Tín ngưỡng thờ Mẫu trước ngưỡng cửa di sản của nhân loại

Minh Quang 03/08/2016 09:15

Theo kế hoạch, tới tháng 12/2016, hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt sẽ chính thức được UNESCO xem xét công nhận trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nếu được, đây sẽ là di sản phi vật thể duy nhất của Việt Nam được ghi danh trong năm nay.

Tín ngưỡng thờ Mẫu trước ngưỡng cửa di sản của nhân loại

Nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Hiện thực và tâm linh

GS.TS Ngô Đức Thịnh- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, người cả đời tâm huyết với việc nghiên cứu về đạo Mẫu luôn bảo lưu quan điểm: cần phải đánh giá đúng và công bằng về đạo Mẫu. Mới đây tại hội thảo khoa học toàn quốc về Văn hóa dân gian với vấn đề biển đảo, ông đã đưa ra những nghiên cứu để chứng minh rằng nghi lễ phụng thờ Mẫu Thoải và Thủy Long Thánh Mẫu có liên quan tới môi trường sống của người Việt, đặc biệt là môi trường sông biển Việt Nam. Việc tìm hiểu về vai trò của môi trường sông nước không chỉ trong đời sống hiện thực mà điều đó còn thể hiện trên bình diện tinh thần, tâm linh. Bởi vì suy cho cùng đời sống tâm linh chỉ là sự phản ánh đời sống hiện thực. Hiện tượng thờ Mẫu Thoải trong tín ngưỡng thờ Tam, Tứ phủ ở Bắc Bộ hay việc thờ Bà Thủy Long thần nữ ở Nam Bộ chính là sự phản chiếu rõ rệt nhất môi trường sống của con người Việt Nam.

Cũng theo GS Ngô Đức Thịnh, việc nghiên cứu về đời sống tâm linh, về nghi lễ thờ đạo Mẫu nói trên cũng càng cần thiết khi mà tương lai không xa do biến đổi khí hậu, nhiều vùng đồng bằng thấp ở ven biển sẽ bị ngập lụt, đời sống của người dân vùng ven biển, vùng sông nước sẽ bị co cụm lại. Trước thực trạng đó, bình diện tâm linh, tín ngưỡng sẽ giúp người dân cách thức phù hợp để ứng xử với những biến đổi của môi trường. Ở góc độ nghiên cứu thì đó là văn hóa dân gian và thảm họa môi trường.

TS Ngô Đức Thịnh phân tích, tục thờ Mẫu Thoải ở miền Bắc, thờ Thủy Long Thánh Mẫu ở Trung và Nam Bộ đã sản sinh ra hai hình thức nghi lễ Chầu văn của đạo Mẫu Tam, Tứ phủ và múa hát Bóng Rỗi- Chặp Địa Nàng. Chầu văn (lên đồng) là nghi lễ điển hình của tục thờ Tam, Tứ phủ, đó là nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thánh đạo Mẫu vào thân xác các Bà, Ông đồng để cầu sức khỏe, tài lộc và may mắn. Hay nói cách khác nghi lễ Chầu văn là nơi gặp gỡ giữa con người và thần linh. Tương tự như vậy, múa Bóng Rỗi có nguồn gốc xa xưa từ múa Bóng của các thày cúng Chăm, được người Việt tiếp thu và Việt hóa. Khác với Chầu văn là sự hiện thân của các vị Thánh Đạo Mẫu thì múa Bóng Rỗi là để chào mời các vị thần linh về dự lễ và ban phúc lộc cho mọi người. Tất cả những điều đó đã cho thấy, xuất phát từ môi trường sống và sản xuất lúa nước của người Việt, từ thời nguyên thủy đã hình thành ở người Việt tâm thức thờ cúng các vị thần tự nhiên, trong đó có thần nữ nước. Do đặc thù ở những vùng đất khác nhau cộng đồng đã sáng tạo nên các hình thức thờ cúng nữ thần, Thánh Mẫu mang sắc thái riêng, góp phần tạo nên truyền thống thờ Mẫu vừa thống nhất, vừa đa dạng. Đây là di sản văn hóa tổ tiên để lại, cần được gìn giữ và phát huy.

Hồ sơ đạo Mẫu chờ “trọng tài” UNESCO

Theo quy trình, hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được tiến hành xét duyệt trong 18 tháng. Trong tháng 6/2016, các chuyên gia UNESCO đã xem xét hồ sơ này. Tháng 12-2016, các chuyên gia sẽ đệ trình kiến nghị của họ (có thể là ủng hộ hoặc không ủng hộ) lên các thành viên của Ủy ban Di sản thế giới. Theo nguyên tắc, mỗi nước trình một hồ sơ. Trong 193 nước thành viên của UNESCO, thông thường có khoảng 50 hồ sơ nộp lên và được duyệt khoảng 30 hồ sơ.

Như vậy, từ những nỗ lực của GS Ngô Đức Thịnh, nghi lễ hầu đồng từ việc bị cấm đoán trong suốt nửa thế kỷ XX, bị xem là mê tín dị đoan, nay đang được UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của người Việt. Ông chia sẻ: Đến nay, nhận thức của xã hội về tín ngưỡng nói chung và đạo Mẫu nói riêng đã có sự thay đổi cơ bản. Từ chỗ cho rằng đó là mê tín dị đoan, là sản phẩm của xã hội phong kiến lạc hậu, cổ hủ, xã hội đã nhận thức ra giá trị và bắt đầu thừa nhận đạo Mẫu. Tất nhiên, đạo Mẫu vẫn cần phải tìm hiểu thêm một cách thấu đáo, chính xác và lâu dài. Theo kinh nghiệm của ông, muốn chống lại sự lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi cần phải dựa vào chủ thể văn hóa. Trong những thanh đồng cùng hợp tác với Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa sâu xa của đạo Mẫu. Trung tâm đã vận động các chủ đền, phủ để họ có ý thức trong việc hành lễ.

Cách đây ít lâu đã có một hội thảo khoa học quốc tế về nghiên cứu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tổ chức tại TP Nam Định đã làm rõ giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Hội thảo đã thu hút gần 50 chuyên gia, học giả, Tiến sĩ khoa học… Trong đó có hàng chục học giả quốc tế đến từ Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc... Ngoài ra, còn có hàng trăm nhà nghiên cứu, các thanh đồng từ khắp các vùng miền trong cả nước. Từ những phân tích giá trị cũng như việc thực hành nghi lễ đạo Mẫu hiện nay, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, cần có giải pháp cụ thể, lấy vai trò cộng đồng làm chủ thể nhưng không thể thiếu sự can thiệp tích cực từ cơ chế quản lý. PGS.TS Từ Thị Loan- quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho hay: Cùng với việc đệ trình UNESCO xét duyệt, công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong năm 2016, Bộ VHTT&DL cũng đã chuẩn bị chương trình hành động để bảo vệ, giữ gìn di sản này không đi chệch hướng.

Hiện Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đang đứng trước ngưỡng cửa của danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sự công nhận của UNESCO sẽ khẳng định tính đúng đắn của hồ sơ này- vì UNESCO là trọng tài về văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín ngưỡng thờ Mẫu trước ngưỡng cửa di sản của nhân loại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO