngồi vì trân trọng anh Chu Sơn đã hiểu, đã viết hay về thơ của bố tôi đến thế! Thầy giáo ngại quá phải đề nghị, nài kéo cùng ngồi, nhà thơ mới theo lời.

Sự nghiệp của Hoàng Cầm lớn rộng hơn vùng thơ ông dành đi lại với quê hương, những câu thơ ông hướng về quan họ, về diễn xướng dân gian, nghi thức, tập quán của cả một miền văn hóa. Và như sự đa nghĩa tất yếu của những sáng tạo xuất chúng, thơ ca viết kể những đêm Thủy, đêm Hỏa, đêm Kim, những chuyến hành hương Kinh Bắc…, cũng đâu có nói riêng về những dữ liệu văn hóa làm nên các bài thơ ấy. Mà có biết bao nguồn cơn được dồn nén, nhức nhối, vận thơ ra để thỏa nói những nặng lòng. Nhưng “theo dòng mẫu hệ” ấy, ông đã lớn lên, ra đi để sau này trở về nương náu.

Quê hương Kinh Bắc, mạch chảy văn hóa không cùng và những câu thơ bay lên từ ấy là thuốc thang chữa trị và xoa dịu những xây xước, bầm tím đường dài. Nhớ có lần ông chia sẻ một cảm nhận, rằng ngẫu nhiên đến kỳ lạ, là cuộc đời mình lại lưu nơi bến đỗ ở đây, trên con phố Lý Quốc Sư, gần ngôi chùa Lý Triều Quốc Sư, gợi những hoài niệm triều đại nhà Lý xưa phát tích từ miền Kinh Bắc.

Mỗi lần đi Bắc Ninh, tôi lại có một cảm giác tìm đâu đây, gặp đâu đó, một dấu vết Hoàng Cầm. Ông như người đi chơi hội qua hết những làng mạc, núi đồi để thấm cả vào mình mạch sống tràn trề diễm ảo của văn hóa sinh sôi, con người đằm thắm nơi ấy. Và rồi những câu thơ của ông phả thêm hồn vía vào đường đất, lối sông, những sắc màu, âm thanh, những dáng hình Kinh Bắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm theo người mang hồn Kinh Bắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO