Tín hiệu vui

Hồng Anh 27/12/2015 10:05

Không thể nói mọi thứ đã hoàn hảo, nhưng nếu mỗi người, mỗi địa phương nơi có danh thắng đẹp biết chắt chiu từng chút, từng chút một, hút du khách từ nụ cười mộc mạc, những cử chỉ thân thiện hiếu khách hay từ những sản phẩm du lịch cộng đồng… chắc chắn du lịch Việt sẽ sớm cất cánh phải không anh?

Tín hiệu vui

Tuyết rơi ở Sa Pa.

Anh Phương thân!
Thế là anh vẫn không kịp về Hà Nội đúng ngày Noel như đã hẹn. Đêm Giáng sinh em vẫn ngồi uống café cùng bạn bè trên phố. Chuông nhà thờ rung lên những tiếng vọng yêu thương. Một mùa Noel ấm áp. Một năm mới nữa đang về…

Giáng sinh năm nay thời tiết Hà Nội đẹp anh ạ, một chút se lạnh vừa đủ để tay muốn nắm chặt tay. Anh bạn Jansen Meijer – người Hà Lan bảo đây là năm đầu tiên đón Giáng sinh ở Việt Nam, lãng mạn và rất thú vị. Không chỉ Meijer đâu mà nhiều bạn bè nước ngoài cũng nói như vậy. Họ bảo, không hề thấy nuối tiếc khi chọn du lịch ở Việt Nam dịp năm mới này.

Anh à,

Em nhớ, cuối năm trước về thăm quê, khi lên Sapa ngắm tuyết, vào Đà Lạt rồi về Quy Nhơn trượt cát anh cứ tiếc, quê hương xứ sở mình tươi đẹp như này nhưng tiềm năng du lịch thì còn khiêm tốn quá. Trong khi đó, theo lời anh kể thì ở Thái Lan mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực sau những bất ổn chính trị năm 2014 và vụ đánh bom đền thờ Eravan ở Thủ đô Băng-cốc nhưng ngành du lịch của họ vẫn đóng góp khoảng 10% GDP cho đất nước. Hay như Campuchia, nơi có hơn 15,4 triệu người, nhưng ngành du lịch đã tạo ra đến hơn 500 nghìn công việc trực tiếp, đóng góp 3 tỷ USD vào nền kinh tế Campuchia năm 2014…

Thực ra anh Phương ạ, em vẫn nghĩ, mặc dù đang tiến từng bước nhưng ngành du lịch của Việt Nam năm 2015 này đã có những tín hiệu rất đáng mừng. Đó không phải là võ đoán qua cảm nhận của những người bạn nước ngoài, mà bằng những con số cụ thể hẳn hoi. 9 tháng đầu năm, ngành Du lịch đã đón gần 54 triệu lượt khách trong và ngoài nước với doanh thu đạt 270 nghìn tỷ đồng. Một con số ấn tượng phải không anh?

Kết quả đó không chỉ là của ngành du lịch mà mỗi người Việt mình giờ đã ý thức hơn việc làm gì để hút bước chân khách quay trở lại lần thứ hai, thứ ba…Anh còn nhớ cô bé Thào Thị Rủ ở Sapa không? Giờ đã trở thành một tour guide chuyên nghiệp rồi đấy. Đầu tháng 12 vừa rồi em cùng với nhóm phượt lên đó ngắm tuyết, gặp Rủ đang dẫn khách du lịch nước ngoài vào bản Cát Cát, cô khoe, năm nay khách đến Sapa đông lắm. Lén cười ranh mãnh, Rủ bảo, là do người trên mình biết làm du lịch rồi đó.

Đúng như lời Rủ khoe anh ạ, nhiều du khách giờ vào bản Cát Cát không khỏi ngỡ ngàng, thích thú với những chiếc cối giã gạo nương bằng sức nước hai bên bờ suối Vàng, được tự tay chọn cho mình những món đồ lưu niệm mang thương hiệu Sapa hay đơn giản là chụp ảnh cùng những em bé người Mông ngộ nghĩnh, đáng yêu mà ít còn có cảnh “xòe ra xin 5 nghìn một kiểu”. Ngoài ra, một số thanh niên trong bản đã có xu hướng tách ra làm nghề dịch vụ, một số bạn trẻ học tiếng nước ngoài để làm hướng dẫn viên du lịch…

Không thể nói mọi thứ đã hoàn hảo, nhưng nếu mỗi người, mỗi địa phương nơi có danh thắng đẹp biết chắt chiu từng chút, từng chút một, hút du khách từ nụ cười mộc mạc, những cử chỉ thân thiện hiếu khách hay từ những sản phẩm du lịch cộng đồng… chắc chắn du lịch Việt sẽ sớm cất cánh phải không anh?

Hãy về thăm quê sớm để cảm nhận những sự đổi thay đó anh Phương nhé!

Em

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín hiệu vui

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO