Tín hiệu vui từ cuộc sống

Thanh Hoàng 09/01/2020 08:00

Năm 2019 được coi là năm “thoát nghèo”. Tại nhiều địa phương, trong đó tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn thì cũng có hộ dân làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Để đạt được điều đó, cùng với nỗ lực của người dân thì sự vào cuộc của các tổ chức tín dụng, của chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng.

Tín hiệu vui từ cuộc sống

Cây bơ phát triển tốt trên đất Mộc Châu.

Làm giàu từ sản xuất chuyên canh, trồng các loại cây hiếm

Phát triển vùng chuyên canh rau màu nhằm tạo ra sản phẩm chuyên biệt, đem lại lợi nhuận kinh tế cao đang được nhiều địa phương quan tâm, phát triển. Huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) là một trong những địa phương như vậy. Thực chất của vùng chuyên canh rau màu chính là việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo hướng công nghệ cao; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng... Được biết, từ năm 2017 đến nay, toàn huyện Châu Thành có trên 1.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng các loại rau màu và cây ăn trái, trong đó có xoài, quýt, cam, chuối, chanh, ổi… đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân.

Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều nơi bà con nông dân đã có thể làm giàu từ những cây trồng hiếm. Từ việc trồng cây nhãn tím, nhiều hộ nông dân tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng đã có thu nhập khá. Thực tế cho thấy, ở nhiều nơi không ít nơi bà con nông dân đã tìm được, lai giống được những loại trái cây độc đáo, giá thương phẩm cao hơn hẳn. Một số địa phương đã trồng những loại cây giống mới, giá trị kinh tế cao, trong đó có thể kể đến các loại cây: Sachi, vải không hạt, mít không hạt, cây bòn bon, Cherry anh đào, sầu riêng ruột đỏ, Nho Nam Mỹ…

Tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), bà con nông dân cũng “thắng lớn” khi trồng cây bơ, vốn trước đó không có. Với khoảng 1 héc-ta đất trồng cây bơ, mỗi năm có thể thu về 200 triệu đồng. Năm 2018, toàn huyện Mộc Châu có 386 héc-ta bơ (khoảng 100 ha cho thu hoạch), năng suất bình quân đạt 28 tấn quả/ha, sản lượng gần 2.800 tấn quả. Năm 2019, diện tích cây bơ tăng lên 405 héc-ta. Mạnh dạn, dám thử nghiệm giống cây trồng mới, điều đó đã mang lại lợi nhuận cho bà con.

Thu nhập cao từ cách chăn nuôi mới

Nuôi gà là chuyện bình thường, nhưng nuôi thế nào để cho hiệu quả kinh tế cao lại là chuyện khác.

Tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, từ việc mở rộng chăn nuôi đàn gà thả vườn bà con đã “có của ăn của để”, mỗi tháng thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng.

Còn ở Cà Mau, An Giang và một số tỉnh Tây Nam Bộ, một số hộ nông dân cũng phất lên nhờ nuôi chim Le le. Le le vốn là giống chim trời hoang dã, sống trong môi trường tự nhiên, nhưng kể từ khi được con người chăm nuôi thì số lượng của chúng phát triển vượt bậc. Ở ấp Bình Lễ (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu), bà con cho biết, nếu một gia đình nuôi chừng 200 con Le le trong ao, thì một năm có thể thu được 250 triệu đồng.

Tại xóm Gòi Gà (xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), những hộ gia đình sản xuất theo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) thì sau một thời gian đều có thu nhập khá. Nói như bà con ở đây thì “cộng dồn mỗi việc việc khoản nhỏ sẽ thành ra khoản lớn”. Có nghĩa là vườn (trồng cây) cho thu nhập một phần, ao (nuôi cá…) cho thu nhập một phần và chuồng chăn nuôi (lợn, gà, vịt…) cũng cho thu nhập một phần nữa. Cả 3 cộng dồn lại cuối năm “tính sổ” cũng thấy vui hơn.

Tín hiệu vui từ cuộc sống - 1

Nuôi gà thả vườn đem lại lợi ích kinh tế cao.

Tiềm năng du lịch cộng đồng

Tới nay, du lịch cộng đồng- hình thức tổ chức phát triển du lịch bằng chính lợi thế của từng thôn xã được nhiều nơi phát triển. Trên thực tế, du lịch cộng đồng đã tạo thu nhập tốt cho bà con, nhất là bà con vùng miền núi. Tại Chiềng Châu (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), để có sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ du khách bà con đã thành lập Hợp tác xã Dệt thổ cẩm và Dịch vụ, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động, với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Tại Sa Pa (Lào Cai), phát triển du lịch cộng đồng vừa xóa nghèo, vừa gắn với bảo vệ bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái địa phương. Nhiều hộ dân làm du lịch theo lối “3 cùng”, có nghĩa là du khách cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với bà con. Ở Tả Van có 140 hộ dân sinh sống, thì có hơn 40 hộ đăng ký làm mô hình du lịch cộng đồng, mỗi nhà có thể đón từ 10 đến 20 khách.

Tương tự, người bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) cũng thu nhập khá từ tổ chức du lịch cộng đồng. Tới đây, du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, các điệu dân ca dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số, được trải nghiệm các hoạt động sản xuất của địa phương như gặt lúa, hái cam, thi cấy, tham quan hội chợ phiên, nhảy sạp, buộc chỉ cổ tay...

Khi người nghèo được vay vốn ưu đãi

Để phát triển được sản xuất, yếu tố không thể thiếu là phải có vốn đầu tư.

Năm qua, các tổ chức tín dụng đã “sát cánh” cùng bà con nông dân, bà con vùng dân tộc thiểu số. Ðầu năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, cận nghèo. Theo đó, hộ nghèo, cận nghèo được vay tối đa đến 100 triệu đồng/hộ, thời hạn 120 tháng (10 năm). Ðây là điều kiện thuận lợi, cơ hội giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận vốn phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Thực tế cho thấy, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, thì nguyên nhân chủ yếu và cơ bản là do thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn. Vì vậy, nếu hộ nghèo được vay vốn ưu đãi thì đó sẽ là nền móng để tổ chức sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Cũng chính từ việc vay vốn, thông qua kênh tín dụng thu hồi vốn và lãi đã buộc những người vay phải tính toán trồng cây gì, nuôi con gì, làm nghề gì và làm như thế nào để có hiệu quả kinh tế cao. Tới nay, từ nguồn vốn này, nhiều địa phương trong cả nước đã hỗ trợ tích cực cho các hộ nghèo. Nhất là với các địa phương điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu vùng xa, miền núi, thì với nguồn vốn ưu đãi bà con đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín hiệu vui từ cuộc sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO