Italy lại nóng chuyện nhập cư

Ngọc Mai 11/11/2018 08:00

Thời gian “tạm lắng” vấn đề người nhập cư vào châu Âu chưa lâu, thì nay sự việc lại nóng lên ở Italy. Hạn chế tối đa quyền được tị nạn của những người nhập cư được coi là một trong những điểm then chốt của Dự luật Nhập cư và An ninh mới- do Phó Thủ tướng đồng thời là lãnh đạo đảng Liên đoàn Matteo Salvini khởi xướng và đã được Thượng viện Italy thông qua.

Italy lại nóng chuyện nhập cư

Người di cư Syria ở Serbia vượt qua hàng rào dây thép gai để vào Hungary. Nguồn: CBS.

Theo đó, Dự luật sẽ bãi bỏ việc cấp giấy phép cư trú vì lý do nhân đạo (được thay thế bằng giấy phép cư trú tạm thời đặc biệt vì lý do sức khỏe) sang việc chỉ cho phép người nhập cư ở lại từ 3-6 tháng trong các trại chờ hồi hương. Các hồ sơ xin tị nạn sẽ được xét chuyển sang một số quốc gia khu vực biển Caribe để đảm bảo tính nhân đạo. Quy chế tị nạn chỉ dành sự ưu tiên đối với những đối tượng được bảo vệ ở quy mô quốc tế hoặc trẻ vị thành niên không có người giám hộ, đi cùng.

Dự luật cũng tăng cường những biện pháp đảm bảo an ninh, như giám sát bằng camera, giải tỏa các khu nhà có người nhập cư vào ở bất hợp pháp, sử dụng các thiết bị bay không người lái, giám sát chặt chẽ việc cho thuê xe và thành lập các Quỹ An ninh ở các khu dân cư...

Tuy rằng Dự luật trên gây bất đồng trong chính phủ liên minh cầm quyền giữa hai đảng Liên đoàn và Phong trào 5 Sao (M5S) tại Italy. Nhưng rồi chính phủ liên minh ở Italy vẫn vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với dự luật này với tỷ lệ 163 phiếu ủng hộ, 59 phiếu chống và 19 phiếu trắng.

Thực tế thì vấn đề người nhập cư trong những năm qua khiến nhiều Chính phủ các nước châu Âu đau đầu. Hầu hết các quốc gia đều loay hoay với bài toán kiểm soát dòng người nhập cư, trong khi dòng người di cư và tị nạn vẫn tiếp tục đổ về, khiến cho tình hình ngày càng thêm khó khăn. Chính sách siết chặt biên giới để kiểm soát người nhập cư của các nước thuộc tuyến hành lang Balkan như Slovenia, Macedonia, Croatia... từng được đặt ra khiến hàng chục nghìn người nhập cư bị kẹt lại ở biên giới Hy Lạp giáp với Macedonia.

Nhiều hàng rào dây thép gai đã được gia cố, lực lượng cảnh sát và quân đội được tăng cường nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ Hy Lạp tiếp tục tràn vào các nước châu Âu. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) không ít lần đã phải lên tiếng cảnh báo những người di cư tại các trại tị nạn với thực tế “ở tình trạng không thể sống nổi”, càng khiến sự việc nóng hơn.

Cho tới nay, người ta vẫn tiếp tục tranh cãi và đưa ra những chính sách mới nhằm ngăn dòng người nhập cư, nhưng kết quả không khả quan. Hiện vẫn tồn tại hai vấn đề. Một là, mâu thuẫn giữa các nước EU do bất đồng trong cách giải quyết vấn đề. Một số nước thi hành chính sách tăng cường ngăn chặn dòng người nhập cư, trong đó có việc đóng cửa biên giới.

Hai là việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nằm ngoài EU, nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư đến từ Syria. Thoả thuận giữa một bên là EU, một bên là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thực sự tốt đẹp. Vì thế, EU cũng đã tính đến việc “giải quyết tận gốc” khi phối hợp, hỗ trợ cho các nước có nhiều người di cư sang châu Âu.

Vì vậy, bằng động thái mới nhất từ Italy, giới quan sát cho rằng khủng hoảng nhập cư châu Âu vẫn chưa thực sự thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Italy lại nóng chuyện nhập cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO