Tìm vốn cho năng lượng tái tạo

Minh Phương 16/03/2021 09:00

Báo cáo của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2020, cả nước có 105.996 hệ thống điện mặt trời (ĐMT) mái nhà đi vào vận hành, tổng công suất lắp đặt 9.731 MWp (khoảng 7.784 MWac), sản lượng tích lũy ước đạt khoảng 1.337.093 MWh, giảm phát thải khoảng 1.220.766 tấn khí CO2, góp phần bổ sung nguồn điện sạch, tại chỗ, góp phần giải quyết nguy cơ thiếu điện năm 2020, đóng góp lớn cho hệ thống điện quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc phát triển ồ ạt điện mặt trời áp mái dẫn tới nhiều bất cập.

Tuy nhiên, do có những ưu tiên về giá điện năng lượng tái tạo, thời gian qua, chúng ta chứng kiến sự phát triển ồ ạt của các dự án ĐMT mái nhà, dẫn đến sự quá tải hệ thống lưới điện quốc gia. Nhiều nhà đầu tư không phát được điện dẫn đến lãng phí công suất điện mặt trời...

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), với những dự án ĐMT, tốc độ xây dựng chỉ từ 4-6 tháng nhưng với đường dây truyền tải, thời gian xây dựng phải mất từ 2 năm trở lên, dẫn đến sự không tương thích về đầu tư, và hệ quả là nhiều dự án của nhà đầu tư bị thừa công suất.

“Thời gian qua, EVN đã xây dựng nhiều công trình, dự án truyền tải. Nhiều dự án của tư nhân cũng được triển khai nên cơ bản đến nay tình trạng quá tải do năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo theo đó đã được giải quyết”, ông Dũng khẳng định, đồng thời cho biết Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công thương rà soát phát triển ĐMT, tránh phát triển ồ ạt và quá tải đường dây.

Liên quan đến quy hoạch điện VIII, ông Dũng cho biết, với nhu cầu vốn lên đến 150 tỷ USD, nhu cầu phụ tải duy trì mức cao 8-9%/năm, tổng công suất 140.000 MW, gấp đôi so với hiện nay, nên cần nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, mỗi năm cần 12-13 tỷ USD là một thách thức lớn cho mục tiêu phát triển nguồn năng lượng này.

Theo vị này, vấn đề nguồn vốn là phức tạp nên với từng dự án thì chủ đầu tư cần phải lập nghiên cứu báo cáo phân tích khả thi, tính toán cụ thể. Nhưng quy hoạch chỉ đưa ra tổng vốn huy động và giải pháp chính. Trong đó, với huy động vốn, đề xuất giải pháp là tăng khả năng tài chính nội bộ của doanh nghiệp, tăng uy tín năng lực tài chính để vay vốn thuận lợi với chi phí thấp hơn.

“Với nguồn vốn hàng năm huy động cao như vậy, cần có cơ chế mạnh mẽ hơn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngành điện thông qua cơ chế đấu thầu hoặc xã hội hóa đường dây truyền tải để huy động nguồn lực”, ông Dũng nói.

Vẫn theo ông Dũng, nhìn vào các dự án nguồn năng lượng tái tạo vừa qua cho thấy sự vào cuộc của các doanh nghiệp tư nhân với 16.000 MW tương đương 10 tỷ USD, con số này chỉ huy động trong vòng khoảng 2 năm. Như vậy, nếu có cơ chế hợp lý, hài hòa lợi ích các bên, sẽ có nguồn lực mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, Bộ Công Thương đang dự thảo việc giảm giá ĐMT mái nhà xuống dưới 6 cent/kWh. Với mức giá này, nhà đầu tư đã có hiệu quả kinh tế, Nhà nước cũng có lợi vì có được nguồn điện sạch với giá hấp dẫn, đảm bảo môi trường sạch, góp phần cung cấp điện năng cho đất nước, giảm áp lực đầu tư lưới điện, truyền tải và phân phối điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm vốn cho năng lượng tái tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO